Vì sao bệnh nhẹ cũng lên thành phố?

03/03/2011 08:20 GMT+7

Tôi từ TP.HCM lên một tỉnh thuộc Tây Nguyên thăm người chị gái, thấy đứa con 19 tháng tuổi của chị đang bệnh.

Bé bị lở loét hết mồm miệng, không ăn uống được. Tôi ngạc nhiên thấy chị vẫn để con ở nhà, chẳng cho uống thuốc gì thì chị nói đã đưa bé khám bác sĩ, uống 2 toa thuốc rồi không đỡ. Thấy toa thuốc toàn kháng sinh liều cao, sợ tác dụng phụ nên chị ngừng, chỉ hái cỏ mực về giã lấy nước cho con uống. Ở đây chỉ có duy nhất một bệnh viện, nên có muốn khám ở bệnh viện khác cũng không được. Tôi lo để bé ở nhà lâu nhỡ có chuyện không hay nên bảo chị đưa gấp lên TP.HCM. Dù sốt ruột muốn đi ngay nhưng đến 7 giờ tối xe đò mới khởi hành. Từ đó về TP.HCM mất 12 tiếng, sau đó chúng tôi đến thẳng Bệnh viện Nhi đồng. Bác sĩ khám và kết luận bé bị thiếu chất, kê toa mấy loại vitamin và thuốc bôi. Về vừa uống vừa bôi được 2 ngày, bé đỡ hẳn, đến ngày thứ 3 bé ăn được cháo bình thường.

Tôi đã gặp nhiều người ở các tỉnh vượt hàng trăm cây số lên bệnh viện thành phố, đôi khi chỉ để chữa những bệnh hết sức thông thường. Tôi nhớ mãi lần một chị lặn lội từ miền Tây đưa con lên BV Răng Hàm Mặt trám răng. Bệnh viện rất đông, ngồi chờ đến lượt chị cứ thắc thỏm lo không kịp đón xe về. Bác sĩ bảo chị lần sau cứ yên tâm làm răng dưới đấy, không cần lên tận đây. Chắc không phải vô cớ mà chị thiếu tin tưởng bác sĩ quê nhà.

Người ngoại tỉnh mỗi lần lên thành phố khám bệnh là cả một vấn đề, không chỉ vất vả, tốn kém tiền bạc, thời gian mà còn nhiều rủi ro khó lường trước, chẳng hạn chuyện xe cộ, lừa đảo. Với bệnh nặng thì khoảng thời gian di chuyển rất dài có thể dẫn đến tai biến khôn lường. Mà bệnh nặng phải lên thành phố đã đành, bệnh nhẹ cũng lên trách sao bệnh viện tuyến trên luôn quá tải.

Làm thế nào để các bệnh viện tuyến trên được giảm tải đồng thời giúp người dân nơi xa xôi đỡ gánh nặng nếu chẳng may bị bệnh tật? Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của các bệnh viện mà còn là của Bộ Y tế.

Thu Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.