Masatsugu Ono - nhà văn thích cười

13/03/2011 23:07 GMT+7

Trẻ trung trong phong thái và trang phục, Masatsugu Ono luôn giữ một vẻ ngoài tươi cười và chủ động trong các cuộc tiếp xúc.

Chương trình của Masatsugu Ono tại TP.HCM (11 và 12.3) do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật tại VN tổ chức gồm hai phần: Gặp gỡ một số nhà văn VN và Thuyết trình về văn học đương đại Nhật Bản tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH - NV) TP.HCM.

Thu hút sinh viên VN

Trong hội trường C của ĐH KHXH -NV TP.HCM, sinh viên ngồi kín tất cả các hàng ghế. Có lẽ việc một nhà văn trẻ đến từ nước Nhật để nói về một nhà văn Nhật khác đang được đọc rất nhiều ở VN (Haruki Murakami) đã thu hút họ. Bài thuyết trình dài phải qua phiên dịch, được trình bày một cách sôi nổi đã được cử tọa chăm chú lắng nghe đến phút cuối. Điều này đã khiến Masatsugu Ono ngạc nhiên một cách thú vị: “Khi tôi giảng bài, sinh viên của tôi thường chơi game dưới gầm bàn hoặc ngủ, còn các bạn thì lắng nghe”.

Khá nhiều câu hỏi đã được nêu ra. “Giới trẻ Nhật Bản đang đọc gì?” - “Lứa tuổi 18, 20 chỉ đọc văn học giải trí. Như thế đã là may. Có người còn không đọc gì. Vào cuối tuổi 20 họ mới bắt đầu đọc văn học nghiêm túc”. “Phương pháp nghiên cứu văn học phổ biến nhất ở Nhật Bản là gì?” - “Người Nhật chỉ nghiên cứu về các nhà văn đã qua đời. Với các nhà văn đương thời, chỉ những người du học ở Pháp - Mỹ viết phê bình về họ, như một cách giới thiệu những cái hay trong tác phẩm của họ đến cho người đọc”. “Các yếu tố nghệ thuật và giải trí trong văn học Nhật Bản?” - “Ở Nhật Bản có các tạp chí khác nhau dành cho từng loại tác phẩm khác nhau. Nếu chọn nghệ thuật thuần túy, nhà văn sẽ in tác phẩm của mình vào tạp chí dành cho loại chú trọng tính nghệ thuật. Với yếu tố giải trí cũng thế. Tác phẩm in ở tạp chí nào thì nhà văn thuộc dòng văn học đó. Tuy nhiên, Haruki Murakami đã làm thay đổi điều này: sau Murakami, các nhà văn đã làm ngược lại điều từng làm. Nhà văn chuộng nghệ thuật có thể in tác phẩm vào tạp chí giải trí và ngược lại”...

Nhà văn Masatsugu Ono sinh năm 1970, là tiến sĩ nghệ thuật và khoa học ĐH Tokyo, tiến sĩ văn học ĐH Paris VIII. Tác phẩm: Ngôi mộ vùi trong nước (giải thưởng báo Asahi 2001); Trôi trên vịnh (giải thưởng Mishima Yukio 2002); Ven rừng - 2006; Chiếc xe buýt mini - 2008 (đề cử giải thưởng Akutagawa 2008); Mênh mông hơn cả đêm đen...

Ông còn là dịch giả nhiều tác phẩm giá trị và là phó giáo sư văn học, ĐH Meiji Gakuin.

Tiếng cười trong Trôi trên vịnh

Cuộc gặp với các nhà văn VN lại có nhiều câu hỏi dành cho tác phẩm của chính Masatsugu Ono, tiểu thuyết Trôi trên vịnh. Đó là câu chuyện về một làng chài Nhật Bản, nơi không gian hầu như bị ngăn cắt với phần còn lại của thế giới, chỉ có rất ít cư dân, và cuộc sống diễn ra một cách trì đọng, buồn tẻ. Những đời người trôi qua lờ đờ, như ẩn như hiện trong mắt người khác và có khi trong chính bản thân người đó, không đầu không cuối…

Tác giả đã sử dụng thủ pháp hài hước, trong mô tả cũng như trong dẫn dắt, nhận định, với một văn phong rất nhiều hình ảnh, gợi mở, khiến người ta nhận ra một “chất Nhật Bản truyền thống” vốn không thấy nhiều lắm trong tác phẩm của H.Murakami, bởi tính toàn cầu hóa cao của Murakami.

Masatsugu Ono đã nói về điều này: “Murakami viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa. Từ 1996, dân số Nhật Bản đã bị lão hóa. Ở các đô thị còn thấy nhiều người trẻ nhưng về các địa phương chỉ gặp toàn người già. Đối với riêng tôi, những ông bà già, những câu chuyện dông dài nhà quê lại hợp với tôi hơn, là thế mạnh của tôi. Và cách của tôi là mang tiếng cười vào tác phẩm của mình...”.

Nếu được giới thiệu rộng rãi, Trôi trên vịnh chắc chắn sẽ làm phong phú thêm cái nhìn thưởng thức của độc giả VN đối với văn học đương đại Nhật Bản.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.