Chàng bác sĩ của bản xa

16/03/2011 22:46 GMT+7

Ở Quảng Bình, lần đầu tiên có một người con Vân Kiều mang họ Bác Hồ đã miệt mài học tập, tốt nghiệp đại học trường y rồi về giúp đỡ bà con dân bản. Anh là Hồ Puôn ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Tìm gặp Hồ Puôn ở Phòng Y tế huyện Quảng Ninh, tôi khen anh trẻ hơn cái tuổi 34 quá thì anh cười hồn hậu rồi nói: “Có lẽ do mình lạc quan yêu đời nên cái mặt nó không chịu già ấy thôi”.

 
Bác sĩ Hồ Puôn thăm khám một bệnh nhân bị sốt - Ảnh: T.Q.N

Hồ Puôn nhớ lại: “Cũng như nhiều gia đình khác ở bản, gia đình mình khó khăn lắm, cái ăn cái mặc thiếu thốn đủ bề; mình lại là con đầu, sau còn 4 đứa em nữa. Lúc đó đi học được Nhà nước hỗ trợ nhưng nói thật là không đủ chi phí, bố mẹ mình bán lúa ngô cũng không đủ gửi ra cho mình ăn học. Vậy là mình quyết định về đi tìm cái ăn phụ với bố mẹ. Mình đi làm thuê, qua tận bên Lào”.

Trưởng phòng Y tế Lê Đức Sơn không hết lời khen ngợi: “Bác sĩ Hồ Puôn có nhiều cố gắng, không ngừng học hỏi kinh nghiệm người đi trước, đặc biệt rất nhiệt tình trong công việc, luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao và sôi nổi trong các hoạt động. Địa bàn chúng tôi rộng, phải đi cơ sở nhiều nhưng anh ấy cũng như mọi người luôn vượt qua khó khăn. Hằng năm, chúng tôi có 4-5 lớp tập huấn, khi tổ chức ở miền núi đều ưu tiên bác sĩ Puôn, anh ấy hiểu và nói mọi người dễ nghe theo hơn. Giúp đồng bào nâng cao dân trí, xóa bỏ các tập tục lạc hậu”.

Đi làm, nhưng ước muốn lớn nhất của anh vẫn là học hành. Về được chừng 2 năm, may mắn lại đến với Hồ Puôn khi có thông tin tuyển người đi học dự bị ngành y. Hồ Puôn biết được nhảy lên sung sướng, trong lòng hồi hộp, suy tư. Sau khi được bố mẹ đồng ý, anh lại khăn gói lên đường. Học xong lớp dự bị 1 năm, anh được tuyển vào học hệ chính quy lớp bác sĩ đa khoa, trường ĐH Y khoa Thái Nguyên.

Sau 7 năm miệt mài bút nghiên, năm 2008, Hồ Puôn tốt nghiệp. Năm 2009, anh được phân công làm việc ở Phòng Y tế huyện Quảng Ninh. Nhiệm vụ chính của bác sĩ Hồ Puôn là quản lý khám chữa bệnh, kiểm tra liên ngành, chỉ đạo tuyến. Hằng năm, ngoại trừ những trường hợp có dịch bệnh đột xuất thì cán bộ phòng phải đi tăng cường cơ sở theo định kỳ. Năm 2009, Hồ Puôn đi tăng cường 2 tháng ở xã Vĩnh Ninh.

Học xong trở về, Hồ Puôn mừng một thì dân bản mừng mười. Anh trở thành niềm tự hào, là động lực khích lệ cho lớp trẻ người Vân Kiều noi theo. Mỗi khi dân bản hay cán bộ trên Trường Sơn về xuôi công chuyện đều khoe và hỏi tìm Hồ Puôn. Bà con rất an tâm, có chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Hồ Puôn kể: “Bà con hỏi mình nhiều lắm chứ, nay bà con cũng dần hiểu ra rồi.

Bạn tôi là cán bộ Đoàn

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn, Thanh niên & Cuộc sống mở mục “Bạn tôi là cán bộ Đoàn”. Bài viết 800 chữ. Nội dung: Phát hiện những cán bộ đoàn cơ sở có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, hỗ trợ ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên làm kinh tế cũng như trong học tập... Bài viết gửi về: tncs@thanhnien.com.vn

Hễ cảm cúm, bị giun sán hay một số bệnh khác là tìm hỏi mình ngay; rồi hỏi về công tác khám chữa bệnh như đi ở đâu, thủ tục như thế nào. Chứ không như ngày trước là tổ chức cúng bái, cầu khấn. Trong cốp xe máy mình lúc nào cũng có ống nghe, cặp nhiệt kế và một số loại thuốc cơ bản để trên đường đi, mỗi lần về nhà gặp trường hợp nào là mình giúp đỡ ngay. Bữa mùng 2 tết, chị Hồ Thị Sưa bị đau bụng, lúc đầu trong nhà cũng làm lễ cúng bái nhưng sau đó chạy xuống gọi mình đến. Mình xem qua các triệu chứng rồi tư vấn đi trạm y tế, sau đó được chuyển xuống bệnh viện huyện điều trị 1 tuần mới khỏi”.

Hồ Puôn luôn trăn trở cho cuộc sống, sức khỏe đồng bào. Nhắc đến chuyện hủ tục, anh buồn nói: “Giờ mình vẫn còn ám ảnh về cái chết của người em kế mình, giá như lúc đó biết mà đưa đi bệnh viện thì có lẽ không có chuyện xảy ra. Mình thương bà con lắm, mọi người vẫn chưa nhìn nhận tốt về sức khỏe và bệnh tật; những phong tục tập quán như cúng quảy tốn kém lại không hết bệnh, đến trạm y tế tốt hơn nhưng cũng không biết mà đi. Mình mong Nhà nước tổ chức đào tạo phát triển lực lượng y tế thôn bản mạnh hơn, người địa phương làm thì có hiệu quả hơn”.

Hồ Puôn hiện là Ủy viên Ủy ban Hội LHTN tỉnh Quảng Bình. Anh Hồ An Phong - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: “Bác sĩ Hồ Puôn là tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại, giao lưu học hỏi giữa anh Hồ Puôn với tuổi trẻ người Vân Kiều”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.