Phá vụ mua bán trái phép 400.000 USD

10/03/2011 01:05 GMT+7

Hôm 9.3, cơ quan chức năng chính thức thông báo đã phá một vụ mua bán gần 400.000 USD giữa các cá nhân tại chi nhánh Ngân hàng Eximbank tại Hà Nội.

 

 Giao dịch ngoại tệ trái phép sẽ bị xử lý nghiêm - Ảnh: D.Đ.M

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết tối 8.3, Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) đã phá vụ mua bán trái phép trên. 

 Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an:  Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các địa phương tập trung rà soát, lên danh sách toàn bộ các điểm thu mua, trao đổi, giao dịch ngoại tể để quản lý, theo dõi và xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài hành vi mua bán trái phép ngoại tệ, Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, ban ngành chức năng, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi niêm yết giá sản phẩm, quảng cáo, giao dịch mua bán sản phẩm bằng ngoại tệ trái quy định của Nhà nước.

Anh Vũ (ghi)

Không có giấy phép

Tại hiện trường, công an phát hiện và bắt quả tang Dương Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Thu Huyền đang giao cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân số tiền 390.500 USD và nhận lại từ hai người mua gần 8,5 tỉ đồng.

Theo cơ quan điều tra, Trang và Huyền là nhân viên của Công ty TNHH đầu tư thương mại Khương và Lê do Lê Thanh Hương làm giám đốc. Tuấn và Quân là nhân viên cửa hàng vàng Thành Trung (110 Nguyễn Du, Hà Nội). Thời điểm bị bắt các đối tượng không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ. Cũng theo cơ quan điều tra, số tiền 390.500 USD là tiền gửi tiết kiệm của Lê Thanh Hương tại Eximbank Hà Nội. Hương đã ủy quyền cho Trang và Huyền rút số tiền trên và bán cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân với giá 21.580 đồng/USD.

Quá trình điều tra bước đầu, các đối tượng trên đã khai nhận số tiền gần 8,5 tỉ đồng được Quân nhận từ bà Phạm Thị Hồng Oanh (vợ chủ cửa hàng vàng Thành Trung) để gửi ngân hàng. Cơ quan điều tra cũng làm rõ số tiền 390.500 USD gửi tiết kiệm của Hương tại Eximbank Hà Nội, có nguồn gốc từ việc bán căn hộ chung cư số 1804, Topaz 2, Saigon Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM.

 Phát hiện 9 tiệm vàng vi phạm

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - cho biết trong thời gian gần đây, NHNN cùng phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường đi kiểm tra và phát hiện 9 tiệm vàng mua bán ngoại tệ trái phép. Cơ quan chức năng đã phạt hành chính mỗi tiệm vàng 57 triệu đồng. Các tiệm vàng hiện nay không dám công khai mua bán ngoại tệ như trước đây. Để ổn định thị trường ngoại tệ, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai kiểm tra các hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Tại buổi họp với các ngân hàng thương mại sáng 9.3, NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm tra các đại lý thu đổi ngoại tệ của ngân hàng mình trên địa bàn.

Thanh Xuân

Giao dịch trong ngân hàng

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho biết theo quy định hiện hành người dân mua - bán ngoại tệ phải đến các ngân hàng để giao dịch. Những nhu cầu hợp pháp như đi nước ngoài du học, khám chữa bệnh thì được mua từ 7.000 USD trở xuống. Tất cả những giao dịch mua bán ngoại tệ bên ngoài ngân hàng đều vi phạm pháp luật.  “Đối với trường hợp trên, các cá nhân không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ. Với khối lượng lớn như vậy có thể sẽ chịu những hình thức xử lý nặng hơn mức thông thường là xử phạt hành chính”, ông Kiêm nói.

Trong khi đó, TGĐ một NH thương mại cho rằng vụ giao dịch lọt vào trong ngân hàng, do những ngày qua các cơ quan chức năng càn quét quyết liệt hoạt động giao dịch ngoại tệ ngầm, trái phép trên thị trường chợ đen. Vì vậy, giao dịch trên thị trường này đã “chui” vào ngân hàng hòng tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Vụ bắt giữ trên như giọt nước làm tràn ly về tình trạng mua bán USD ngầm, cũng như những hoạt động vô cùng lộn xộn của các đại lý, tiệm vàng, bạc “trá hình” trên thị trường từ trước tới nay. Theo một chuyên gia, tất các các đại lý thu đổi ngoại tệ đều phải có giấy phép mới được hoạt động. Nhưng tại khắp mọi nơi chỗ nào cũng thấy ngoại tệ được giao dịch mua bán tràn lan, với số lượng vô cùng lớn lên tới hàng trăm nghìn USD. “Đã đến lúc phải xóa bỏ giấy phép hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ để chuyển sang loại hình kinh doanh có điều kiện” - chuyên gia này nhận định.

Còn Giám đốc Ban kinh doanh Ngoại hối tại một ngân hàng cho biết tại Quyết định số 98/2007/QĐ-TTG phê duyệt đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, khắc khục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Chính phủ cũng đề ra lộ trình hạn chế việc thanh toán bằng ngoại tệ, xóa bỏ các điểm bán hàng thu ngoại tệ vào 2010. Tuy nhiên, thị trường ngoại tệ tự do, yết giá và thanh toán ngoại tệ trong dân cư vẫn chưa kiểm soát được do thói quen và các hoạt động kinh tế ngầm, do sự bất tiện khi sử dụng VND vẫn chưa được giải quyết cơ bản. “Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, các hoạt động ngoại hối trái phép tồn tại chủ yếu là do chưa được xử lý một cách kiên quyết. Nguyên nhân là thiếu chế tài, thiếu sự phối hợp của các cơ quan quản lý” - ông nói.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.