Nỗi đau sông Hồng

14/03/2011 02:02 GMT+7

Có nhiều hiện tượng bất thường gần đây gắn với sông Hồng - con sông có lưu lượng nước vào loại lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ: từ ô nhiễm kim loại nặng, đổi màu, đến cạn kiệt…

Chúng tôi đã có cuộc hành trình ngược dòng sông Hồng, đoạn từ TP Lào Cai đến xã A Mú Sung (H.Bát Xát) - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, tận mắt chứng kiến những váng nước đỏ quạch bất thường, mùi hôi thối xộc vào mũi.


Một con suối phía Trung Quốc đổ vào sông Hồng - Ảnh: Q.D

Bây giờ đang là mùa nước kiệt, mực nước sông Hồng đang ở mức rất thấp, nhiều đoạn lòng sông bị thu hẹp đáng kể, trông chẳng khác nào một con suối, để lộ ra những bãi cát sỏi rộng lớn. Nước xuống thấp, cũng để lộ ra những điểm bất thường mà bình thường, khi dòng nước sông Hồng đỏ nặng phù sa cuộn chảy, bằng cảm quan, khó mà phát hiện ra được.

“Trước kia có hôi thối gì đâu”

Đoạn sông Hồng chảy qua thôn Tân Thành (xã Tường Trình, H.Bát Xát), có một con suối nhỏ chảy vào bốc mùi hôi, tanh. Anh Phạm Văn Trí, một người dân địa phương, cho biết vào những ngày trời nắng, mùi hôi tanh từ dòng sông xộc lên nặng hơn, những ngày trời âm u hoặc có mưa nhỏ thì chỉ “nghe” thấy mùi này khi đã băng qua bãi cát sỏi dưới lòng sông. “Trước kia, chúng tôi có thấy hôi thối gì đâu”, anh Trí nói.

Cách đó không xa, tại đoạn sông chảy qua thôn Ma Cò (xã Nậm Trạc), trên một “nhánh” hình thành từ việc dòng chảy cạn kiệt nước đen ngòm, vệt váng nước vàng lều bều sủi bọt, xộc lên mùi hôi thối, chẳng khác nào một đoạn sông Tô Lịch (Hà Nội) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Dọc bờ sông chảy qua xã A Mú Sung khoảng 7 - 8 km, liên tiếp xuất hiện những vệt nước đỏ quạch, lằn bùn đất màu thâm tím bất thường. Bên mép nước không khó để phát hiện những đám chất xơ đang trong quá trình phân hủy dập dềnh. Thi thoảng còn sót lại trên những dải cát sỏi một vài vũng nước có màu trắng như sữa, có “vũng sữa” còn nổi váng vàng, óng ánh dưới ánh mặt trời. Đứng sát mép nước, trên những lằn bùn đất bất thường này, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất chính là một mùi hôi thối kinh khủng. Thò tay vốc nước, bốc ít bùn đất đưa lên ngửi thử, mùi hôi thối xộc vào mũi đến nhức đầu. Một cán bộ hữu trách đi cùng chúng tôi nhận định, mùi thối này gần với mùi thối của bã sắn đang bị phân hủy. Trước đó, những người đánh bắt cá trên đoạn sông này đã kéo phải những chùm chất xơ, nhầy nhầy.


Bã sắn đang phân hủy dạt vào mép nước - Ảnh: Q.D

Theo phản ánh của người dân và xác nhận của cơ quan hữu trách địa phương, tại đoạn chảy qua TP Lào Cai, thời gian gần đây nước sông Hồng biến đổi khác thường, màu trong xanh và có mùi lạ. Sau đó, nước sông tiếp tục có sự biến đổi bất thường, chuyển toàn bộ sang màu vàng sáng, mực nước tăng và lưu lượng dòng chảy lớn hơn trước.

Không loại trừ các yếu tố gây độc

Quan sát những bức ảnh do các PV Thanh Niên chụp, TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN), nhận định màu nước sông Hồng như vậy nhiều khả năng là do chịu ảnh hưởng của việc xả thải từ hoạt động khai khoáng phía thượng nguồn gây ra và không loại trừ có các yếu tố gây độc.

Dọc hai bờ sông Hồng từ TP Lào Cai lên A Mú Sung, kể cả bờ phía Trung Quốc thi thoảng có một cửa suối chảy vào. Mức độ ô nhiễm của các dòng nước này chưa được kiểm chứng nhưng bằng cảm quan có thể khẳng định, những dòng suối này khó có thể là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Hồng. Sở TN-MT Lào Cai trong báo cáo của mình đã nhận định: “Rà soát các cơ sở sản xuất dọc theo sông Hồng từ xã A Mú Sung đến TP Lào Cai, chỉ có duy nhất nhà máy tuyển đồng Sin Quyền hiện đang hoạt động. Tuy nhiên, nhà máy này không xả nước thải ra sông Hồng vì toàn bộ nước thải được sử dụng tuần hoàn nên có thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước sông bị đổi màu không phải do các cơ sở sản xuất trong tỉnh gây ra mà do tác động từ bên ngoài”.


Vệt đỏ sậm bất thường trên các nền cát sỏi sát mép nước - Ảnh: Q.D

Hiện cơ quan chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân khiến nước sông Hồng bị đổi màu, nhiễm chì, sắt và các chất ô nhiễm khác, cũng như mùi hôi thối trên sông. Nhưng nhiều ý kiến đồng quan điểm rằng, mùi hôi thối là do bã sắn bị phân hủy. Trung tá Hoàng Văn Luật - Đồn biên phòng A Mú Sung khẳng định, trên địa bàn không có cơ sở chế biến sắn nào và không có nguồn ô nhiễm nào từ việc chế biến sắn của người dân chảy xuống sông. Còn theo phản ánh của nhiều người dân với PV Thanh Niên, trên thượng nguồn sông Hồng, cách A Mú Sung không quá xa, Trung Quốc có một nhà máy chế biến sắn quy mô lớn. Ông Mai Đình Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Lào Cai xác nhận thông tin này và cho biết chính ông đã tới thăm nhà máy này một lần.

Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 1.149 km, bắt nguồn từ  Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua VN (556 km) trước khi đổ ra biển Đông. Sông Hồng là con sông tạo thành hệ thống sông lớn nhất miền Bắc VN, lớn thứ 2 trên bán đảo Đông Dương (sau sông Mê Kông - Cửu Long).

Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ VN tại xã A Mú Sung (H.Bát Xát, Lào Cai). Tại VN, sông Hồng đi qua 7 tỉnh và đổ ra biển Đông qua 11 cửa sông, cửa chính là cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Nam Định và Thái Bình).

Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hằng năm rất lớn, tới 2.640 m3/s (tại cửa sông) với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỉ m3, tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700m3/giây, trong khi vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000m3/giây. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm, tức là gần 1,5 kg phù sa/m3 nước.

Từ hàng ngàn năm qua, hệ thống sông Hồng (và sông Thái Bình) đã và vẫn là nguồn thủy lợi quan trọng cho nền nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sông Hồng cũng đóng một vai trò quan trọng về thủy điện, giao thông vận tải đường thủy...

T.S (tổng hợp)

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.