Săn tìm “kho báu” ở Nha Trang

16/03/2011 10:21 GMT+7

20 giờ30 ngày 10-3, khoảng 200 bạn trẻ vác balô, tập trung tại hồ Con Rùa (Q.3, TP.HCM) chuẩn bị chuyến hành trình năm ngày ở TP biển Nha Trang.

Trong vai những nhóm săn tìm kho báu dưới biển hơn 600 năm qua, các bạn trẻ háo hức tham gia “Hành trình đến với mắt bão” - phần 2 chuỗi chương trình Mystery Hunting (Truy tìm điều bí ẩn - PV) do nhóm tổ chức sự kiện của Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức.

 
Các thành viên đội “Chưa nghĩ ra” chèo thuyền sang Hòn Thị - Ảnh: Hà Thanh

Cuộc phiêu lưu bắt đầu

Vừa ổn định chỗ ngồi trên xe, các nhóm đã nhao nhao hỏi ban tổ chức về thông tin hành trình. Những manh mối đầu tiên được gửi tận tay các bạn.

Đó là phần nhật ký của nhân vật “tôi” sau khi gặp gỡ ông lão người Ấn ở một tiệm sách đậm chất Á Đông, những tài liệu cũ kỹ và lạ kỳ về vùng đất Kauthara (được xem như Nha Trang ngày nay - PV), câu chuyện về nhóm bạn trẻ đã mất tích bí ẩn sau khi chạm tay vào viên ngọc thời gian... kèm một số đoạn mật thư và một chiếc chìa khóa chưa mài. Thú vị hơn, các mật thư này được viết dưới nhiều dạng: bức thư bằng cổ tự, đoạn nhạc ngắn, bản đồ kho báu...

Từ các tài liệu này, các nhóm bắt đầu suy luận, gấp rút tra cứu Internet, họp nhóm giải mật thư để tìm các điểm cần đến.

Sáng sớm 11-3, nhóm “Cua bự” đã tụ họp đông đủ, hì hục giải đoạn nhạc mật thư đầu tiên. Nhiệt độ như tăng dần khi 6-7 nhóm khác tìm ra điểm đến và xuất phát. Nhờ đọc kỹ lại gợi ý từ đề bài về “những nốt nhạc và âm thanh mà người xưa dùng để giao tiếp, có thể giúp giải mã những bí ẩn của chàng”, các bạn thử đối chiếu với ký hiệu âm thanh từng được sử dụng trong thời chiến - bản morse và phát hiện điểm đến đầu tiên: Tháp Bà.

Cả đội nhanh chóng kéo đến địa điểm này, lùng sục từng viên gạch, hốc cây... để tìm manh mối cho bức mật thư thứ hai. Thú vị nhất là điểm đến Hòn Một, vài bạn nam leo lên chiếc thuyền thúng, tiến vào gần bờ rồi lặn xuống đáy biển săn lùng những lọ thủy tinh chứa mật thư được cột rải rác tại đây.

Trong mấy ngày ở Nha Trang, lịch trình của các nhóm bạn trẻ gần như kín mít. Ban ngày các nhóm hối hả đua nhau trèo đèo, lội suối, chèo xuồng, vượt biển... tại các điểm đến. Ban đêm các bạn chong đèn giải mật thư, chuẩn bị chuyến hành trình ngày hôm sau.

Cuộc phiêu lưu mang đến những cảm giác như một cuộc săn tìm quyết liệt thật sự khi nhiều thành viên nghĩ ra nhiều cách đánh lạc hướng đối thủ, xóa dấu vết của manh mối, thậm chí tạo ra manh mối giả.

Các manh mối tiếp theo dẫn đến kho báu cuối cùng lần lượt hiện ra tại các địa điểm: hồ cá Trí Nguyên, bãi Sỏi, suối Tiên, nhà thờ Đá...

Đích đến của chiến thắng

Hơn 2g sáng 13-3, hầu hết các đội vẫn âm thầm giải mã địa điểm cuối cùng cất giấu kho báu. “Chưa nghĩ ra” là nhóm đầu tiên có đáp án chính xác: Hòn Thị. Tin nhắn thông báo được gửi đến ban tổ chức khoảng 4g sáng.

7g sáng, nhóm “Chưa nghĩ ra” di chuyển đến một góc đường nhỏ chờ đợi lệnh xuất phát trong tâm trạng cực kỳ phấn khích. Khi đến suối Hoa Lan, các bạn đi xung quanh tìm kiếm phương tiện di chuyển sang Hòn Thị. Vài chiếc bè gỗ lót mút và gậy chèo được đặt rải rác sau một rừng cây nhỏ.

Các bạn gấp rút đẩy bè ra biển, chèo vội. Sang đến bờ, nhóm nhanh chóng men theo dọc bờ cát dài rồi liều bước xuống bãi đá nhỏ xíu đóng đầy vỏ hàu sắc lẹm dẫn từ bờ bên này sang bờ bên kia. Thế nhưng lùng sục khắp nơi vẫn không tìm thấy mục tiêu. Bỗng vài thành viên nữ trong nhóm phát hiện một chiếc rương gỗ phủ đầy vỏ sò và cát biển. Loay hoay mãi nhóm vẫn không thể mở được chiếc rương.

Theo gợi ý của ban tổ chức, nhóm phát hiện đã quên một chi tiết xuyên suốt hành trình: mọi thứ đều liên quan đến biển. Các thành viên quyết định mang rương dìm ngập xuống biển. Nước tràn vào rương qua các lỗ thủng được đục sẵn. Hệ thống phao bên trong nổi lên làm bật thanh ngang đang chặn ổ khóa rương. Cả nhóm hò reo vui sướng.

Anh Đức Tiến - người xây dựng nội dung chương trình - cho biết thêm: “Mỗi mật thư, mỗi trạm là một mắt xích dẫn đến chìa khóa cuối cùng của kho báu. Chỉ đội nào vượt đầy đủ các trạm, giải hết mật thư... mới biết nguyên lý mở được kho báu cuối cùng”.

Qua đó, các thành viên nhóm được đi một chuyến du lịch đặc biệt đến từng ngóc ngách của một vùng miền. Đi, trải nghiệm ở vài địa điểm có thể nằm ngoài bản đồ du lịch thông thường sẽ là cách thú vị giúp bạn trẻ hiểu thêm về câu chuyện lịch sử gắn với vùng đất đó.

Dù nhận được phần thưởng cuối cùng hay không, nhiều thành viên tham gia “Hành trình đến với mắt bão” cho rằng họ đã thật sự chạm tay vào kho báu: sở hữu kỷ niệm tình bạn đẹp, thỏa mãn cảm giác phiêu lưu, biết nhiều ngóc ngách thú vị tại một điểm du lịch quen thuộc...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.