Cẩn thận khi dùng cóc chữa bệnh

05/03/2011 17:13 GMT+7

Dân gian thường dùng cóc chữa cam tích (bụng to), suy dinh dưỡng ở trẻ con, cũng như dùng cóc làm thực phẩm chế biến món ăn. Nhưng nhà chuyên môn lưu ý một số nguy hiểm chết người từ cóc.

Hết sức cẩn trọng

Bạn đọc Lê Hoàng ở tỉnh Bình Thuận viết thư hỏi: “Có nhiều người nói thịt cóc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhưng lưu ý là khi làm thịt cóc nhớ bỏ hết bộ lòng và đừng để dập mật. Tuy nhiên, có những người khác đi tìm mật cóc (da đen hoặc da vàng), nuốt mật cóc để chữa bệnh viêm bao tử. Nhiều người đã chữa khỏi theo cách này. Như vậy, thành phần nào của con cóc được coi là độc? Vì sao mật cóc lại chữa được viêm bao tử?...”.

Về vấn đề này, lương y Phạm Như Tá cho biết, trong dân gian cũng như trong một số công trình nghiên cứu chữa bệnh của các danh y từ lâu, cóc đã được dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa bệnh. Chủ trị kinh can, lở nhọt, trị kinh phong ở trẻ em, trị hen suyễn, suy dinh dưỡng, cam tích. Một số tác giả cũng nói về tác dụng chữa bệnh của cóc qua các tài liệu cổ như: Bản thảo kinh sơ, sách Yên quyền đời Đường; sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân để minh chứng cho việc cóc làm thuốc chữa bệnh đã được dùng từ cổ xưa.

Lương y Phạm Như Tá cũng nói rằng: “Các bậc cao minh trong giới Đông y đều có hướng dẫn rất cẩn thận về việc dùng cóc chữa bệnh. Nhưng, các sách y học cổ truyền và một số bài thuốc cụ thể có liên quan đến việc dùng cóc thì chưa thấy có bài nào nói về việc ăn gan, mật cóc sống để chữa bệnh. Và cũng không có tư liệu nào nói mật cóc chữa viêm bao tử, nếu có chăng đó là kinh nghiệm của cá nhân mà thôi”.


Ảnh tư liệu của lương y Như Tá

Không ăn cóc sống và gan, mật, da, trứng...

Trong nước, có những tác giả cũng đề cập đến một vị thuốc tên là “thiềm thừ”, tên gọi khác là cóc. Các tác giả đã chỉ rõ bộ phận dùng, tính chất, tác dụng, liều dùng và giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh có thiềm thừ. Bộ phận dùng là thịt và xương. Dùng cóc da vàng hoặc hơi đen có đốm trắng ở giữa đầu hoặc có chữ bát ở giữa bụng, nặng trên 50g. Không được dùng loại cóc mắt đỏ hoặc có hai dọc xanh ở hai bên bụng, đó là loại cóc độc, ăn có khi chết người. Các tác giả cũng chỉ rõ, trẻ con không có cam tích, và đang bị tiêu chảy sơ phát thì không nên dùng. Nọc độc cóc ở da và gan, nếu ai ăn phải thì chết người. Khi mổ cóc phải bỏ hết da và ngũ tạng.

Còn trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi có ghi, vị thuốc nhựa cóc, còn có tên là thiềm tô, ngoài thiềm tô, con cóc còn cho ta thịt dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm ở trẻ em. Và tác giả chỉ rõ: vị thuốc có độc. Nhựa cóc thuộc loại thuốc độc bảng A. Cần chú ý khi dùng phải cẩn thận. Về chế biến thịt cóc làm thuốc, tác giả chỉ dẫn: chọn những con cóc to, cóc da đen hay da vàng đều được. Tránh dùng loại cóc mắt đỏ. Dùng dao thật sắc chặt đầu ở phía dưới hai u to trên đầu mà bỏ đi. Khía dọc xương sống và lột bỏ hết da, bỏ hết ruột, gan, phổi và nhất là trứng cóc. Trong khi chế biến cần tránh không để cho nhựa cóc dính vào thịt.

“Tuyệt đối không ăn cóc sống và gan, mật, da, trứng cóc để chữa bệnh. Cóc sống, gan, mật cóc là những thực phẩm độc, nguy hiểm đến sức khỏe”, đó là khuyến cáo của ngành y tế trong nước nhiều lần.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.