Bảo vệ người tiêu dùng

05/03/2011 00:44 GMT+7

Quảng cáo sản phẩm thị trường trên truyền hình là một hoạt động bình thường. Nhưng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, thậm chí quảng cáo “láo” về chất lượng và công dụng của sản phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng để bán được hàng, là quảng cáo “bất thường”.

Tâm lý người tiêu dùng ở nước ta hiện nay là dễ tin vào quảng cáo, nhất là quảng cáo trên truyền hình. Bởi nhiều người tiêu dùng, nhất là ở miền Bắc, vẫn coi các kênh truyền hình là phương tiện chính thống của nhà nước đưa các thông tin về cho nhân dân, kể cả những thông tin quảng cáo.

Nắm được tâm lý này, nhiều công ty kinh doanh, nhất là những công ty chuyên nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, trong đó đặc biệt là thực phẩm chức năng dưới dạng thuốc, mỹ phẩm và đồ trang sức từ nước ngoài, đã “lập lờ đánh lận con đen” khi khai thông tin một đằng mà quảng cáo trên truyền hình một nẻo, chỉ với mục đích lừa khách hàng bán được hàng.

Quảng cáo cho hấp dẫn cho mùi mẫn thật ra không có gì khó, và chiến thuật “nước chảy đá mòn” trong quảng cáo cũng là một chiến thuật đã cũ, nhưng hiệu quả vẫn rất cao. Chỉ có điều, khi quảng cáo một đằng mà chất lượng hay công dụng của mặt hàng lại một nẻo thì không những người tiêu dùng bị lừa, mà nhiều khi còn “tiền mất tật mang”, nhất là với những mặt hàng thực phẩm chức năng hay tân dược.

Kiểu quảng cáo “nói quá lên” không hề mới mẻ với cả thế giới, nhưng vấn đề là giới hạn của việc “nói quá” tới đâu là được phép, mà tới đâu thì tuyệt đối không được phép. Không thể “một tấc đến giời” trong quảng cáo, mặc người tiêu dùng muốn hiểu sao thì hiểu, miễn bán được hàng. Ở bất cứ quốc gia nào, pháp luật về quảng cáo cũng hết sức nghiêm khắc về “đạo đức quảng cáo”, và có những chế tài cụ thể khi đối tượng quảng cáo vi phạm, nhất là khi sự vi phạm ấy mang lại tác hại cho sức khỏe, cho đời sống, cho kinh tế của người tiêu dùng. Bảo vệ người tiêu dùng, đầu tiên là phải bảo vệ họ khỏi những kiểu quảng cáo lừa dối, đặc biệt là quảng cáo trên truyền hình. Vì ai cũng biết tác dụng lan tỏa của quảng cáo trên truyền hình là thế nào!

Và muốn bảo vệ người tiêu dùng khỏi những quảng cáo lừa dối, thì đầu tiên là phải có quy chế nghiêm ngặt về quảng cáo trên truyền hình, có những chế tài nghiêm khắc. Phải ngăn chặn từ gốc như thế mới bảo đảm được những quảng cáo trên các kênh truyền hình là “quảng cáo sạch”. “Sạch” đây là về đạo đức quảng cáo, về sự tôn trọng sự thật và tôn trọng người tiêu dùng trong quảng cáo.

Hiện nay với sự xuất hiện rất nhiều kênh truyền hình thương mại, cũng như những thời lượng phát sóng được “ủy nhiệm” của những kênh truyền hình chính thống, nên mật độ quảng cáo trên truyền hình là dày đặc. Làm sao để thanh lọc và “làm sạch” các nội dung quảng cáo trên truyền hình là việc cấp thiết và cẩn trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.