Dòng chảy tranh biếm họa

09/03/2011 23:13 GMT+7

Những bức tranh biếm họa đầu tiên của họa sĩ Việt Nam xuất hiện từ những năm 1920-1930. Trong suốt gần 90 năm, nhiều thế hệ họa sĩ biếm đã để lại dấu ấn, tạo nên dòng chảy không ngừng cho thể loại tranh này.

Không nhiều người biết rằng, người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa đăng trên báo là Nguyễn Ái Quốc. Bức tranh được đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp vào năm 1922. Từ khi ra đời, tranh biếm họa Việt Nam đã gắn liền với báo chí mặc dù xuất hiện muộn hơn. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi xuất hiện trên tuần báo Phong Hóa của nhóm Tự lực Văn đoàn, các bức biếm họa với hai nhân vật Lý Toét - Xã Xệ đã gây xôn xao trong dư luận. Thể loại tranh mới mẻ đã tạo nên cú “sốc” mạnh mẽ, không dễ được đa số người dân lúc bấy giờ chấp nhận ngay. Dần dần, người ta hiểu được ý nghĩa thâm thúy, tính đả kích, chế giễu mạnh mẽ quan lại phong kiến thối nát, chống lại chế độ thực dân cai trị. Tiếp đó, người ta lại bất ngờ trước nhân vật biếm họa Bang Bạnh của Tô Tử (Tô Ngọc Vân) thể hiện tư tưởng chống đối chế độ đương thời trong tuần báo của nhóm Tự lực Văn đoàn.


Tranh đả kích do Nguyễn Ái Quốc vẽ, đăng báo Le Paria (tháng 8.1922)


Tác phẩm của họa sĩ Lý Trực Dũng

Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới, biếm họa Việt Nam là tiếng nói chống lại kẻ thù, thì đến bây giờ, là tiếng nói chống tiêu cực cho xã hội. Hàng loạt tên tuổi các họa sĩ ở các thời kỳ khác nhau đã ghi dấu ấn với dòng tranh biếm họa. Các họa sĩ biếm thuộc thế hệ trước năm 30 thế kỷ trước có bậc thầy biếm họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Vào những năm kháng chiến có Phan Kích (Phan Kế An) với nhãn quan chính trị sâu sắc, Mai Văn Hiến “họa sĩ chiến khu”, Nguyễn Bích... Thế hệ thời đổi mới có họa sĩ Chóe, Ớt, Nhím, Nhốp... Gần đây là những họa sĩ trẻ đầy sung lực như DAD, Còm, Khoái, LEO, LAP... Nhiều họa sĩ biếm Việt Nam được thế giới biết đến. Một trong những người được thế giới công nhận là nghệ sĩ hàng đầu trong tranh biếm họa là họa sĩ Chóe.

Họa sĩ Lý Trực Dũng sinh năm 1946, đã có hơn 30 năm gắn bó với dòng tranh biếm họa. Tranh biếm họa của ông không chỉ xuất hiện trên báo chí của Việt Nam mà còn trên nhiều nhật báo, tạp chí nổi tiếng của Đức và nhiều nước trên thế giới. Ông vừa cho ra mắt cuốn sách đầu tiên về lịch sử biếm họa Việt Nam. Lý Trực Dũng phác họa chân dung thế hệ các họa sĩ biếm cùng các tác phẩm của họ từ thời kỳ đầu tiên biếm họa xuất hiện cho tới thời điểm hiện tại. Không có tham vọng tạo nên cuộc khảo cứu quy mô và tầm vóc về biếm họa Việt Nam, Lý Trực Dũng cho biết ông mong muốn cuốn sách sẽ là “nhát cuốc động thổ cho những nghiên cứu hoàn chỉnh và tiệm cận hơn về lịch sử nghệ thuật biếm họa Việt Nam trong tương lai”.

Ra mắt sách biếm họa Việt Nam

Toạ đàm Biếm họa Việt Nam nhân dịp ra mắt tác phẩm cùng tên của họa sĩ- kiến trúc sư Lý Trực Dũng đã diễn ra vào tối 9.3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Buổi toạ đàm có sự tham gia của tác giả Lý Trực Dũng và họa sĩ Nguyễn Quân cùng nhiều hoạ sĩ biếm hoạ khác. Triển lãm tranh biếm họa Việt Nam cũng được trưng bày trung tâm từ 9-14.3.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.