Chợ nước bên... gò mả

13/03/2011 01:45 GMT+7

Để có đủ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, nhiều người dân ở huyện ven biển Bình Đại (Bến Tre) phải sử dụng cả nguồn nước lấy từ những khu vực gần mồ mả.

Một đặc điểm nổi bật của huyện ven biển Bình Đại là có rất nhiều giồng cát. Đây cũng chính là nơi người dân tập trung sinh sống. Người dân nơi đây còn có thói quen chôn cất người thân sau khi qua đời ngay trong vườn nhà ở những nơi cao ráo nhất. Chính vì vậy, người chết và người sống cứ cùng nhau định cư với mật độ ngày càng dày đặc trên những giồng cát. Vào mùa khô, khi bốn bề là nước mặn thì người dân lại ra vườn nhà đào, khoan giếng để lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước ngọt này thường chỉ cách các ngôi mộ độ chừng một chục mét, thậm chí chỉ vài ba mét hay ngay bên cạnh chân mộ. “Mấy năm trước ở xã này có trường hợp người dân đào giếng ngay giữa chòm mả để lấy nước. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã phát hiện kịp thời, đến vận động hộ này lấp giếng, không cho sử dụng", ông Ba Hùng, một cán bộ xã Đại Hòa Lộc kể.

Cũng theo lời ông Ba Hùng, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà người ta sử dụng nước lấy cạnh gò mả cho nhiều mục đích sinh hoạt khác nhau. Có hộ chỉ dùng nước này để tắm giặt, nhưng cũng có hộ dùng cả vào việc nấu ăn. “Không có nước xài thì đành phải chịu vậy chứ tối về cũng thấy ớn ớn”, ông Ba Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Thành Sa, Phó phòng NN-PTNT huyện Bình Đại, các mạch nước ngầm ở địa phương đều bị nhiễm mặn nên không thể khai thác sử dụng được. Nguồn nước mà người dân xài phổ biến trong mùa khô là nước được khai thác từ những giồng cát. Vào mùa mưa, nước mưa thấm (từ chuyên môn gọi là “trực di”) xuống lớp đất mặt và tích tụ tại đó. Do những giồng cát có độ cao tương đối lớn so với mực nước biển nên nước không bị nhiễm mặn. Về cơ bản, nguồn nước này vẫn là nước mưa được tích tụ trong lớp đất mặt nên cũng được coi là nước mặt. “Vì có quá nhiều mồ mả trên các triền giồng nên xét thấy nguồn nước này cũng không an toàn. Nhưng nếu không xài thì không có nguồn nước nào khác, nên đành phải chấp nhận”, ông Sa cho hay.

 Theo ông Sa, chính quyền định địa phương và ngành chức năng cũng vận động những người làm nghề đổi nước cần phải xử lý hóa chất, lắng lọc trước khi đổi cho bà con. Tuy nhiên, nhiều lúc nước bơm lên không kịp đổi nữa thì chuyện lắng lọc cũng khó nói lắm. 

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.