Trí thức trẻ làm lãnh đạo xã

07/03/2011 02:44 GMT+7

Bắt đầu từ tháng 3.2011, 62 huyện nghèo trong cả nước bắt đầu triển khai Quyết định 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa trí thức trẻ về xã.

Đề án trên được triển khai trong 10 năm (2011-2020), trước mắt, trong hai năm 2011-2012, sẽ có 100 trí thức trẻ được đưa về làm phó chủ tịch của 100 xã thuộc 5 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum. Đây là những xã đã và đang được triển khai Chương trình 30A của Chính phủ. Vậy là, từ bây giờ những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30A không những chỉ nhận kinh phí từ ngân sách để xây dựng hạ tầng tại địa phương mà còn nhận cả nguồn nhân lực có chất lượng nữa. Cái mới của lần “về xã” đợt này là, số trí thức trẻ sẽ được bổ nhiệm ngay làm phó chủ tịch UBND xã chứ không “tập sự” qua một thời gian rồi mới bổ nhiệm. Bằng cú đột phá này, rất nhiều người kỳ vọng vào sự đổi thay tận gốc, xóa đi sự vận hành trì trệ đã bám rễ khá lâu rồi ở các xã vùng cao.

Không phải đợi đến hôm nay, các địa phương mới triển khai chương trình đưa trí thức trẻ về xã mà ngay từ năm 2002, nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu thí điểm công việc này. Ở tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2002 đến nay đã có 70 thanh niên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng được tăng cường về các xã vùng cao. Phần lớn trong số này đã được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Đặc biệt, nhiều người đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo xã. Nếu như trước đây, nhiều chương trình đầu tư từ vốn ngân sách của nhà nước hoặc một số tổ chức từ thiện không thể triển khai được ở các xã vì cán bộ xã quá yếu kém, thì bây giờ công việc đã khá trôi chảy nhờ vào số “trí thức về xã” này. Không chỉ biết lập và bảo vệ các dự án theo yêu cầu của nhà đầu tư, số thanh niên này là những hạt nhân của nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Hàng loạt mô hình khác như vận động thanh niên địa phương bỏ các hủ tục như nạn tảo hôn, nạn nghi cầm đồ dẫn đến giết nhau giữa các dòng tộc; vận động trẻ em đến trường cũng được triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là mặt “hanh thông” của chương trình “trí thức trẻ về xã”, còn một mảng màu không được “sáng” từ chương trình này. Lỗi không phải chủ trương mà từ thực tế ở ngay cơ sở. Không ít những thanh niên, ngồi chưa ấm chỗ ở xã đã phải tháo chạy vì những định kiến của một vài cán bộ xã hẹp hòi. Tư tưởng dòng tộc và “cha truyền con nối” vẫn còn xuất hiện rải rác trong một số cán bộ xã. Chỉ cần ông bí thư hay chủ tịch xã “ghẻ lạnh” là anh thanh niên được tăng cường về xã ấy không có đất để dụng võ. Thứ nữa, đa số trí thức trẻ này đều được đào tạo bài bản về chuyên môn, song kinh nghiệm về quản lý cũng như điều hành bộ máy cấp xã là gần như bằng không. Vì vậy, chỉ cần chệch choạc một vài lần trong việc chỉ đạo là rất dễ “mất điểm” trong mắt các “cựu trào”. Những định kiến với trí thức trẻ bắt đầu nảy sinh từ đó. Vì vậy, để số trí thức này có thể trụ được, rất cần có sự dìu dắt và bao dung của ngay chính những cán bộ chủ chốt ở các xã đó. Điều cuối cùng là chế độ lương và các khoản thu nhập cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để thu hút số trí thức này.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.