Kỹ thuật "chiếu tướng" tác giả thư nặc danh

12/03/2011 10:11 GMT+7

(TNO) Các chuyên gia Canada đã phát triển một kỹ thuật mới có thể xác định chính xác tác giả của các bức thư điện tử nặc danh, theo Gizmag.

Có nhiều lý do vô hại để gửi thư điện tử nặc danh như thú nhận tình yêu vĩnh cửu với người nào đó, xin lời khuyên kín đáo hay đơn giản là trêu đùa bạn bè.

Nhưng cũng có không ít lý do nguy hại như đe dọa ai đó, phát tán phim ảnh khiêu dâm hay gửi virus...

Dù cảnh sát thường sử dụng địa chỉ IP để định vị nơi bức thư được gửi đi nhưng để bắt giữ người gửi nó không phải là việc dễ dàng.

Trong một nỗ lực đấu tranh chống sự gia tăng tội phạm qua mạng có liên quan đến các thư điện tử nặc danh, Benjamin Fung, giáo sư kỹ thuật hệ thống thông tin thuộc Đại học Concordia, Canada và các cộng sự phát triển một phương pháp mới xác định tác giả dựa vào các kỹ thuật sử dụng trong nhận dạng tiếng nói và khai thác dữ liệu.

Phương pháp của họ phụ thuộc vào việc nhận dạng các khuôn mẫu thường xuyên và sự kết hợp các đặc điểm riêng biệt tái diễn trong các bức thư điện tử bị nghi ngờ.


Giáo sư Benjamin Fung - Ảnh: Gizmag 

Kỹ thuật này hoạt động bằng cách đầu tiên là nhận dạng các khuôn mẫu được phát hiện trong các bức thư điện tử viết theo chủ đề.

Sau đó, bất cứ khuôn mẫu nào trong số các khuôn mẫu này được tìm thấy trong các bức thư điện tử có chủ đề khác đều được lọc ra, để lại các khuôn mẫu đặc trưng cho tác giả của các bức thư điện tử được phân tích.

Các khuôn mẫu thường xuyên còn lại này hợp thành cái mà các nhà nghiên cứu gọi là write-print - một dấu hiệu nhận dạng gần giống vân tay.

Theo giáo sư Fung, thư điện tử nặc danh có chứa các lỗi in hoặc lỗi ngữ pháp hoặc được viết hoàn toàn bằng chữ thường. Các nhà khoa học sử dụng các đặc trưng này để tạo ra write-print.

Nhờ có phương pháp mới, họ thậm chí có thể xác định với độ chính xác cao người đã viết bức thư và suy luận ra giới tính, quốc tịch và trình độ học vấn của tác giả.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mới bằng cách nghiên cứu bộ dữ liệu về thư điện tử của tập đoàn Enron (Mỹ), bộ sưu tập chứa hơn 200.000 thư điện tử có thực của 158 nhân viên trong công ty.

Bằng cách sử dụng một mẫu gồm 10 thư điện tử được viết theo 1 trong số 10 chủ đề, tổng số có 100 bức thư, họ có thể nhận dạng được tác giả với độ chính xác từ 80-90%.

“Kỹ thuật của họ được thiết kế nhằm cung cấp bằng chứng tin cậy có thể trưng ra tại tòa án. Để bằng chứng được chấp nhận, các nhà nghiên cứu cần giải thích bằng cách nào họ đi đến các kết luận của mình. Kỹ thuật mới cho phép họ làm được điều này”, ông Fung nói.

Quyên Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.