Câu chuyện về sĩ phu Trần Thuyết

12/03/2011 19:08 GMT+7

Mùng 10 Tết Tân Mão (12.2.2011), tôi xin phép Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Tam Kỳ lên thắp hương trước mộ cụ Trần Thuyết. Từ khi cụ được cải táng về đây, ngày nào phần mộ cũng ấm áp nhang khói.

Trần Thuyết là ai?

Trần Thuyết (1857-1908) còn có tên là Trần Văn Vinh, ngụ cư làng Phước Lợi, tổng Phước Lợi Thượng, phủ Tam Kỳ (tên cũ của thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Bà con ngày ấy gọi ông bằng cái tên thân mật là ông Mục Thuyết hay ông Trùm Thuyết. Ông là một hào mục có chữ nghĩa, từng làm trùm làng. Trong hai năm 1885 - 1886, ông bỏ làm hào mục, tham gia cuộc kháng Pháp do Đề đốc Trần Văn Dư lãnh đạo. Năm 1887, ông cùng anh ruột là Trần Hành ứng nghĩa phong trào Cần Vương do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Phong trào Cần Vương thất thủ, ông lên làng Phước Lợi ngụ cư. Năm 1904, ông tham gia phong trào Duy Tân, mộ phu khai phá đồi Thày Lay ở làng Phước Lợi, lập đồn điền trồng quế và chè. Ông xuất tiền xây dựng chợ Cây Cốc cho nhân dân buôn bán, tham gia sáng lập thi xã phủ Tam Kỳ, quyên tiền ủng hộ phong trào Đông Du cho học sinh du học tại Nhật Bản. Năm 1908, phong trào kháng thuế nổi lên đều khắp trong tỉnh Quảng Nam, được nhiều sĩ phu yêu nước hưởng ứng. Trần Thuyết trở thành thủ lĩnh phong trào kháng thuế phủ Tam Kỳ.

Trần Thuyết là con người cao to, chân tay dài, có sức vóc. Ông đứng luôn luôn cao hơn mọi người một cái đầu, tiếng nói lớn và uy nghiêm. Chính vì vậy giữa đám đồng dân (habitants - chữ dùng của người Pháp dùng chỉ người biểu tình) toàn “áo rách nón cời” đi đấu tranh kháng thuế, con người áo rách nón cời Trần Thuyết nổi lên như một lãnh tụ thực thụ.

Mục Thuyết đấu tranh với Đề Tuệ

Phủ Tam Kỳ là vùng đất phía nam Quảng Nam, cách tỉnh lỵ Hội An khoảng 60 cây số. Đứng đầu guồng máy cai trị Tam Kỳ là một viên đại lý người Pháp, một tri phủ An Nam và một võ quan An Nam. Viên võ quan ấy là Trần Tuệ, được triều Nguyễn phong đề đốc, người Tam Kỳ thường gọi là Đề Tuệ.

Đề Tuệ trong mắt dân lúc bấy giờâ là một người tàn ác, gây ra nhiều thảm kịch cho người dân Tam Kỳ. Những nhà nho, những thanh niên cắt tóc ngắn, học chữ Quốc ngữ, mặc áo sơ - mi theo cách của cụ Phan Chu Trinh đều bị Đề Tuệ bắt và ra lệnh đánh đập.

Ngày 22 tháng hai năm Mậu Thân (5.4.1908), ông Trần Thuyết lãnh đạo hàng ngàn “đồng dân” kéo về phủ đường Tam Kỳ đấu tranh chống sưu cao thuế nặng. Nhác trông thấy bóng Đề Tuệ, Trần Thuyết lớn tiếng gọi Đề Tuệ ra trình diện nhân dân. Đề Tuệ sợ quá, trốn biệt trong phủ đường.

 
Cải táng di cốt cụ Trần Thuyết - Ảnh: Phòng VHTT TP Tam Kỳ

 
Tác giả thắp hương trước mộ cụ Trần Thuyết - Ảnh: Song Anh

Tri phủ Tam Kỳ hoảng sợ, cầu cứu với viên đại lý người Pháp. Đại lý Pháp đến, tiếp xúc với Trần Thuyết và nhân dân nhưng yêu cầu đoàn người đấu tranh kháng thuế phải giải tán. Quan đại lý Pháp muốn giải vây cho Đề Tuệ, đưa Đề Tuệ đi  bằng xe của mình. Không bắt được Đề Tuệ, Trần Thuyết đứng trước đoàn người, dõng dạc hô lớn: “Dân ta xin quan đại lý giao nộp đề đốc Trần Tuệ để dân ăn gan” (“Ăn gan” chỉ là một cách nói ngoa dụ của người Quảng Nam, nhằm bày tỏ lòng công phẫn sâu sắc chứ không phải là sự thật). Nghe tiếng hô của Trần Thuyết, đoàn người bảy tổng đi đấu tranh ứng thanh đáp “Dạ!”.

Tiếng dạ của dân bảy tổng làm chính quyền thực dân phong kiến phủ Tam Kỳ run sợ. Cả lời hô và lời đáp của đoàn người khiến Đề Tuệ hãi hùng, hộc máu ngay trên xe của đại lý Pháp. Khi viên đại lý về đến đồn thì Đề Tuệ đã chết.

Trần Thuyết bị bắt giam. Án văn luận tội Trần Thuyết được viết bằng Hán văn, được Tổng đốc Hồ Đắc Trung và Công sứ Charles duyệt y. Án văn có câu kết tội Trần Thuyết: “Thanh thanh thực đề đốc can nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng” - Hô to một tiếng muốn ăn gan đề đốc mà dân cả bảy tổng đều hưởng ứng theo. Hình phạt dành cho Trần Thuyết là trảm thủ (chém đầu) theo Điều 223 bộ Hoàng Việt luật lệ.

Ngày 16.4.1908, phủ Tam Kỳ thi hành án tử hình Trần Thuyết tại gò mả Đông - một vùng hoang vu gần cầu Tam Kỳ. Chém ông xong, họ đem thủ cấp của ông đi đâu không rõ.

Tìm thấy bộ hài cốt không đầu

Ông mất đi, không để lại một tấm di ảnh, một dòng chữ nào.

Nhớ ơn người sĩ phu yêu nước Trần Thuyết, chính quyền và nhân dân Quảng Nam và thành phố Tam Kỳ đã khoanh vùng, nỗ lực tìm di cốt của ông nhưng không thấy. Thành phố bèn quy hoạch một vùng đất rộng trên dưới 1.000m2 trên đường Phan Châu Trinh thuộc phường An Sơn, xây dựng một nhà lưu niệm và dựng bia để tưởng nhớ ông.

Năm 2006, thành phố Tam Kỳ thi công đường Nam Quảng Nam. Ngày 18.3.2007, anh em công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và xây dựng Phúc Việt thi công trồng trụ điện để đưa điện lưới quốc gia chiếu sáng cho đường mới. Khi các anh đào đến hố móng cách ngã tư Phan Châu Trinh khoảng trăm mét thì phát hiện một bộ xương người không có đầu. Đặc biệt, xương khá dài và to, chứng tỏ người qua đời là một người cao lớn.

Nguồn tin ấy nhanh chóng được báo về Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ và các ngành chức năng hữu quan như văn hóa thông tin, bảo tàng, khảo cổ. Con cháu hậu duệ của cụ Trần Thuyết được mời đến. Ba bên gồm chính quyền, các ngành chuyên môn và thân nhân cụ Trần Thuyết đều thống nhất nhận định rằng bộ hài cốt không đầu này đích thực là di cốt của sĩ phu yêu nước Trần Thuyết. Nơi ông nằm chính là nơi 99 năm trước, Pháp và quan lại Nam triều đã xử chém ông! Cái đầu mất đi là do những kẻ thi hành án phải mang đầu về để phục mệnh quan trên, theo quy định xử chém ngày xưa.

Điều này phù hợp với bản tiểu sử tóm tắt về cuộc đời Trần Thuyết do ông Trần Ngọc Chương viết tay năm 1995. Ba dòng cuối của ông Chương viết: “Thi hài ông (Trần Thuyết - NV) được ông Mục Đa mai táng ngay nơi ông bị hành quyết”. Nơi tìm được bộ hài cốt chỉ cách nơi thành phố Tam Kỳ xây dựng khu tưởng niệm Trần Thuyết trên dưới 50m. Điều này cũng có nghĩa là ngành văn hóa  - thông tin tỉnh Quảng Nam và thành phố Tam Kỳ khoanh vùng khá đúng nơi sĩ phu Trần Thuyết đã hy sinh dù mọi việc đã trôi qua 99 năm.

Thành phố Tam Kỳ tổ chức long trọng lễ cải táng cho cụ Trần Thuyết. Ông Trần Văn Đức - chuyên viên phục chế tượng thuộc Bảo tàng Quảng Nam, được giao nhiệm vụ chế phần sọ cho bộ hài cốt. Ông Đức nhớ lại: “Sọ được nặn bằng đất sét, không nung như các loại tượng khác. Đây là loại đất sét tinh khiết, màu xanh đen, mịn được tôi lấy từ sông Ly Ly về. Qua bốn ngày ủ, nhồi, tạo hình, tôi đem hộp sọ đến cho ban tổ chức cải táng đặt vào quan tài. Tôi cũng thận trọng gọi về hỏi bác tôi; bác nói chuyện phục chế như vậy là tốt, thể hiện được lòng kính trọng tiền nhân”.

Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ đã lên kế hoạch xây dựng tường rào, trồng hoa cỏ để biến khu vực này thành một di tích mang tính lịch sử cho nhiều thế hệ trẻ đến đây tham quan, học tập. Những tấm gương yêu nước, thương dân của người xưa khiến chúng ta biết ơn và cảm động.

Trong những sĩ phu yêu nước lãnh đạo phong trào kháng thuế tại Quảng Nam năm 1908 thì cụ Trần Thuyết bị chém; 216 sĩ phu khác bị bắt giam hoặc bị đày. Nhiều nhà yêu nước khác bị bắn chết hoặc bị tống giam.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.