Áp lực chọn ngành từ... phụ huynh

16/03/2011 23:14 GMT+7

Nhiều học sinh (HS) đang bối rối không biết nên chọn thi ngành mình thích hay ngành cha mẹ bắt phải học.

 

 Giáo viên tư vấn tâm lý, chọn ngành nghề cho học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

H.Thi, nhà ở Hóc Môn (TP.HCM) gọi điện đến Báo Thanh Niên nhờ tư vấn: “Em khổ quá chị ơi! Em thích làm cô giáo nhưng má em nhất định không cho em thi vào sư phạm. Má bảo làm cô giáo thời nay không an toàn. Nếu cho điểm thấp sẽ bị HS ném đá vỡ đầu. Rồi lương thì thấp, phải đi dạy xa. Má bắt em thi vào ngành Tài chính ngân hàng hoặc Kế toán”. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi đã đến, Thi đang hết sức lo lắng vì nếu vào ngành Tài chính ngân hàng thì chắc chắn rớt do sở trường của Thi là khối C. Nhưng nếu thi vào sư phạm, rất có thể má Thi sẽ không chu cấp tiền ăn học như có lần đã dọa.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Bùi Việt Hưng (Đồng Nai) bị ba mẹ cấm thi vào ngành Y sĩ vì ba của Hưng cho rằng: “Phải trực đêm nhiều, trách nhiệm cao, không cẩn thận sơ suất gây chết người thì khó tránh khỏi tù tội”. Ba mẹ của Hưng muốn con thi Kiến trúc và hứa nếu thi đỗ sẽ tặng cho một chiếc xe Piaggio...

Phụ huynh của một HS trường THPT Năng khiếu TP.HCM tâm tư: “Dù sư phạm và bác sĩ là hai nghề rất đáng trân trọng, nhưng gia đình tôi vẫn khuyên cháu không nên thi vào. Làm giáo viên nhàn hạ nhưng dễ nhàm chán, thu nhập lại thấp. Còn nghề bác sĩ thì quả thực áp lực cao quá, không có thời gian cho gia đình”. Vì vậy phụ huynh này khuyến khích con thi vào Ngoại thương, Kinh tế.

Cha mẹ chỉ nên tư vấn chứ không nên ép buộc. Vì khi các em không thích thì sẽ không thể học giỏi, làm việc giỏi được - Tiến sĩ NGÔ XUN ĐIỆP (Trưởng bộ môn Tâm lý học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Không nên “ép duyên”

Có những trường hợp HS chấp nhận học ngành mà ba mẹ yêu cầu. Thế nhưng khi học ngành không thích, hậu quả còn nặng nề hơn. 

Một bạn trẻ lấy “nick” là Lastsamurai lên diễn đàn game.vn buồn bã chia sẻ: “Năm ngoái, mình thi đậu vào ngành Tâm lý học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhưng hai dì và ba mẹ lại muốn mình học sư phạm. Hai dì cương quyết không cho mình vào khoa Tâm lý học với một số lý do: không có tương lai, làm tớ thiên hạ, đàn ông không nên làm nghề đó... Ngồi nói chuyện và giải quyết suốt hai tiếng đồng hồ vẫn không được, dẫn tới cãi nhau. Cuối cùng mình đành gác giấc mơ học Tâm lý học một bên và chọn ngành Đông phương học, khoa Tiếng Hàn, một ngành mà mình chẳng thích chút nào. Càng học càng thấy mệt mỏi, nhất là phần từ vựng. Mỗi khi cầm giáo trình lên là trong lòng thấy nặng nề, đọc một chút là muốn dứt ra. Học kỳ 1 đã qua nhưng phải thú nhận là chỉ đạt gần 50% lượng kiến thức. Giờ thì dì mình lại nói học ngành này không có tương lai và muốn mình năm nay thi lại nữa”.

Chuyên gia tâm lý - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - cố vấn cao cấp Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt nhận định: “Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ có một tương lai hạnh phúc. Tuy nhiên, tốt nhất cha mẹ hãy trao cho con quyền quyết định cuộc "hôn nhân" nghề nghiệp của mình, dù rằng con vẫn cần lắm sự tư vấn và hỗ trợ của cha mẹ. Bất kỳ sự "ép duyên" nào cũng sẽ làm cho tương lai của con mình còn mông lung hơn cả một nghề nghiệp mà chính cha mẹ còn đang mơ hồ về nó”.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng bộ môn Tâm lý học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng: “Nếu các bậc cha mẹ tìm mọi cách để quyết định nghề nghiệp cho con cái, sẽ khiến con cái rất ức chế. Điều này gây ra hậu quả không tốt cho tương lai. Cha mẹ chỉ nên tư vấn chứ không nên ép buộc. Vì khi các em không thích thì sẽ không thể học giỏi, làm việc giỏi được. Các em  HS cũng cần chứng minh và thuyết phục cho cha mẹ thấy hai điều: năng lực của bản thân và những thông tin bên ngoài xã hội về lĩnh vực ngành nghề mà các em lựa chọn”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.