Niềm vui tháng ba

05/03/2011 14:24 GMT+7

Ở một không gian nhỏ bé tại TP.HCM có 7 người phụ nữ mê vẽ, họ góp tranh lại làm thành một cuộc triển lãm mang tên Niềm vui tháng ba treo ở gallery Phương Mai (129B Lê Thánh Tôn, Q.1) như một món quà chào đón ngày vui 8.3 của những người cùng giới.

Có lẽ vì triển lãm mang tên “Niềm vui” nên hầu hết tranh của họ đều ánh lên những nét tươi tắn, sinh động. Nữ họa sĩ lão làng Nguyễn Thị Tâm luôn chứng tỏ nội lực và sức sáng tạo dù đã ở tuổi 75. Bà vốn “chuyên trị” tranh lụa nhưng khoảng mười năm nay đã chuyển sang vẽ sơn dầu. Những bức tranh của bà vẫn mượt mà, đằm thắm tỉ mẩn và công phu (Bốn mùa hoa nở, Đông Tây gặp gỡ, Nhậu, Hoa hồng môn, Cánh đồng vàng…). Ngược lại, nữ họa sĩ gốc Bến Tre Cao Thị Được lại có những nét vẽ rất phóng khoáng, đặc biệt là hình tượng người thiếu nữ trong tranh của chị đầy gợi cảm, thăng hoa (Khỏa thân, Thiếu nữ và hoa hồng, Thiếu nữ và hoa quỳnh…). Nữ họa sĩ Đặng Thị Dương lại thích vẽ hoa với những màu sắc rực rỡ, tươi tắn (Hoa gạo, hoa mãn đình hồng, Hoa thiên điểu, Thiếu nữ và hoa…), những bức tranh khỏa thân của chị cũng mang nhiều sự ẩn dụ (Mùa lá rụng, Đêm trăng…).

 
Nhậu (tranh Nguyễn Thị Tâm)  

Cả ba nữ họa sĩ vừa kể đều đã và đang là giảng viên ở trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, thế hệ học trò của họ cũng góp mặt trong triển lãm này, đó là Thu Hương và Hứa Diệu Nữ (trẻ nhất, sinh năm 1981). Có thể nói tranh của Thu Hương rực rỡ, tươi tắn nhất trong nhóm. Bằng những nét cọ đầy nữ tính, Thu Hương đã đưa người xem vào một không gian thật êm đềm (Hoa huệ đỏ, Xóm vạn chài, Mai xưa, vườn quê...). Còn họa sĩ gốc Hoa Hứa Diệu Nữ tuy tốt nghiệp khoa sơn mài nhưng cũng đóng góp khá nhiều tranh sơn dầu vào cuộc chơi. Tranh của Hứa Diệu Nữ đa phần lấy gam màu xanh tím làm màu chủ đạo và những đường nét, hình khối khỏe khoắn, phóng khoáng (Đà Lạt tháng 12.2010, Đêm Phước Hải, Mơ hoa, Vào xuân, Phong cảnh Đà Lạt…).

Hai nữ họa sĩ còn lại, tuy không học vẽ chính quy nhưng mỗi người vẫn tạo được cho mình một phong cách riêng. Nếu hơn mười năm trước Minh Nguyệt chuyên vẽ bằng cách trét sơn lên phông nền, sau đó mới cạo sơn tạo thành hình vẽ trên phông thì nay những bông hoa hồng đủ màu xanh, đỏ, trắng, vàng… mang tên Yêu 1, 2, 3, 4… của cô đã có được chiều sâu đủ sức lay động hồn người. Cuối cùng là Bạch Lan, tranh của chị là một nỗi ám ảnh đầy sương khói mang tên “hương” - hương là phần hồn, là tinh túy của sự vật cho nên chị nhân cách hóa cái phần hồn trừu tượng này bằng hình tượng những nàng thiếu nữ khỏa thân với khóe môi trễ xuống gợi cảm, với bộ ngực thanh tân đầy liêu trai, bí ẩn (Hương hoa, Hương lan, Hương sen, Hương mơ, Hương trăng, Hương yêu…).

Triển lãm diễn ra từ ngày 2 đến 9.3.2011.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.