Canh chừng bệnh trái rạ

12/03/2011 11:59 GMT+7

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bé trai L.M.Khôi (19 tháng tuổi, ngụ ấp Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM) thỉnh thoảng lại khóc thét, cào tay lên mặt đang lấm tấm những mụn nước đỏ do ngứa ngáy. Toàn thân bé Khôi được bôi đầy thuốc sát trùng màu xanh, người sốt hầm hập. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc dịch bệnh thủy đậu (trái rạ) có nguy cơ biến chứng não. Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng ngày 11-3 cho thấy, dịch bệnh trái rạ đang vào mùa.

 

 Một bệnh nhi trái rạ được điều trị tại BV Nhi đồng 2 sáng 11-3 - Ảnh: Tg.Lâm

Cả nhà mắc bệnh

Nhập BV Nhi đồng 1 TPHCM, từ 3 ngày nay, bé Khôi liên tục lên cơn co giật và sốt cao. Mẹ bé, chị N.T.Thảo lo lắng: “Mấy hôm trước cháu bỏ ăn, người nổi mấy nốt mụn đỏ. Tôi cứ tưởng do đi ngủ quên móc mùng nên muỗi đốt. Ai dè qua ngày hôm sau, mụn nổi khắp mặt, chân tay, lưng. Sợ quá, tôi mới đưa cháu đi cấp cứu”. Theo chị Thảo, trước khi cháu Khôi khởi bệnh, đứa con gái đầu 3 tuổi của chị cũng bị bệnh tương tự nhưng sau đó thì hết. Do đó, chị nghi ngờ cháu Khôi bị lây từ chị. “Không chỉ nhà em đâu. Mấy đứa nhỏ của nhà đối diện cũng bị bệnh”, chị Thảo cho biết thêm.

Cùng chung phòng với cháu Khôi là bé trai L.T.Vinh (3 tuổi, ngụ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đang bị trái rạ. Trên người bé, những nốt đỏ bắt đầu lở loét, chảy mủ. Nhập viện đã 2 ngày nay trong tình trạng sốt cao, ói mửa và bỏ ăn, bé Vinh trông lừ đừ, hóc hác. Mẹ cháu cho biết nhiều khả năng cháu bị lây từ nhà trẻ bởi trước đó có 2 cháu ở cùng khu nhà trọ cũng mắc bệnh tương tự… Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết, trong 2 tuần qua, số trẻ mắc dịch bệnh trái rạ đang có xu hướng tăng lên so với những tháng trước đây. Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho gần 10 cháu, chưa kể phần lớn các cháu điều trị ngoại trú ở nhà.

Tại BV Nhi đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã bắt đầu tiếp nhận nhiều trường hợp mắc trái rạ. Tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, hai tuần qua đã tiếp nhận 5 cháu mắc trái rạ. Một bác sĩ tại khoa cho biết, thường vào tháng 2 và 3 hàng năm là thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh trái rạ và bệnh viện luôn dự phòng các loại thuốc để ứng phó. Thậm chí có trường hợp cả nhà đều mắc. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ Khoa Nhiễm A BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, thời tiết chuyển mùa vào thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh trái rạ. Cứ vào thời điểm các tháng 2, 3, 4 và 5 là dịch bệnh trái rạ lây lan trong cộng đồng và đối tượng dễ mắc nhất là các cháu nhỏ dưới 5 tuổi nếu không được chích vaccine phòng ngừa.

Biến chứng viêm não

Các bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM chưa hết lo ngại về sức khỏe của bé gái T.N.A.T. (5 tuổi, ngụ Đồng Nai) do biến chứng nặng của bệnh trái rạ. Trước khi nhập viện cách nay 1 tuần, bé T. lên cơn sốt, đau đầu và xuất hiện các bóng nước đỏ ở tay, chân, mặt và sau đó lan ra khắp toàn thân. Gia đình đưa bé vào bệnh viện huyện điều trị 2 ngày nhưng không bớt mà trầm trọng hơn, xuất hiện co giật, la hét. Sau đó chuyển bé lên bệnh viện tỉnh và cuối cùng được điều trị tại BV Nhi đồng 1. Tại đây, căn cứ vào biểu hiện bệnh, bé được các bác sĩ chẩn đoán mắc dịch bệnh trái rạ với biến chứng viêm não. Đó chính là nguyên nhân gây co giật và hôn mê. Trước tình trạng nguy kịch của bé, các bác sĩ cùng lúc điều trị chống phù não, chống co giật và cho dùng thuốc kháng virus trái rạ. Sau 5 ngày cấp cứu tích cực, bệnh nhi dần hồi phục.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trong tuần qua, BV Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận một số ca nhiễm dịch bệnh trái rạ gây biến chứng nặng, trong đó đáng lưu ý là trường hợp biến chứng nhiễm trùng đường huyết của một bé trai hơn 2 tuổi và một ca trẻ sơ sinh mới 2 ngày tuổi nhiễm do lây từ mẹ.

Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. “Chỉ cần trong nhà có một người mắc thì nguy cơ những người khác trong nhà có tiếp xúc đều mắc, nhất là trẻ em có sức đề kháng yếu và chưa được chích ngừa”, BS Trần Thị Thúy, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo. Cũng theo BS Thúy, trái rạ là bệnh phòng ngừa được bằng cách tiêm ngừa vaccine từ khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Theo BS Trương Hữu Khanh, từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm thường xảy ra dịch bệnh trái rạ và cao trào của bệnh dịch này thường rơi vào tháng 3. Và theo chu kỳ, bệnh bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng khoảng 3-4 năm một lần.

Năm 2011 là năm rơi vào chu kỳ bùng phát của dịch bệnh trái rạ. “Trẻ bị trái rạ khi nói, ho, hắt hơi, khóc… sẽ làm phát tán virus trong không khí. Bệnh rất dễ lây, xảy ra nhiều ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học, văn phòng, nhà máy do các nguyên nhân như phát hiện muộn, không áp dụng biện pháp phòng ngừa. Bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con nếu mẹ bị nhiễm lúc mang thai”, BS Khanh cho biết.

Trẻ mắc bệnh trái rạ có thể bị sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, ngứa ngáy... Nếu trẻ không được quan tâm chăm sóc kỹ, để trẻ gãi vào mụn nước, mụn nước vỡ ra gây nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn, virus có thể xâm nhập thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan…, gây tình trạng sốt dao động, làm trẻ li bì, quờ quạng tay chân, co giật và có thể gây viêm não. Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị cũng để lại di chứng thần kinh như điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Để chủ động phòng ngừa nên tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ em và người lớn nên tiêm ngừa 2 liều vaccine ngừa trái rạ, liều thứ 2 cách liều thứ nhất sau 6 tuần. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa trái rạ trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.