Sửa thuế thu nhập cá nhân

03/03/2011 23:18 GMT+7

Nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lên 8 lần lương tối thiểu vùng; điều chỉnh mức bậc tính thuế từ 5% xuống 1%- 2%... Những phương án của Bộ Tài chính đưa ra nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN đang được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để sửa được, sớm nhất cũng phải trong năm 2012 sau khi Quốc hội họp bàn và thông qua.

Nâng mức khởi điểm tính thuế

Theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính hướng điều chỉnh về mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh... sẽ được căn cứ theo mức lương tối thiểu, hoặc có thể hạ bậc tính thuế xuống thấp hơn. Trong phương án tính toán thứ nhất, mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng hiện đang áp dụng có thể sẽ tăng lên dựa theo mức lương tối thiểu của 4 khu vực. Mức khởi điểm chịu thuế có thể bằng khoảng 8 lần mức lương tối thiểu từng vùng.

Nếu tính theo phương án này, chuẩn theo Nghị định số 108/2010/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu từng vùng, trong đó vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu) 1.350.000 đồng/tháng, vùng 2 (Bắc Giang, Bắc Ninh, Huế...) 1.200.000 đồng/tháng, vùng 3 (các huyện thuộc tỉnh, thành phố) 1.050.000 đồng/tháng, vùng 4 là 830.000 đồng/tháng mức khởi điểm tính thuế gấp 8 lần lương tương đương mức khởi điểm 10,8 triệu - 9,6 triệu - 8,4 triệu - 6,64 triệu.

 


Làm thủ tục khai thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: D.Đ.M

Bên cạnh việc tăng mức khởi điểm chịu thuế, Bộ Tài chính cũng dự định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, thay  vì quy định mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng, nay sẽ tăng lên gấp 3 lần lương tối thiểu. Áp vào mức lương tối thiểu, mức cao nhất vùng 1 sẽ khoảng 4 triệu đồng/người và mức thấp nhất thuộc vùng 4 gần 2,4 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, nhận định về các phương án trên, một chuyên gia cũng cho rằng, cũng có một bộ phận rất đông lao động, nhân viên làm việc tại các DN nước ngoài. Mức lương của khu vực này cao hơn so với khu vực trong nước, nên Bộ Tài chính có thể xem xét dựa vào mức lương của khu vực này, hoặc lấy bình quân của 2 khu vực để hỗ trợ người nộp thuế.

Tuy nhiên, quan chức trên cho hay, việc chọn mức lương tối thiểu của khu vực sản xuất trong nước vì hiện tại có nhiều mức lương tối thiểu của các khu vực như hành chính sự nghiệp, khu vực sản xuất trong nước, khu vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp. Chọn mức này sẽ có lợi cho người nộp thuế hơn.

Một phương án khác cũng được Bộ Tài chính dự kiến đưa vào dự thảo, điều chỉnh bậc tính thuế thấp nhất từ 5% xuống còn từ 1-2%. Hiện tại bậc tính thuế đang được đặt ở mức từ 5% đến 35%, với khoảng cách mỗi bậc là 5%. “Tất cả các phương án trên mới chỉ là đưa ra để nghiên cứu, sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ có họp bàn cụ thể với từng đơn vị cùng, kết hợp thêm với kiến nghị từ nhiều kênh để có thể tìm ra phương án hợp lý nhất” - ông nói.

Tính thuế theo hộ gia đình

Theo Bộ Tài chính, một điểm rất mới mà Bộ này đề xuất là nên tính thuế theo hộ gia đình, dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình chứ không tính thuế trên từng cá nhân có thu nhập như hiện nay. Cụ thể, tổng thu nhập của một hộ sẽ được chia bình quân cho từng người. Tổng thu nhập gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng chứng khoán, cho thuê nhà... Mỗi người đi làm được tính một suất, hai người phụ thuộc tương đương 1 suất. Sau đó lấy tổng thu nhập chia cho số suất trong gia đình. Nếu thu nhập trung bình nhỏ hơn mức khởi điểm tính thuế thì sẽ không phải nộp thuế và ngược lại. Để thuận tiện, nếu phải nộp thuế thì có thể gom về một mối, một người là vợ hoặc chồng sẽ nộp thuế. Tiền thuế sẽ được khấu trừ tại nơi chi trả thu nhập. Theo Bộ Tài chính, cách tính này hợp lý, khoa học và công bằng hơn.

Theo luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật sư Vì Dân, việc Bộ Tài chính sửa đổi là hợp lý, hợp tình. Luật thuế hiện tại không rõ ràng, khó hiểu và khó áp dụng trong thực tế. Nguyên tắc đánh thuế TNCN hoặc tính thuế lũy tiến thì lũy tiến toàn phần hoặc từng phần, nhưng Việt Nam là một quốc gia duy nhất tính thuế vừa toàn phần, vừa từng phần. Ngoài ra, theo ông Triển, để mức thuế cố định, đánh trực tiếp vào thu nhập như vậy vô cùng bất hợp lý. Mỗi lần sửa đổi một luật thuế, phải trình ra Quốc hội  mất nhiều thời gian và không phải muốn sửa là sửa được ngay trong khi đồng tiền mất giá từng ngày. Vì vậy, ông Triển kiến nghị, cần phải để quy định mềm theo lương tối thiếu về khởi điểm chịu thuế, và mức giảm trừ gia cảnh.  “Nên chăng học các nước, có phát sinh thu nhập phải chịu thuế. Ví dụ, từ 1 triệu đồng trở lên phải nộp thuế với mức tính 0,01%. Người 1 triệu đồng thì nộp 10 nghìn, người nào có 10 triệu đồng nộp 100 nghìn. Như vậy sẽ  tạo nên sự bình đẳng, mà không bị điều chỉnh thường xuyên. Người thu nhập 1 triệu phải nộp 10 nghìn cũng dễ chịu. Dễ hiểu, dễ áp dụng” - ông nói.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng, trước kia khi tính toán thuế TNCN đã có tính tới tác động của lạm phát, tuy nhiên chỉ ở mức độ thấp. Giảm bậc thuế thấp nhất từ 5% xuống 1-2% cũng là một phương án giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Bà Cúc kiến nghị, Bộ Tài chính nên có thêm những sửa đổi về mức giảm trừ người phụ thuộc hiện nay đang quy định 500.000 đồng/người lên cao hơn. Ngoài ra, nên giãn các bậc tính thuế, vì khoảng cách giữa các bậc 5% hiện nay quá dày, và người thu nhập thấp chịu thiệt thòi hơn so với người thu nhập cao.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.