Nỗi đau sông Hồng: Rau héo khô, cá tôm chết thảm...

16/03/2011 03:03 GMT+7

Ngày 12.3, PV Thanh Niên có chuyến thực tế bằng thuyền máy dọc sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái, tới điểm cùng của huyện Văn Yên, nơi giáp ranh với xã Bảo Hà thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, để ghi nhận mức độ dòng sông bị ô nhiễm.

 

Tiếp giáp với xã Bảo Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, sông Hồng cạn thấy đáy và ô nhiễm - ảnh: Minh Sang

Theo lời những người dân sinh sống lâu năm quanh khu vực có dòng chảy của sông Mẹ  (cách gọi khác của sông Hồng - PV), thời điểm mùa cạn, nước sông Hồng sẽ có màu xanh trong, thay vì ngầu đỏ như mùa nước lớn. Nhưng từ Tết Nguyên đán tới nay, nước sông Hồng thường xuyên có màu nhờ nhờ đen, mặt nước có nhiều bọt trắng kết mảng. Về đêm, nước sông bốc mùi hôi, tanh. Trong khi lớp phù sa bồi đắp ven hai bờ lại kết phủ một lớp bùn đen, kèm mùi tanh hắc...

Rau xanh tự nhiên vàng lá...

Theo đúng hẹn trước với chủ tàu, 5 giờ 45 phút sáng, khi ngoài trời còn nhọ mặt người, chúng tôi có mặt tại khu vực của người dân xóm Bờ Sông (nay đổi thành đường Thanh Niên). Gọi là xóm Bờ Sông, bởi lẽ có đến trên 95% các hộ dân cư ngụ nơi đây đã bao đời mưu sinh nhờ vào dòng sông Mẹ. Trong lúc chờ đợi chủ tàu đổ dầu, sửa soạn hành trang cho chuyến đi gần hai trăm cây số, chúng tôi gặp và nói chuyện cùng những cư dân của xóm.

Bà Đỗ Thị Nga, một người sinh sống gần 50 năm ở xóm Bờ Sông, cho biết không như các năm trước, năm nay lớp đất phù sa thường có mùi hôi thối, khi dùng tay chạm vào thì thấy có cảm giác nhớt và thường bị ngứa. “Không biết có phải do nước sông ô nhiễm, rồi ngấm xuống đất hay không mà mới đây, gần hai sào rau xanh trồng trên đất bãi bồi ven sông của gia đình đang xanh mơn mởn là thế, cứ tự nhiên vàng khè hết lá, ủng cuống mà chết”, bà Nga than phiền.

Cây rau đang xanh mơn mởn thế này mà sử dụng nước sông, nhất là mùa cạn để tưới, thì độ vài hôm là luống rau xanh đó sẽ úa vàng và chết

Một người dân sinh sống bên bãi bồi thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên

Anh Nguyễn Văn Nghị, một ngư dân quanh năm mưu sinh nhờ sông nước của xóm, tâm sự: “Bao đời nay gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông này. Nhưng thời gian gần đây, khi nước sông có những dấu hiệu không bình thường như chuyển màu, bốc mùi hôi thối của hóa chất, thì lượng cá gia đình tôi thả lưới được trong một ngày đã giảm hẳn. Trước kia, chỉ cần thả lưới chừng tiếng đồng hồ sẽ có đủ cá cho vợ chồng, con cái dùng làm thức ăn trong cả một ngày. Còn hiện nay, nhiều hôm thả lưới cả buổi mà chỉ bắt được một bát cá con”.

Anh Nghị cho biết thêm, hiện nước sông chảy qua địa phận TP Yên Bái thường xuyên có những tảng váng nằm ở tầng lơ lửng sát mặt nước, khi thả lưới, váng bám vào lưới còn nhiều hơn tôm, cá. Theo anh Nghị, váng quấn vào lưới là chất bã sền sệt, màu đen, có mùi hăng hắc rất khó chịu, ai ngửi lâu sẽ bị khó thở và đau đầu. Trong vùng bán kính vài trăm mét quanh những tảng váng đen sền sệt này, có giăng lưới cả ngày cũng khó lòng bắt được một con cá hay một con tôm...

Bỏ nghề chài lưới, chở cát sỏi

6 giờ 15 phút, tàu đưa chúng tôi tìm về thượng nguồn sông Mẹ...

Người bẻ lái chiếc tàu, mà thường ngày vốn dùng chuyên chở cát sỏi, là anh Nguyễn Văn Cường, một cư dân đường Thanh Niên. Anh kể gia đình anh quê gốc ở Đan Phượng, Hà Nội, nhưng từ thời ông nội đã lên Yên Bái lập nghiệp bên xóm Bờ Sông. “Từ thời các cụ, rồi tới mình vẫn làm nghề chài lưới. Nhưng chỉ thời gian gần đây mình mới bỏ hẳn để chuyên chở cát sỏi. Vì tôm cá ngày càng cạn kiệt. Không riêng gì mình, mà cả chục hộ ven sông đã phải bỏ nghề”, anh Cường tâm sự.

Người ngư dân quê gốc Đan Phượng bồi hồi kể lại, vào những năm trước, cứ khoảng tháng 6, 7, khi xuất hiện những con mưa rào đầu hạ, trong các khe lạch phía thượng nguồn, cá vào đẻ quẫy suốt đêm, bắt được cá vài chục cân là chuyện thường. Ngày trước, chỉ cần thả mấy mẻ lưới là thu về mấy tạ cá, mà toàn cá mè nặng 20 đến 30 kg. Giờ những ngày đi thả lưới với cả tạ cá mang về chỉ còn trong ký ức khi mà nước sông ngày một ô nhiễm.

Ô nhiễm chì và cadimi nghiêm trọng

Ngày 28.2, PC49 Công an tỉnh Yên Bái đã lấy mẫu nước mặt trên lưu vực sông Hồng thuộc địa phận đội 1, xã Giới Phiên, TP Yên Bái để phân tích kiểm định một số chất có trong nước. Kết quả xác định được 2 thông số vượt quá tiêu chuẩn VN 5942/1995 về tiêu chuẩn chất lượng nước mặt, đó là: Pb (chì) đo được 0,74 mg/l, vượt 7,4 lần giới hạn cho phép tối đa (0,1 mg/l), Cd (cadimi) đo được là 0,103 mg/l, vượt 5,15 lần giới hạn tối đa cho phép (0,02 mg/l). Điều này cho thấy, mặt nước sông Hồng đã bị ô nhiễm chì và cadimi ở mức độ nghiêm trọng.

Gần giữa trưa, tàu chúng tôi ngược tới địa phận xã Bão Đáp, huyện Trấn Yên. Khi gặp chúng tôi, một ngư dân trạc ngũ tuần, tên Tiến nói khi nước sông chưa bị ô nhiễm, những loài cá quý hiếm với nhiều con lên tới vài chục cân như cá lăng, chiên, mè, trắm đen... nhiều vô kể. Song vài năm gần đây, nguồn tôm cá ngày một ít đi. Anh Tiến còn cho biết, ngoài công việc chài lưới, trước đây người dân xã Bão Đáp còn có nghề nuôi cá lồng rất khá, gần nguồn lạch chảy qua khu vực nhà anh lúc nào cũng có cả chục lồng, bè cá nuôi thả. Giờ nghề nuôi cá lồng cũng không còn do nước sông ô nhiễm, khiến cá nuôi bè chậm lớn, chết hàng loạt, người dân đành phải tháo lồng về... nhóm bếp.

Tới ga Mộ Đông thuộc huyện Văn Yên, nơi cách TP Yên Bái gần 80 km, cứ ngỡ ô nhiễm sẽ giảm, nhưng ngược lại. Lòng sông cạn thấy đáy, nhiều khu vực có màu xanh đen, kết nổi váng, bốc mùi rất khó chịu. Chị Hồng, một người dân sinh sống bên bãi bồi thuộc xã Tân Hợp, cho biết: “Sợ nhất là những buổi tối mùa hè, nước có mùi sắn thối từ dưới sông theo gió đưa vào nhà, khiến cả gia đình tôi không sao ngủ nổi. Tới độ, tôi đã phải đưa đám trẻ vào nhà ông bà mãi trong làng để ở”.

Chị Hồng bảo, mùa này đi bộ xuống lòng sông Hồng rất dễ quan sát thấy lẫn trong nước sông có rất nhiều tạp chất ở dạng sơ, vón cục lơ lửng, vớt lên thấy có màu đen, mùi tanh thối. “Cây rau đang xanh mơn mởn thế này mà sử dụng nước sông, nhất là mùa cạn để tưới, thì độ vài hôm là luống rau xanh đó sẽ úa vàng và chết”, chị Hồng phản ảnh. Theo chị Hồng, lâu nay người dân trong xã kháo nhau là nước sông Hồng ô nhiễm, nên chẳng thấy ai dùng nước dưới sông để tưới tiêu, thay vào đó là nước giếng khoan. Còn nước sinh hoạt phải đi xin ở những nhà nằm xa bờ sông...

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.