Đàn ông đích thực

14/03/2011 19:13 GMT+7

Lâu nay chị em cứ “bé cái lầm” rằng hễ đủ “nòng pháo” và hai bánh xe hai bên thì đó là con trai, lớn lên sẽ là đàn ông chính hiệu. Người mẹ sinh ra cậu bé những tưởng mình có vinh dự cho ra đời một hoàng tử chứ đâu biết rằng kẻ quyết định tính chất đàn ông lại do một hormone có tên cúng cơm là testosterone.

Câu chuyện bắt đầu khi cậu bé được testosterone điều khiển. Ấy là lúc “hai ông đạo diễn” bắt đầu ngồi vào ghế “dậy thì” và làm nhiệm vụ. Tế bào Leydig (tế bào kẽ của tinh hoàn) chịu sự điều hành của LH (Luteinising hormone) bèn sản xuất ra testosterone rồi đổ thẳng vào máu. “Cậu bé” testosterone quả là hiếu động lại được máu tuần hoàn mang đi dạo chơi khắp nơi nên “cậu” để lại dấu ấn ở tất cả các cơ quan.

 

Trong “kho vũ khí” hắn làm tăng lượng máu đến nuôi dưỡng “cu tí” khiến cho cậu nhỏ lớn nhanh cả bề dọc lẫn bề ngang. Hắn còn làm cho cậu nhỏ đang trắng trẻo bỗng trở nên sậm màu, phong trần hơn. Hắn góp phần thúc đẩy các tế bào Sertoli sản xuất ra các chiến binh có đuôi, mỗi ngày có khả năng cho “ra lò” từ 140-160 triệu tinh binh, quả là một con số không nhỏ. Vì thế chàng nào đến tuổi dậy thì mà tinh hoàn sản xuất testosterone kém thì “súng” chỉ có thể là “súng lục” chứ không làm sao lớn như “đại bác” được. Đó là chưa kể đội quân tinh binh cũng thiếu về số lượng và yếu kém về chất lượng.

Testosterone là yếu tố khởi động ham muốn tình dục. Nếu hắn giảm đi thì “nhìn thấy phụ nữ chẳng có cảm xúc gì”, ham muốn giảm kéo theo “súng” không muốn “đứng dậy” làm việc. Người đàn ông bị tấn phong là “yếu sinh lý” đầy mặc cảm, có chàng tìm sự lãng quên trong bia rượu mà không biết rằng chất men cay cay kia lại làm cho tình trạng thê thảm hơn.

Testosterone tác động mạnh vào tâm lý khiến các chàng trai thích mạo hiểm, phiêu lưu, ưa khám phá và dũng cảm quyết định kể cả những việc liều lĩnh. Thiếu nó đàn ông sẽ ít muốn phấn đấu. Nếu gặp khó khăn trong công việc hoặc rắc rối trong gia đình họ dễ sinh ra cáu bẳn hoặc rơi vào trầm cảm. Càng lớn tuổi sự lão hóa cùng với sự giảm testosterone sẽ làm cho người đàn ông hay quên, dễ tổn thương tâm lý, hay tủi thân hoặc dễ hiểu lầm, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực...

 

Đối với cơ xương, testosterone tác động trực tiếp thúc đẩy sụn biến thành xương, kích thích tủy sản xuất nhiều tế bào sinh xương nên chàng trai dậy thì được cha mẹ khen là “lớn nhanh như ăn nhầm bột nở”. Testosterone thúc đẩy sự tổng hợp protein ở các tế bào cơ nên bắp cơ nổi lên, rắn chắc. Khi thiếu testosterone xương yếu, loãng xương, gãy xương lâu lành, cơ teo lại; hình ảnh của cụ ông cao tuổi đi không vững, tay chân teo tóp, đau nhức, lười vận động là điển hình của tình trạng hormone nam tính xin “hưu trí”.

Testosterone có tác dụng ức chế Leptin (hormone sản sinh tế bào mỡ) nên lượng mỡ toàn thân và mỡ bụng của nam bao giờ cũng thấp hơn nữ. Khi testosterone giảm xuống, lập tức Leptin hoành hành. Người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng ngày nào vì ăn nhậu hay vì tuổi tác đã ở bên kia tứ tuần nay bỗng dưng trên bụng hình thành một “trái táo”. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì khối mỡ bụng được xem như một tuyến nội tiết “xấu” dễ gây ra tăng huyết áp, tiểu đường type II và nhồi máu cơ tim. Chàng nào bị 1 trong 3 tên quấy rối làm phiền rồi bà xã chê “yếu” và đặt ra nhiều dấu hỏi thì kể như tàn đời trai, lúc nào cũng “sống trong mặc cảm”.

 

Ít ai biết rằng khi ngủ, testosterone còn tham gia điều chỉnh nhịp thở. Khi lượng testosterone giảm cùng với sự giảm trương lực cơ hô hấp sẽ gây ra hiện tượng ngáy và khó thở khi ngủ. Nếu “trái táo” trong bụng càng lớn thì “tiếng đàn đêm” sẽ âm vang hơn và thỉnh thoảng sẽ có cơn ngừng thở. Lúc này người vợ phải làm nhiệm vụ  canh chừng và đánh thức kẻo quý ông ngủ luôn thì bỗng dưng bị góa bụa.

Testosterone tác động vào da làm da của phái nam thô nhám, rắn rỏi hơn. Khi testosterone giảm các tế bào chun giãn cũng giảm theo, các “ngoặc đơn, ngoặc kép” xuất hiện, người đàn ông nhìn qua gương và cảm thấy mình đã già. Đó là chưa kể các gốc tự do làm xuất hiện các hắc tố trên da mà chúng ta gọi là đồi mồi. Tóc cũng chịu ảnh hưởng của testosterone nên khi suy giảm thì tóc khô, rụng, bạc.

Testosterone kích thích tủy xương tăng cường tạo máu. Khi hàm lượng testosterone giảm, người đàn ông thấy da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, làm việc hay đọc sách đều mau mệt, khó thở.

Thật không quá lời khi nói rằng testosterone làm nên người đàn ông đích thực: cường tráng, mạnh mẽ (trong cuộc sống và... trên giường), biết yêu thương phái yếu và là chỗ dựa của chị em. Vì thế Tổ chức Y tế thế giới dùng tiêu chuẩn định lượng testosterone để đánh giá sự suy giảm tình dục của phái mạnh và cụm từ “mãn dục nam” (andropause) ra đời. Gọi là mãn nhưng không có nghĩa là “tắt” ngúm hoàn toàn mà chị em (sợ đụng đến lòng tự trọng đàn ông) bèn gọi  là “yếu”. Trong thời hiện đại, stress, áp lực công việc, sang chấn tâm lý, nhiễm trùng nhiễm độc hóa chất, thực phẩm và lối sống không lành mạnh đều làm suy giảm testosteron. Vì vậy thật dễ hiểu khi chúng ta thấy có những anh dưới 40 tuổi đã bị bà xã chê lên chê xuống. Chất lượng cuộc sống vì thế mà giảm đi dù nhìn bên ngoài tưởng chừng như không có gì thay đổi. Càng lớn tuổi đàn ông càng muốn níu kéo cái mà họ gọi là “bản lĩnh” để chứng minh mình còn mạnh. Vì thế nhiều người sinh bệnh “nổ” để tự trấn an mình. Lại nữa vì sĩ diện nên ít người muốn tới gặp bác sĩ nam khoa. Xin chị em đừng hỏi “tại sao”, vì đó là... đàn ông. Họ âm thầm đi tìm thuốc hoặc nghe theo lời rỉ tai của bạn bè để rồi “tẩu hỏa nhập ma”. Thay đổi lối sống và lựa chọn những tác nhân nhằm điều chỉnh cân bằng của cơ thể là việc nên làm. Nếu có những tác nhân an toàn lại có thể kích thích tế bào Leydig sản sinh testosterone nội sinh thì đó là phương án khôn ngoan mong là các anh sẽ lựa  chọn.

Ts - Bs Lê Thúy Tươi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.