Cô bé tìm cha

04/03/2011 15:31 GMT+7

Tàu từ đảo Lý Sơn cập đất liền, cô trò nhỏ tiếp tục những bước chân không mệt mỏi trong hành trình tìm cha. Cha của em - thuyền trưởng Lê Minh Tân - một trong 6 ngư dân bị mất tích tại quần đảo Hoàng Sa hơn 2 tháng qua.

Tìm nơi chân trời góc bể

Từ đảo Lý Sơn vào đất liền chỉ hết 60 phút ngồi tàu, nhưng Lê Thị Thanh Thanh tỏ ra bồn chồn khó tả. Biển trong những ngày đầu năm mù mịt sương giăng. Tiếng hụ của còi tàu cập bến át tiếng khóc tấm tức của hai mẹ con.

 
Những người vợ ngư dân trên đảo Lý Sơn mong ngóng người thân - Ảnh: L.V.C

Thanh Thanh hiện là Liên đội trưởng, lớp phó học tập của lớp 10 B1, trường THPT Lý Sơn. Suốt 10 năm liền cô bé liên tục là học sinh xuất sắc, giải nhì môn Toán toàn trường năm 2010. Từ ngày bặt tin cha, cô cố đánh vật với những con chữ, con số, nhưng sao khó quá. “Cha con căn dặn cố gắng học để vào Đại học Sư phạm như anh con, nhưng giờ không biết có thể học tiếp được nữa hay không ?” - Thanh nghẹn ngào.

Hai mẹ con từng ngày ngóng tin chồng, tin cha. Mỗi khi có tàu cá từ Hoàng Sa điện về, Thanh đều ngóng xem có tin về chiếc thuyền của cha mình cùng 5 ngư dân nhổ neo từ ngày 22-12-2010 hay không. Mới đây, hay tin ngư dân ở Hội An tỉnh Quảng Nam vớt được một xác người đàn ông trôi dạt không thể nhận dạng nên Thanh cùng mẹ tất tả lên đường.

Trong hành lý của hai mẹ con có tấm ảnh cả gia đình chụp trong ngày Tết năm trước cùng chứng minh nhân dân của cha. Ước ao người cha sẽ trở về nên cô bé không bao giờ muốn tin rằng, người sắp được nhận dạng là cha mình. Thế nhưng, ý nguyện của mẹ: “Nếu cha chết thì cũng phải được chôn cất tử tế tại đảo Lý Sơn để hồn phách khỏi phiêu lạc” khiến Thanh Thanh hứa sẽ đi tìm cha, dù nơi chân trời góc bể.

Tần tảo nuôi con khôn lớn


Thanh Thanh và mẹ vào đất liền mòn mỏi tìm cha - Ảnh: L.V.C

Cha Thanh Thanh, thuyền trưởng Lê Minh Tân là một ngư dân cần cù, can đảm. Người thuyền trưởng này luôn phải đối mặt cái chết trong suốt cuộc đời mưu sinh với biển. Tổng cộng, ông đã 4 lần thoát khỏi những cái chết cầm chắc trên biển. Gần đây nhất là trong cơn bão đầu năm 2008, tại đảo Bom Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lần đó, chiếc thuyền nhỏ không kịp chạy vào bờ tránh bão, nên bị sóng đập tơi tả. Cả gia đình trong đất liền khóc hết nước mắt vì tin dữ từ ngoài khơi chuyển về. Nhưng rồi, thần may mắn đã mỉm cười với ông, khi các ngư dân ôm được chiếc máy Icom và bình ắc quy nhảy lên một hòn đảo ngầm gọi tàu cá đến cứu.

Trở về với hai bàn tay trắng, người cha của Thanh tiếp tục vùng vẫy với biển khơi để kiếm vốn mua con thuyền nhỏ khác ra biển mưu sinh. Ba bốn lần đối diện tử thần, nếu là người khác có khi sẽ giã từ luôn nghề biển. Nhưng ông phải nuôi con khôn lớn.

Sau chuyến đi tìm cha và trở về, Thanh Thanh lại cùng mẹ bòn mót những rổ rau câu để bán kiếm tiền lo bữa ăn cho gia đình. Thầy giáo Lê Đình Quốc đến thăm, lo lắng về tương lai của cô học trò: “Nếu gia đình khó khăn thì chắc Thanh khó lòng tiếp tục theo học. Thanh là một học trò xuất sắc, nếu nghỉ học thì thật tiếc”.

Gạt nước mắt, Thanh Thanh viết một lá thư gởi đến bạn bè. Những nét chữ tròn trịa thỉnh thoảng lại nhòa đi vì nước mắt. Lá thư này được đăng trên website lyson.org. Những lời tâm sự của em nói lên điều khát khao: “em muốn được tiếp tục đến trường”.

Chia tay, Thanh tâm sự: “Mai mốt, nếu nghe tin gì liên quan tới cha, em sẽ tiếp tục vào đất liền để đưa cha trở về”.

Nỗi đau tột cùng của tôi

Chào tất cả mọi người!

Khi tôi viết lá thư này cũng là lúc tôi đã hứng chịu một nỗi đau không thể nào lành lại được.

Ba tôi là Lê Minh Tân -50 tuổi. Trong cuộc sống hằng ngày, ba tôi là một người ba tốt, người chồng hiền, một người hàng xóm thân thiện của mọi người. Trong suốt mười mấy năm qua tôi đã sống vui vẻ và hạnh phúc trong vòng tay của ba và mẹ. Tôi có ngờ đâu, năm tôi 16 tuổi là năm ba tôi sẽ lìa xa tôi.

Ngày 15-11 âm lịch ba cùng tàu cá QNg 66192 TS ra đi hành nghề trên biển. Tôi có biết đâu, lần ra đi ấy là lần ra đi mãi mãi của ba tôi. Và ba cũng đã mang theo những gì tốt đẹp nhất mà suốt mười mấy năm qua tôi đã có được.

Ba ra đi, cùng tất cả tài sản của gia đình tôi - đó là tàu cá mưu sinh, Ba đi ba mang tất cả ước mơ, nghị lực sống và niềm tin phấn đấu của tôi. Ba ơi ! Ba đi rồi, con và anh hai sẽ ra sao hả Ba? Anh trai tôi là sinh viên năm cuối trường Đại học ngân hàng Quy Nhơn. Tôi và anh trai tôi giờ không biết tương lai của mình sẽ ra sao nữa, vì không có điều kiện để tiếp tục học.

Có nhiều lúc anh tôi muốn bỏ học để về với quê nhà. Nhưng anh tôi vẫn cố. Tôi không biết cố gắng đó sẽ được bao lâu. Còn tôi, tôi vẫn đi học trên con đường quen thuộc. Tôi nhìn về phía biển, tim tôi lại đau, tôi lại nhớ ba tôi, nước mắt lại rơi. Lòng tôi giờ đã bị xé ra hàng trăm mảnh nhỏ, vì tôi chưa bao giờ chịu đựng một nỗi đau như thế này và tôi cũng quá đau để chấp nhận thực tế. Ước gì ba tôi được trở về thì hay biết mấy, nhưng đó chỉ là giấc mơ.

Tôi vẫn học nhưng không đủ nghị lực để học nữa rồi. Tôi rất đau và rất buồn khi nhìn mẹ xỉu trong tiếng nấc, anh tôi bỏ học vì nhớ ba nhớ mẹ. Tôi sợ lắm, sợ mình sẽ không bước tiếp trên con đường tương lai được nữa. Tôi và gia đình tôi đang rất cần sự thông cảm và giúp đỡ của mọi người đặc biệt là các chú, các cô nhà báo.

Tôi mong mọi người sẽ hiểu và giúp đỡ để tôi, anh tôi được đi học được thực hiện ước mơ của mình, còn gia đình tôi sẽ vượt qua nỗi đau này để mọi việc trở lại như xưa, như những ngày ba tôi còn sống.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.