Nhà cao tầng ở Hà Nội an toàn với động đất

16/03/2011 08:02 GMT+7

Khả năng kháng chấn của các công trình, đặc biệt là công trình cao tầng ở Hà Nội là vấn đề được dư luận quan tâm, sau trận động đất mạnh 8,9 độ Richter vừa xảy ra tại Nhật Bản.

Theo Bản đồ phân vùng nhỏ động đất, các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thịnh Hào thuộc khu vực có khả năng động đất cấp 7.

Phần tây nam TP gồm huyện Thanh Trì, nam huyện Từ Liêm, nam quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, đông bắc hồ Tây, đông nam huyện Thường Tín có khả năng xảy ra động đất cấp 8.

Quận Hoàng Mai (Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), Bắc Thanh Trì (Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất cấp 8-9...

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, khi xảy ra động đất mạnh, mức thiệt hại nhà cửa ở quận Hoàn Kiếm cao nhất có xác suất 40%.


 Người dân Hà Nội đổ ra đường trong trận dư chấn động đất tháng 5.2008 - Ảnh: Minh Đức

Nặng nhất được dự báo tập trung tại khu vực bắc Hồ Gươm gồm khu phố cổ, phường Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông và phía đông với hai phường ven đê Phúc Tân, Chương Dương.

Mức độ thiệt hại trung bình tập trung ở phía tây nam và phía nam (phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo), nơi tập trung các loại nhà cũ xây từ thời Pháp thuộc.

Còn phía đông nam quận Hoàn Kiếm có mức độ thiệt hại nhẹ nhất, có thể do khu vực này có số lượng nhà xây mới cao nhất.

Tương tự, thiệt hại về người lớn nhất ở phía bắc như các phường Hàng Mã, Đồng Xuân... và hai phường ven sông là Phúc Tân, Chương Dương.

Mức trung bình được ghi nhận ở khu vực tây nam như phường Hàng Bông, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo. Mức nhẹ nhất ở phía đông nam gồm phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài, Tràng Tiền...

Ông Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng ở Hà Nội nói riêng đều phải tuân theo yêu cầu hết sức khắt khe về tính toán tải trọng tác động đặc biệt (động đất, gió bão).

Ông Trần Chủng cho biết: “Độ an toàn hiện nay của chúng ta đều tính trên 1. Công trình chịu được động đất cấp 7 thì động đất lớn hơn cấp 7 tòa nhà vẫn an toàn. Hà Nội nằm trong vùng động đất nhẹ, một số vị trí có động đất cấp 8 còn lại là động đất cấp 7. Do vậy, chắc chắn không có chuyện đổ, sập trừ trường hợp động đất trên cấp 8 và có thêm những biến cố hy hữu”.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng cảnh báo, với những công trình cũ, đặc biệt là các chung cư đã bị biến dạng trong quá trình sử dụng (đeo ba lô, chuồng cọp) thì mức độ kháng chấn bị giảm đi.

Ông Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho biết, Viện này đang tiếp tục hoàn thành bản đồ phân vùng nhỏ động đất tỷ lệ 1/25.000 trên phạm vi Hà Nội mở rộng.

UBND TP Hà Nội trong kế hoạch về phòng tránh, khắc phục hậu quả động đất mới đây cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật như: khi xây dựng các công trình công cộng, công trình cao tầng và các công trình quan trọng phải tính đến yếu tố động đất; rà soát, thống kê các khu nhà yếu, không đảm bảo an toàn; xây dựng kế hoạch, từng bước cải tạo để đảm bảo bền vững, an toàn trước mức độ ảnh hưởng nhất định của động đất.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ Richter, với tâm chấn sâu 15-20 km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy. Gần đây, năm 1983, Hà Nội bị ảnh hưởng của dư chấn động đất có cường độ 4,5 Richter, tương đương cấp 6. Giữa tháng 5.2008, Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng của dư chấn động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, với cường độ cấp 3.

Minh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.