Thảm họa ở Nhật: Số người chết vượt quá 1.000

12/03/2011 10:35 GMT+7

Thiệt hại 10 tỉ USD Sóng thần không gây hại ở các nước khác Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp tại 5 lò phản ứng điện hạt nhân (TNO) Sau một đêm dài hầu như không ngủ, người dân Nhật đón ngày 12.3 vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn động đất mạnh nhất trong lịch sử và cơn sóng thần khủng khiếp ngay sau đó.

Tokyo hỗn độn

Thảm họa bắt đầu vào lúc 2 giờ 46 phút chiều qua khi một trận động đất mạnh đến 8,9 độ Richter làm rung chuyển hàng chục thành phố và làng mạc dọc theo hơn 2.000 km bờ biển, xé toạc nhiều tòa nhà, đường sá, công trình.

Đây là trận động đất mạnh thứ 5 trên thế giới kể từ khi thống kê được thực hiện vào năm 1990 và mạnh gấp 8.000 lần so với cơn địa chấn làm rúng động New Zealand hồi tháng trước. Khi mọi người vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì một cơn sóng thần cao đến 10 mét, lúc chạm bờ vẫn còn 7 mét ập vào Sendai, thành phố phía đông bắc nước Nhật. Nhà cửa, xe cộ, tàu bè… bị con sóng hung hãng cuốn ra khơi xa như những món đồ chơi.

 
Rất đông người dân Tokyo đã không thể về nhà trong đêm qua - Ảnh: Reuters

Tới sáng sớm hôm nay, 12.3, một trận địa chấn mạnh 6,6 độ Richter đã xảy ra tại khu vực núi non ở miền trung Nhật - vốn nằm rất xa với tâm chấn của trận động đất hôm qua. Chưa rõ có mối liên hệ gì giữa 2 cơn địa chấn này hay không. Cũng chưa rõ thiệt hại của thiên tai sáng nay.

Cả thành phố Tokyo, nơi rung lắc dữ dội xảy ra dù cách tâm chấn hàng trăm km, vẫn đang kẹt cứng ngắc trong bối cảnh hệ thống giao thông công cộng, phương tiện đi lại chính của hầu hết người dân thủ đô, bị ngưng trệ.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật đưa tin ít nhất 116.000 người Tokyo đã không thể về nhà trong đêm qua. Chính quyền thành phố đã lập rất nhiều khu trại tạm cho họ, nhưng phần lớn chọn ở lại nơi công sở, quán cà phê hay khách sạn. Khoảng 4 triệu ngôi nhà ở thành phố hiện đại bậc nhất thế giới này đã phải chịu cảnh cúp điện.

 
Ngọn sóng hung hãn đã nuốt chửng nhiều nhà cửa, tàu bè, xe cộ... Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Jiji thì cho biết 1/3 thành phố Kesennuma vẫn đang chìm trong nước tính đến sáng nay, 12.3. Trong đêm, hàng loạt vụ cháy vẫn chưa thể được khống chế.

Ở Minamisoma, theo AP, khoảng 1.800 ngôi nhà đã bị sập.

Thiệt hại 10 tỉ USD

Cho tới nay, chính quyền vẫn chưa tìm thấy tung tích 4 chiếc tàu lửa ở các khu vực ven biển. Một con tàu biển chở theo 100 người cũng vẫn trong tình trạng mất tích.

Báo chí Nhật đưa tin số người thiệt mạng đã vượt quá con số 1.000, chủ yếu là do bị sóng thần cuốn đi.

Trong khi đó, chính quyền Nhật đã lần đầu tiên phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 5 lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima I và II trước quan ngại rò rỉ phóng xạ. Nguyên nhân là do hệ thống làm mát ở đây đã bị hỏng do tác động của động đất.

Reuters đưa tin đích thân Thủ tướng Naoto Kan đã ra lệnh mở rộng vùng sơ tán cư dân quanh khu vực này từ bán kính 3km lên thành 10km. Trước đó đã có 3.000 người được sơ tán. Được biết nhà máy Fukushima cách Tokyo 240 km.

 
Cảnh tượng tại sân bay Sendai - Ảnh: Reuters

Quân đội đã huy động hàng ngàn binh sĩ, 300 máy bay và 40 tàu chiến cho nỗ lực cứu hộ, cứu trợ.

Khoảng 50 quốc gia khác cũng đã đưa ra đề nghị hỗ trợ Nhật.

Jefferries International Ltd, một tập đoàn ngân hàng đầu tư toàn cầu đã ước tính thiệt hại trong thảm họa này ở mức khoảng 10 tỉ USD.

Sóng thần chạm ngõ Hawaii

Sau khi tàn phá các vùng bờ biển Nhật, cơn sóng thần hung hãn bắt đầu chạy dọc theo Thái Bình Dương với vận tốc của một chiếc máy bay phản lực nhưng đã suy yếu dần.

Ngay sau thảm họa ở Nhật, hàng loạt nước khác từ Thái Bình Dương sang Bắc và Nam Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao, trong đó ở nhiều nơi, cư dân đã được sơ tán. Tính ra, hơn 50 quốc gia và lãnh thổ đã có những phản ứng đối phó sóng thần.

Tuy nhiên, sau đó, cảnh báo đã được rút lại ở hầu hết các nơi, bao gồm cả những nước gần với Nhật như Trung Quốc, Úc, Philippines và Indonesia.

 
Một ngôi nhà bị sóng biển nhấn chìm - Ảnh: Reuters

Sóng thần đã chạm đến tận Hawaii (Mỹ) lúc trời tờ mờ sáng nay, 12.3. Nơi chịu thiệt hại nhiều nhất là đảo Big Island với các ngọn sóng cao làm ngập các con đường, tràn vào nhiều khách sạn. Một ngôi nhà đã bị cuốn ra khơi. Tuy nhiên, sóng đã suy yếu rất nhiều, nơi cao nhất cũng chỉ chừng 2 mét.

Trong đất liền, nhiều cảng biển và bến thuyền chịu thiệt hại ở mức hàng triệu USD khi hàng loạt tàu bè bị va vào nhau, một số bị cuốn ra biển.

Chính quyền cũng đang tìm kiếm một người đàn ông bị cuốn ra khơi khi đang chụp hình.

Tại Indonesia, hàng ngàn người đã hoảng hốt bỏ chạy lên vùng cao sau khi chính quyền cảnh báo có khả năng xảy ra sóng thần gần 2 mét. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Hàng loạt đảo ở dọc Nam Thái Bình Dương đã chịu những con sóng cao hơn bình thường, nhưng không có tổn hại lớn nào.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.