Giao tranh ác liệt tại Libya

06/03/2011 00:25 GMT+7

Phe nổi dậy và lực lượng của Chính phủ Libya hôm qua tiếp tục đụng độ dữ dội tại Zawiyah, nơi đặt một nhà máy lọc dầu lớn của nước này.

Theo các nhân chứng, đến tối qua, Zawiyah, cách thủ đô Tripoli 50 km về phía tây, vẫn nằm trong tay phe nổi dậy nhưng đang bị quân chính phủ tấn công cấp tập. Phóng viên Alex Crawford của đài Sky News tường thuật từ hiện trường cho hay quân đội của ông Gaddafi trang bị hỏa lực mạnh đã lập vòng vây bên ngoài thành phố. Đến tối qua, nhân chứng cho hay khoảng 40 xe tăng của lực lượng chính phủ tràn vào Zawiyah và nã pháo vào nhà dân. “Xe tăng bắn phá khắp nơi. Tôi đã thấy ít nhất 7 chiếc chạy ngang trước cửa nhà. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”, một nhân chứng sợ hãi kể với AFP qua điện thoại trước khi liên lạc bị cắt. Một bác sĩ cũng gào lên trong điện thoại: “Chỗ tôi đang rung chuyển vì pháo. Tôi không nói chuyện được đâu”. Trong khi đó, quân nổi dậy với súng AK, rốc-két chống tăng và chống máy bay cùng một số xe tăng cướp được cương quyết chống trả đến cùng. Do tình hình hỗn loạn nên đến nay vẫn chưa xác định rõ số thương vong của cả hai bên.


Thi thể một tay súng nổi dậy sau đợt giao tranh tại  Ras Lanuf - Ảnh: AFP

Đang gặp khó khăn ở miền tây nhưng phe nổi dậy tiếp tục giành thêm một chiến thắng quan trọng ở miền đông khi chiếm được thành phố dầu mỏ Ras Lanuf nằm bên bờ Địa Trung Hải, theo Reuters. Cùng với Zawiyah và Brega, vốn đã lọt vào tay phe nổi dậy, Ras Lanuf là điểm tập kết quan trọng của ngành dầu khí Libya với một nhà máy lọc dầu lớn và 2 đường ống chiến lược. Ngoài ra, những người chống đối cũng hội quân sẵn sàng tiến về thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và đang được lực lượng ủng hộ ông bảo vệ kỹ lưỡng.

Trong khi đó, AFP dẫn lời một bác sĩ tại thành phố miền đông Bengazi, đại bản doanh của phe nổi dậy, cho hay từ 32-34 người đã thiệt mạng trong 2 vụ nổ chưa rõ nguyên nhân ở một kho vũ khí tối 4.3. Nhiều người nghi ngờ biệt kích của quân chính phủ đứng sau vụ này.

Giới quan sát đánh giá nếu không có đột biến, chẳng hạn như sự can thiệp từ bên ngoài, tình thế giằng co sẽ còn kéo dài, thậm chí là vài tháng vì không phe nào đủ lực giải quyết dứt điểm đối phương. Điều này gây quan ngại rằng Libya sẽ sớm bị đẩy vào một cuộc nội chiến toàn diện. Tờ Financial Times hôm qua dẫn lời giới giao dịch cho hay bất chấp các lệnh cấm vận của quốc tế, lợi nhuận từ xuất khẩu dầu thô vẫn “len lỏi” về đến Ngân hàng Trung ương Libya, tạo nền tảng tài chính cho chính quyền Tripoli tiếp tục chống trả.

Trong một diễn biến khác, tờ Telegraph đưa tin một đơn vị bộ binh gồm 600 quân của Anh vừa trở về từ Afghanistan đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới Libya trong vòng 24 tiếng nếu có lệnh. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định lực lượng này chỉ được chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch nhân đạo khi cần thiết chứ không tham chiến. AFP thì dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé hôm qua tuyên bố nước này đang tích cực làm việc cùng Anh để thuyết phục HĐBA LHQ phê chuẩn việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya.

Nước cờ của Mỹ

Bên cạnh Libya, làn sóng chống đối chính phủ vẫn lan rộng tại các nước khác, đe dọa nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ như Yemen, Oman, Bahrain và thậm chí là Ả Rập Xê Út. Ai Cập, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, bắt đầu có dấu hiệu muốn thay đổi luôn bản chất quan hệ 2 nước sau khi ông Mubarak bị lật đổ. Trả lời phỏng vấn của tờ Le Quotidien (Tunisia), Ngoại trưởng Ai Cập tuyên bố: “Quan hệ Ai Cập - Mỹ chưa bao giờ ổn định. Trong tương lai, Ai Cập sẽ có một tổng thống dân cử thật sự và tôi cho rằng khi đó, quan hệ 2 nước sẽ bình đẳng hơn”. Theo tờ Wall Street Journal hôm qua, trước tình hình này, Washington đang tính đến chuyện giúp duy trì các chính phủ tỏ ra sẵn sàng cải cách. Điều này có nghĩa là yêu cầu thay đổi toàn diện và nhanh chóng của người biểu tình ở một số nước có thể sẽ không được đáp ứng.

 Lê Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.