Tọa đàm trực tuyến: Hướng tới ngày bầu cử

16/03/2011 14:06 GMT+7

Hôm nay 16/3, buổi tọa đàm trực tuyến về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND được tổ chức tại Cổng TTĐT Chính phủ với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng.

 
Ảnh Chinhphu.vn

Lần đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 được tiến hành vào cùng một ngày (22/5/2011). Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và là dịp để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho ngày bầu cử sắp tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016”.

Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền của cuộc bầu cử.

MC: Thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng, năm nay là lần đầu tiên, bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tổ chức cùng một ngày trong thời điểm Đại hội Đảng XI vừa kết thúc thắng lợi. Xin ông cho biết ý nghĩa của cuộc bầu cử năm nay?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Ý nghĩa bao trùm là chúng ta có một dịp để hoàn thiện toàn bộ hệ thống nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Trước đây, ĐH Đảng thường tiến hành trước khoảng 1 năm, sau đó tiến hành bầu cử các cấp HĐND và QH, thành ra có một khoảng thời gian mà những người lãnh đạo Đảng được bầu chuẩn bị đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của Nhà nước, khoảng thời gian này tương đối dài, như vậy thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Do đó, chủ trương bầu cử lần này thể hiện một nỗ lực lớn về mặt tổ chức. ĐH Đảng diễn ra tháng 1, sau đó chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND, và đến tháng 7 sẽ hoàn chỉnh bộ máy Nhà nước.

Thứ hai là phát huy quyền dân chủ trong xây dựng chính quyền từ địa phương đến Trung ương. Trong mô hình quân chủ, quyền lực là trời ban (người đứng đầu xưng là thiên tử-con trời). Trong mô hình dân chủ, người dân ủy quyền cho ai thì người đó có quyền. Người dân ủy quyền cho những người được bầu để điều hành đất nước. Đây là sự kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình.

Thứ ba là mang lại tính hợp pháp và sự chính đáng cho toàn bộ hệ thống nhà nước. Người cầm quyền vừa hợp pháp vừa chính đáng, bởi vì có sự ủy quyền của người dân 5 năm một lần.

Trở lại với ý nghĩa bao trùm, đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong mô hình dân chủ, đảm bảo những người ứng cử phải nêu rõ được các phẩm chất, định hướng của mình, người dân phải có tinh thần trách nhiệm chọn đúng người, tiêu biểu về đức, tài như Chỉ thị của Bộ Chính trị đã yêu cầu để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ hệ trọng.

MC: Tuy nhiên, cuộc bầu cử diễn ra cùng một ngày có nghĩa là chúng ta phải phát huy cao độ hơn nữa tinh thần trách nhiệm cũng như công tác tổ chức để thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian rất ngắn?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Hoàn toàn đúng như vậy. Có những vấn đề thuộc về kỹ thuật chuyên sâu bầu cử như hòm phiếu như thế nào, dán ảnh như thế nào.

Những chi tiết kỹ thuật như vậy rất nhiều khi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ba cấp trong cùng ngày, so với trước đây chỉ bầu Quốc hội.

Như vậy, ngay việc dán ảnh như thế nào, phát phiếu bầu cử thế nào cho không lẫn lộn đều đòi hỏi những người làm việc cụ thể phải được tập huấn kỹ thuật rất kỹ để công việc này được tiến hành suôn sẻ, đúng pháp luật.

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Pha, xin ông cho biết ý nghĩa của cuộc bầu cử theo đánh giá của UBTW MTTQ cũng như tinh thần của UBTW MTTQ đang hướng tới cuộc bầu cử như thế nào?.

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi hoàn toàn tán thành nội dung cơ bản như ông Nguyễn Sĩ Dũng đã nói về ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này.

Tôi chỉ muốn nói thêm, một cách ngắn gọn, đây là một trong những mong muốn lâu nay của Đảng, Nhà nước, nhân dân, về việc tiến hành 2 cuộc bầu cử trong một thời điểm mà lần này chúng ta thực hiện được. Tôi thấy đây cũng là một ý nghĩa hết sức quan trọng.

MC: Bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 -2016 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nên Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử, điển hình như Chỉ thị số 50 – CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 192/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xin ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết tinh thần chỉ đạo toát lên từ các văn bản này?


Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh Chinhphu.vn 

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng là đây là sự kiện chính trị rất quan trọng nên có nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp, quan trọng nhất là Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Tổng số các văn bản hướng dẫn liên quan đến bầu cử lần này, tính sơ bộ (không tính tới Hiến pháp, Luật Bầu cử là các văn bản pháp luật thường xuyên) có tới 13 văn bản, gồm của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ…

Như vậy, có rất nhiều văn bản, nhưng tinh thần chung nằm trong Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị, nêu rõ đây là sự kiện chính trị quan trọng phải đảm bảo hoạt động hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tinh thần là phải tiến hành hoạt động bầu cử dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Một chỉ đạo quan trọng trong hoạt động lần này là thông qua bầu cử phát huy tinh thần dân chủ. Đồng thời, thông qua bầu cử chọn được người tiêu biểu về đức và tài. 

Bên cạnh đó, còn những tiêu chuẩn kèm theo được nêu lên trong Chỉ thị cũng rất quan trọng, đó là những người trung thành với Tổ quốc, hiến pháp, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Đây là những định hướng rất quan trọng, với tinh thần bao trùm lên là như vậy.

MC: Ông Nguyễn Sĩ Dũng vừa trao đổi về tinh thần chủ đạo trong các chỉ thị, hướng dẫn, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về cuộc bầu cử năm nay. Thưa ông Nguyễn Văn Pha, một trong những nội dung trong Chỉ thị của Bộ Chính trị là cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. Việc triển khai thực hiện chỉ đạo này được tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha: Đối với MTTQVN, Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị được quán triệt với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Theo đó, các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử cần đề cao vai trò của cử tri, trước hết là cử tri nơi công tác và sắp tới là cử tri nơi cư trú. Những người không nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri nơi công tác và nơi cư trú rất khó được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử.

Một vấn đề khác trong các tổ chức phụ trách bầu cử như Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử đều có đại diện Mặt trận tham gia. Chúng tôi đã hướng dẫn, chỉ đạo đại diện Mặt trận làm tốt các nội dung sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình UBTVQH và Thường trực HĐND khi dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần người ứng cử cần có sự trao đổi trước với đại diện Mặt trận.

Thứ hai, việc giới thiệu người ứng cử, nhất là các nhân sự chủ chốt đều có sự thống nhất cao trong Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử.

Thứ nữa, một việc nhỏ nhưng nhiều người ứng cử quan tâm là sắp xếp người ứng cử về các đơn vị bầu cử cũng phải có sự tham gia của đại diện MTTQVN, để tránh tình trạng người ứng cử cho rằng mình bị sắp xếp vào những đơn vị thiệt thòi cho mình, lép vế hơn so với người khác, tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”.

Một việc nữa, có những công đoạn trong quá trình hiệp thương tuy luật không quy định Mặt trận tham gia trực tiếp nhưng Mặt trận vẫn phải thường xuyên đôn đốc. Như việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử, Mặt trận phải đôn đốc làm sao để đến 17h ngày 18/3 là phải kết thúc nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.

Việc giải quyết khiếu nại tố cáo, xác minh những vụ việc do cử tri nêu ra, Mặt trận cũng phải đôn đốc thực hiện đúng thời hạn để làm rõ vấn đề cử tri nêu, nếu có vấn đề thì không đưa vào danh sách, không có thì cần trả lời để người ứng cử không bị oan.  


Ông Nguyễn Văn Pha - Ảnh Chinhphu.vn 

Về vấn đề bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật, đây là vấn đề Mặt trận rất chủ động nhưng không phải một mình Mặt trận có thể làm được, mà là trách nhiệm tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức bầu cử.

Chẳng hạn, ngay từ bước nộp hồ sơ ứng cử, theo các quy định hiện hành, công dân ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu thì nộp hồ sơ ứng cử ở Hội đồng bầu cử; công dân ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu và người tự ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử ở Ủy ban bầu cử cấp tỉnh.

Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử là các cơ quan có trách nhiệm xem xét đầu tiên các hồ sơ ứng cử, người nào khai hồ sơ không đúng hoặc không đầy đủ thì phải hướng dẫn cho họ làm lại; người nào không đủ điều kiện ứng cử theo quy định của pháp luật thì phải trả hồ sơ và giải thích cho họ. 

Như vậy, Mặt trận chỉ tập trung vào quá trình hiệp thương đảm bảo dân chủ, đúng luật.

MC: Như ông Nguyễn Văn Pha vừa chia sẻ, MTTQVN đang thực hiện các công việc hết sức nặng nề, đồng thời đòi hỏi hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Còn thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng, Chỉ thị số 50 – CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đã nêu rõ là cần phải gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp với quy hoạch cán bộ, với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biều Hội đồng nhân dân các cấp. Yêu cầu trên đã được triển khai thực hiện trong thực tế như thế nào?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi thấy là yêu cầu trên có hai mảng, mảng đầu tiên là do các tổ chức giới thiệu. Trong hệ thống của chúng ta thì Đảng lãnh đạo, theo Chỉ thị 50 về tiêu chuẩn và định hướng nhân sự thì rõ ràng là các tổ chức đảng đang lãnh đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện cho đúng.

Có những quy định về độ tuổi, đặc biệt là với đại biểu Quốc hội, những người ứng cử lần đầu ít nhất phải đủ tuổi làm 2 nhiệm kỳ, còn những trường đặc biệt thì phải xem xét. Như vậy, các quy định và hướng dẫn của Chỉ thị Bộ Chính trị đang được các cơ quan chấp hành rất nghiêm chỉnh, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các cơ quan.

Theo đánh giá của chúng tôi thì danh sách những người ứng cử được chọn vừa dân chủ, bởi được cử tri ở đơn vị bầu cử hoặc thông qua quần chúng giới thiệu với tỷ lệ cao, đồng thời cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Chỉ thị Bộ Chính trị đặt ra. Chúng tôi hiểu về căn bản điều này là đúng với cả hệ thống, với cả Quốc hội và HĐND.

Phải nói là việc tổ chức bầu cử của chúng ta rất kỹ. Nhiều lần tôi trình bày với báo chí nước ngoài thì họ rất ngạc nhiên vì sự dân chủ, mà có thể nói là phải qua 3 lần bầu. Trước hết là phải qua cử tri nơi làm việc xem xét về trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức…, sau đó lại qua đánh giá của cử tri nơi cư trú, cuối cùng mới được vào danh sách bầu. Tức là với quá trình chọn lọc rất kỹ này, các nhân sự được chọn sẽ rất đảm bảo chất lượng.

MC: Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đáp ứng yêu cầu trên như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Vừa rồi, anh Nguyễn Sĩ Dũng đã đề cập tới một số ý về vấn đề này. Thực ra, quy trình giới thiệu người ứng cử được xây dựng hết sức kỹ càng. Đơn cử, ngay bước 2- bước cơ quan, đơn vị tổ chức giới thiệu người ứng cử đã phải gồm 3 công đoạn.

Thứ nhất, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị đó dự kiến người ứng cử.

Thứ hai, tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác để nhận xét, lấy tín nhiệm với người được dự kiến ứng cử.

Thứ ba, trên cơ sở ý kiến cử tri nơi công tác, lãnh đạo cơ quan, tổ chức họp mở rộng để chính thức giới thiệu người ứng cử. Như vậy, nếu người được dự kiến mà không được đa số cử tri nơi công tác nhất trí thì đương nhiên cơ quan, tổ chức đó phải dự kiến người khác thay thế.

Khi tiếp nhận hồ sơ ứng cử, nếu không đủ các nội dung theo ba bước nêu trên thì coi như người đó chưa đủ điều kiện để ứng cử.    

Theo tôi, đây là những bước hết sức kỹ càng và dân chủ.

Tôi cũng xin cung cấp thêm cho các bạn một thông tin mới nhận được chiều qua (15/3) ở một đơn vị là Tòa án Nhân dân tối cao, ở bước dự kiến, dự kiến 1 người, nhưng khi đưa ra hội nghị cử tri nơi công tác, cử tri Tòa án tối cao đề nghị 3 người, cả 3 người nhận số phiếu tín nhiệm rất cao.

Tuy nhiên, khi đưa ra lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao để xem xét, sau khi bàn bạc căn cứ trên các tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần được phân bổ, TANDTC thống nhất rút lại chỉ giới thiệu 1 người. Theo tôi, đây là cách làm hết sức dân chủ. Luật không quy định rằng chỉ được dự kiến 1, hoặc giới thiệu 1, nhưng cuối cùng, với ý chí của lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó thống nhất người được giới thiệu phải đạt tiêu chuẩn cao nhất, đảm bảo cơ cấu thành phần. Đây là ý tôi muốn nói rõ thêm về quy trình để lựa chọn được người đạt tiêu chuẩn.

MC: Theo như ông vừa đề cập, đến 17h ngày 18/3 chốt hạn nộp hồ sơ của các đại biểu ứng cử. Xin ông cho biết, tới thời điểm này, tiến độ của giai đoạn này đã thực hiện đến đâu?

Ông Nguyễn Văn Pha: Cho tới hôm qua, nếu chỉ nhìn vào con số, trong 183 người được giới thiệu ứng cử ở các cơ quan, tổ chức ở trung ương, như chúng tôi thống kê, được khoảng 1/3, nhưng cũng không đáng ngại lắm. Bởi còn một khối rất lớn mà hôm nay sẽ nhận được hồ sơ là khối Quốc hội và Chính phủ.

Theo tôi được biết, bên các cơ quan đó đã làm quy trình rồi, và hôm nay sẽ nộp hồ sơ. Tôi tin rằng, với sự chủ động của các cơ quan, tổ chức, thời hạn trên sẽ được thực hiện đúng.

 
Ảnh Chinhphu.vn

MC: Xin được hỏi ông Dũng, một điểm mới năm nay, chúng ta chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách, từ con số 26% của QH khóa XII lên 33% của QH khóa XIII. Xin ông cho biết, hiện chúng ta đang thực hiện hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử như thế nào để đạt được chỉ tiêu này?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Để đảm bảo, trên cơ sở thực hiện hướng dẫn chung, thứ nhất là phần ứng cử viên do QH giới thiệu và những người được QH giới thiệu sẽ làm chuyên trách cho QH.

Hiện tại QH được giới thiệu chung là 100 người- những ứng cử viên cơ bản sẽ làm việc chuyên trách. Trước đây tỷ lệ này thấp hơn.

Các địa phương đều có đại biểu chuyên trách của mình. Như vậy, sẽ phân bổ cho các địa phương chọn đại biểu chuyên trách. Hà Nội và TP HCM số đại biểu chuyên trách nhiều hơn. Như vậy, đã phân công rõ, các địa phương sẽ chọn.

Với sự lựa chọn, sắp xếp nhân sự như vậy, chúng ta sẽ có tỷ lệ trên dưới 33%, còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử. Nhưng định hướng chỉ đạo là 33% đại biểu chuyên trách.

Lý do tại sao cần đại biểu chuyên trách? QH ngày càng làm việc chuyên nghiệp, số đại biểu có  thời gian làm công việc của QH phải nhiều hơn, đồng thời vừa có thời gian làm công việc làm việc ở Hà Nội, ở các Uỷ ban, tại các kỳ họp và vừa có thời gian tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi đứng ra ứng cử.

Đồng thời, ở nước ta cũng kết hợp giữa việc chuyên nghiệp hóa đại biểu chuyên trách với chọn đại biểu gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân, hiểu tâm tư nguyện vọng “cảm” được bằng kinh nghiệm sống của mình những vấn đề của nhân dân. Như vậy, chúng ta đang kết hợp giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu làm việc chuyên nghiệp.

MC: Thưa ông Nguyễn Văn Pha, ông đánh giá cơ bản tình hình thực hiện chủ trương tăng đại biểu chuyên trách hiện đang thực hiện tại các địa phương như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi hoàn toàn đồng tình với những thông tin ông Dũng đề cập. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách nằm trong dự kiến chung của  Quốc hội. Như ở phần đầu chúng tôi đã nói, Chỉ thị 50 và các văn bản khác của Đảng đã hướng dẫn kỹ tiêu chuẩn đối với đại biểu QH chuyên trách.

Ở Trung ương thì ông Dũng đã nói, còn ở địa phương, tôi cũng được nghe báo cáo, phần nhiều đại biểu QH chuyên trách đều đảm bảo tiêu chuẩn, được dự kiến chọn lựa trên sự bàn bạc dân chủ giữa sự lãnh đạo của đảng và các cơ quan khác tham gia trong Uỷ ban bầu cử của tỉnh giới thiệu.

MC: Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 192/ CT-TTg ngày 30/01/2011 về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 yêu các các bộ, ngành, địa phương thực hiện những công việc chuẩn bị bầu cử và động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia bầu cử để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Qua các đợt giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, ông có thể cho biết về việc triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành, địa phương như thế nào?


Ông Nguyễn Văn Pha - Ảnh Chinhphu.vn 

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi xin nói 3 ý thế này. Thứ nhất, mặc dù thời gian từ khi UBTVQH công bố ngày bầu cử đến hội nghị hiệp thương lần thứ nhất không dài. Trong khi đó lần đầu tiên trong cùng một thời gian chúng ta triển khai hai cuộc bầu cử. Đó là một khó khăn lớn nhưng các cơ quan hữu quan ở TW và các địa phương đều rất chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cuộc bầu cử suôn sẻ từ đầu.

Ngoài các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các Bộ liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản liên quan.

Ủy ban Trung ương MTTQ ngoài việc phối hợp chuẩn bị các văn bản liên tịch hướng dẫn, đã in ấn hàng ngàn bộ tài liệu về hiệp thương cấp phát cho các địa phương, đồng thời đưa các tài liệu, biểu mẫu cần thiết về bầu cử lên website MTTQ để các địa phương có tài liệu kịp thời triển khai...

Thứ hai, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở TW và tất cả các địa phương đã diễn ra, theo tôi là sôi nổi, dân chủ, đúng luật.

Rất nhiều nơi góp ý thẳng thắn với bản dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu của địa phương mình do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến.

Nhiều địa phương kiến nghị thay đổi cả về số lượng, cơ cấu thành phần, thay đổi cả về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Thứ ba, hiện nay đang ở bước hai của Quy trình hiệp thương: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử.

Chúng tôi rất mừng là hầu hết các địa phương dự kiến số người ứng cử khá nhiều so với số đại biểu được bầu.

Chúng tôi hướng dẫn ít nhất là gấp 2 lần số đại biểu được bầu. Một số nơi dự kiến giới thiệu nhiều như Lào Cai gấp 4,66 lần; Quảng Ninh 3,85 lần; Nghệ An 3,76 lần…

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi sẽ có điều kiện rộng rãi để lựa chọn dần, cho đến hiệp thương lần thứ ba có số dư cần thiết để đưa vào danh sách chính thức.

Tuy nhiên, cũng phải nêu ra đây một số tồn tại, khó khăn. Trước hết, trong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, một số địa phương dự kiến số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội còn ít trên số đại biểu được bầu, mà ít nhất là 1,63 lần. Đành rằng với số dư đó, đến khi hiệp thương lần thứ ba vẫn có thể đủ số dư theo luật định.

Theo Luật, với những đơn vị bầu 3 đại biểu, thì số dư ít nhất là 2. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại vì từ nay đến lúc đó còn hơn một tháng nữa, nếu có trục trặc gì xảy ra với người ứng cử thì rất khó đảm bảo số dư theo luật định.

Khó khăn thứ hai là tại một số địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong Ủy ban bầu cử chưa tốt. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND còn trục trặc, như chưa sát, chưa thực sự tiêu biểu…

Một vấn đề cũng rất đáng nói là một số nơi cán bộ Mặt trận, cán bộ ngành nội vụ thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh trong quá trình hiệp thương.

MC: Vậy theo ông, trong thời gian tới chúng ta phải khắc phục những vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Để khắc phục, thực ra chúng tôi đã có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, dĩ nhiên là phải trong quy định của pháp luật.

Thời hạn đã hết thì chúng ta không thể bổ sung hồ sơ ứng cử được nữa. Tuy nhiên, với số liệu chúng tôi cung cấp ở trên, nếu mọi chuyện tốt đẹp thì có thể tin rằng sẽ đảm bảo số dư theo luật định.

Ngoài ra, với những tình huống phát sinh, chúng tôi cũng luôn tổng kết hàng ngày để có vấn đề gì thì lưu ý các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

MC: Ông Nguyễn Sĩ Dũng có lưu ý gì thêm trong việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Thủ tướng cũng như các văn bản hướng dẫn?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Vấn đề số dư mà anh Nguyễn Văn Pha vừa nhắc nhở là rất đáng lưu tâm. Nếu không, khi sát đến thời gian bầu cử mà có ứng cả viên nào bị ốm đau hoặc có sự cố đột xuất không tham gia được, chúng ta bầu tròn (số ứng cử viên bằng số người được bầu) là vi phạm pháp luật.

Còn lại một vấn đề khác cũng phải lưu tâm là các quy định về thời gian theo Luật bầu cử rất chặt chẽ.  Các cơ quan tổ chức bầu cử phải theo lịch trình để hòan thành công việc. Như anh Nguyễn Văn Pha nói, quá thời gian thì không thực hiện được. Lịch trình này đã được đưa lên website của Hội đồng bầu cử Trung ương (http://www.baucukhoa13.quochoi.vn). Trang này cũng được đưa ngay trên trang đầu của website Quốc hội: www.na.gov.vn. Các địa phương cần phải căn cứ vào tiến độ này để hoàn thành nhiệm vụ đúng pháp luật.

 
Ảnh Chinhphu.vn

MC: Thưa ông Dũng, rõ ràng công tác tổ chức bầu cử đang được tiến hành tuần tự, đúng tiến độ với tinh thần trách nhiệm cao của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, để cuộc bầu cử có thể thành công tốt đẹp, rất cần ý thức của mỗi cử tri, mỗi người khi bỏ lá phiếu, để tìm ra đại biểu đại diện chính đáng nhất cho quyền lợi, lợi ích của mình. Vậy, trước thềm bầu cử còn 2 tháng, ông có gửi gắm gì tới cử tri cả nước?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Cử tri cần tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Cử tri cần tham gia tích cực vào quá trình bầu cử đặc biệt là quá trình vận động bầu cử của các ứng cử viên. Đây không chỉ là một cách giám sát, xem xét ứng cử viên đó có xứng đáng không, mà còn làm cho quá trình chính trị của đất nước dân chủ và sôi động hơn.

Đây là một trong những việc hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao ý thức của người ứng cử, mà còn nâng cao kỹ năng làm chủ của những cử tri, những người sắp đứng ra để ủy quyền cho đại diện của mình.

QH, HĐND là những “thiết chế đại diện” phụ thuộc một nửa vào những người được ủy quyền là đại biểu, phụ thuộc một nửa vào những người đứng ra ủy quyền (là cử tri).

Tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị, sự theo dõi sát sao của những người đứng ra ủy quyền sẽ làm cho “thiết chế đại diện” thực sự vận hành theo ý chí nguyện vọng của nhân dân như  Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị đã nêu.

MC: Tâm tư của ông Nguyễn Văn Pha muốn gửi tới cử tri cả nước là gì?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi cũng muốn nói thêm là nhiệm vụ tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử như ông Dũng nói, luật pháp giao cho MTTQVN chủ trì cùng với chính quyền cùng cấp.

Chúng tôi có trách nhiệm làm sao tổ chức được hội nghị cử tri rộng rãi, dân chủ nhất, đông đảo cử tri dự nhất. Tại đó cử tri có thể nghe dự kiến chương trình hành động của đại biểu QH, HĐND, qua đó giám sát đại biểu của mình.

Thứ 2, Mặt trận còn có nhiệm vụ trong ngày bầu cử, ngoài vận động nhân dân tham gia một cách chủ động tích cực, còn giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chúng tôi tập trung vào việc làm sao các thành viên trong tổ bầu cử thực hiện đúng quy định pháp luật về bầu cử, tạo điều kiện tốt nhất để mọi cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình.

Hơn nữa, nhắc nhở cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được bầu hộ, bầu thay, làm sao thể hiện ý chí của cá nhân mình trong tham gia xây dựng chính quyền. Đây cũng là nguyện vọng của tôi đối với nhân dân, cử tri cả nước.

MC: Thưa quý vị và các bạn, qua cuộc trao đổi với hai khách mời là ông Nguyễn Văn Pha và ông Nguyễn Sĩ Dũng, chúng ta có thể thấy, công tác tổ chức bầu cử đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai tích cực, có trách nhiệm, theo đúng lộ trình để đảm bảo cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu đủ đức đủ tài xứng đáng cho ý chí nguyện vọng của nhân dân trong QH và HĐND các cấp.

Cảm ơn 2 vị khách mời. Xin kính chào và hẹn gặp lại.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.