Người thắp sáng đáy đại dương

03/03/2011 10:10 GMT+7

Hơn 15 năm qua, hàng chục ngàn bóng đèn do ông làm ra đã theo chân các thợ lặn thắp sáng đáy đại dương vùng biển miền Trung để dò bắt sản vật.

 

Ông Nam miêu tả lại vị trí bốn tàu cá bị nạn - Ảnh: TRÀ GIANG

 

Không những thế, hàng ngàn lượt tàu thuyền của ngư dân được an toàn nhờ ông thông báo qua máy Icom. Ông là Nguyễn Thanh Nam, 48 tuổi, biệt danh Nam “đèn biển”, ở Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

 

Độc đáo đèn biển Gành Cả

Ông dẫn chúng tôi đi tham quan nơi được gọi là xưởng cơ khí, nơi biến những “phát minh” của ông thành những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu đèn biển Gành Cả. Những thùng vỏ chai thủy tinh loại 750ml lổn nhổn, bếp than tổ ong, thùng tôn làm nồi nấu nhựa đường, sắt loại phi 6 uốn vòng tròn có tay cầm dài chừng 50cm, nung nóng để cắt vỏ chai. “Đó, thiết bị và vật liệu để chế tạo, lắp ghép đèn” - ông nói.

 

Ông bỏ nhựa đường vào nồi, bắc lên bếp, giải thích: “Trên nấu nhựa, dưới nung kìm để cắt chai”. Chờ cho kìm nóng, ông túc tắc kể: “22 tuổi, tui hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia (K). Quay về quê, bắt đầu gắn cuộc đời mình với biển khơi bằng nghề lặn. 10 năm, không nhớ bao lần lên xuống, ngang dọc vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Thời điểm những năm 1983-1993, ngư trường nhiều cá, mỗi chuyến ra khơi lãi hàng trăm triệu đồng...”.

 

"Dù không còn được bám biển nhưng tui cảm thấy vui vì mình vẫn làm ra được những thứ có ích cho ngư dân, cho những người làm nghề biển"

Ông Nguyễn Thanh Nam

Bỏ lửng câu chuyện, ông lấy gọng kìm đỏ rực từ trong bếp đưa từ từ vào miệng chai, xuống ngang vị trí cổ chai tiếp giáp với thân chai. Trong tích tắc, một tiếng kêu khô khan, đanh và gọn vang lên, cổ chai bị bẻ lìa, còn lại phần thân dài 15cm. Cọ vỏ chai xong, ông lấy miếng mút màu đen tròn được cắt sẵn vừa với lòng chai, khoét lỗ tròn ở giữa để đưa đuôi bóng đèn cùng với dây điện dài 30cm cố định vào lòng chai. Lớp ximăng dày khoảng 3cm được đổ chồng lên để tăng độ nặng, giữ lớp nhựa đường đổ trên cùng không tụt xuống... Những chiếc đèn biển xinh xắn ra đời.

Ông kể tiếp: “Những tưởng nghề lặn như cái nghiệp gắn chặt cuộc đời mình. Nhưng một tai nạn bất ngờ xảy ra đã dập tắt khát vọng bám biển của tui. Năm 1996, tui tròn 33 tuổi. Đêm đó, tháng 8, vùng biển Hoàng Sa biển êm. Tui cùng sáu bạn tàu không có đồ bảo hộ, mặc quần đùi, áo thun, đèn, xiên cá và vợt đựng quanh mình lặn sâu 35m. Vợt đầy hải sâm, bạn tàu trên thuyền kéo lên. Hai phút đầu bình thường. Bất ngờ các cơ đau nhức, choáng ngã ngửa ra phía sau, bất tỉnh. Đưa vào đến bờ thì toàn thân tê liệt”. Cơ thể ông đã không chịu nổi áp suất nước biển nên bị vỡ mạch máu và tê liệt.

 

“Chiến trường K đạn bom khốc liệt không gục ngã, về với biển thì toàn thân bị bại liệt, sống đời sống thực vật, nhìn thấy vợ khổ sở, nhiều lúc ứa nước mắt nghĩ dại thà chết đi cho nhẹ gánh. Bả đưa tui đi châm cứu, vào TP.HCM chữa trị, nay mới đi lại bình thường dù chân phải vẫn còn liệt. Tui mừng hết lớn. Vĩnh biệt nghề lặn, tui mày mò làm đèn biển. 15 năm qua, hàng chục ngàn chiếc đèn đã theo các thợ lặn của Quảng Ngãi vẫy vùng đáy đại dương, dò bắt sản vật nên cuộc sống cư dân miệt biển Gành Cả giàu có lên trông thấy.

 

Trước đây, mỗi khi lặn, ngư dân phải dùng ba cục pin lớn, dạng vỏ sắt, lấy nilông bọc lại làm đèn pin, hay bị tắt do ngâm nước lâu. Nay có đèn biển độc đáo bán với giá rẻ, chủ yếu lấy công làm lời của ông được cánh thợ lặn tin dùng, đem theo khoảng 150-200 đèn/tàu. Loại đèn này khi dùng chỉ cần nối điện từ máy nổ của tàu, có thể phát ánh sáng xuyên nước đến 4m, chủ yếu dùng lặn đêm, rất an toàn, dù có bị đứt mối nối cũng không nguy hiểm đến tính mạng.

 

Ông Nam với đèn biển Gành Cả - Ảnh: Trà Giang

 

Người dẫn đường thầm lặng

Cùng với nghề làm đèn, từ hơn hai năm nay ông Nam được tín nhiệm giao phụ trách “đài Icom” của thôn. Trong mấy năm qua, ông đã tự nguyện “dẫn đường” cho hàng trăm tàu thuyền và ngư dân an toàn khi gặp bão tố, sự cố trên biển.

 

Cứ sáng 7g-8g, tối 19g-20g, ông mở máy liên lạc với các tàu thuyền đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Nga - bảo ông “ôm rơm nặng bụng, việc nhà lo chưa xong lo chi việc thiên hạ”. Nhưng ông cười bảo: “Việc nhà tui cũng đảm đang đó chớ. Mà tui làm tất cả vì bà con ngư dân thôi”. Bà nói vậy nhưng từng trải qua tâm trạng những ngày mong ngóng, khóc chờ ông đến khô cạn nước mắt mỗi khi nghe tin bão mà ông còn ngoài khơi chưa kịp về nên hiểu việc ông làm vô cùng có ích cho người đi biển.

 

Nhiều ngư dân địa phương vẫn nhớ như in trong cơn bão Côn Sơn (bão số 1, đầu năm 2010), nếu không có ông “dẫn đường” thì không biết có bao nhiêu tàu cá bị đắm ngoài khơi, không biết bao nhiêu tính mạng đã không còn được trở về bờ. Ông kể: “Những ngày ấy thời tiết quá nguy hiểm, tui trực 24/24 giờ bên máy Icom, cơm nhà nấu đem ra, hôm thì ăn mì gói vì cả nhà cũng lo chạy bão. Nối máy được với bất cứ tàu nào là tui thông báo tọa độ, hướng bão đi, kêu gọi trú tránh...”.

Bà Nga tự hào kể: “Mấy ngày đó giọng ổng khàn đi vì phải gào lên trước máy Icom liên tục. Nhờ ổng kêu mà tàu 95247 của ông Nguyễn Thành Biên mới đến cứu được 11 ngư dân đi trên tàu của ông Trương Trí (Gành Cả) bị sóng biển đánh chìm; tàu 95339 của ông Trị vớt được bốn người của tàu ông Tẩn bị nạn...”. Nghe vợ kể, ông Nam trách yêu vợ: “Đấy, bà cũng đồng ý với tui rồi. Tui không hề “ôm rơm nặng bụng” mà!”.

 

Nhưng chợt giọng ông chùng xuống rồi như nghẹn lại: “Giá tất cả các tàu nghe tui hướng dẫn mà trú tránh thì đâu đến nỗi... Sáng đó, tui lên Icom thông báo bão Côn Sơn. Các tàu đều theo chỉ dẫn vào đảo gần đó neo đậu. Vậy mà trong cơn bão ấy có đến bốn tàu đã không nghe hướng dẫn là tàu các ông Nguyễn Văn Trung, Phạm Thơ, Trương Tài và Nguyễn Văn Tẩn ở Gành Cả với lý do đánh bắt đầy khoang, vào đảo sợ bị tịch thu nên cứ dập dềnh ở ngoài, vậy là khi bão ập đến tàu nào chịu nổi chứ”. Lần đó, sáu ngư dân của Bình Châu đi các tàu ấy đã lâm nạn. Số vớt được, nửa số nằm lại với biển khơi.

 

Sau bão Côn Sơn, ông được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì đã thông báo cho nhiều tàu thuyền những thông tin chính xác, tìm nơi neo trú an toàn. “Ngày nhận bằng khen vinh dự lắm, nhưng vẫn day dứt vì đã không cứu hết được các ngư dân” - ông nói.

 

Tại đài trực canh Icom, một bản đồ theo dõi bão và áp thấp nhiệt đới treo cao trên tường. Ông bảo: “Tui rành từng tọa độ, điểm đảo trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng phải có bản đồ để khi người thân của các chủ tàu đến hỏi, mình chỉ tàu đang ở tọa độ, điểm đảo nào họ mới tin, mới an tâm. Hôm tặng bằng khen cho tui, ông Nhi (Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) hỏi có nhu cầu, đề đạt nguyện vọng gì không, tui bảo chỉ xin lãnh đạo trang bị thêm bản đồ và máy tính xách tay. Nghe vậy, ông Nhi quả quyết sẽ cho, nhưng hơn một năm bản đồ thì đã có (nhưng người khác cho - PV) còn máy tính nghe đâu đã làm thủ tục trình lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Chẳng phải tui muốn chơi sang chi, nhưng chỉ mong có chiếc máy tính kết nối với mạng Internet, tui cập nhật thời tiết cho nhanh, cứu được nhiều tàu và nhiều bà con khi có bão, gặp sự cố trên biển thôi” - ông Nam thật thà nói.

 

Bạn đồng hành của ngư dân

Ông Phan Văn Ơn (phó ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi) nhìn nhận: “Trong những đợt thời tiết nguy hiểm trên biển, nhất là mỗi khi có bão, thông qua máy Icom do ông Nguyễn Thanh Nam ở Gành Cả (Bình Châu) phụ trách và thông báo, đã đóng góp rất lớn trong việc hướng dẫn các phương tiện đánh bắt của địa phương và các tỉnh bạn vào nơi trú tránh an toàn. Chính điều đó đã hạn chế được thiệt hại lớn về người và tài sản. Những ý kiến chỉ đạo của trung ương, địa phương về công tác phòng chống mỗi khi có bão xảy ra đã được ông Nam chuyển tải trung thực đến các chủ tàu nên hiệu quả về an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân đạt được rất cao.

Ngoài ra, các phương tiện bị nạn trên biển như máy móc hư hỏng, điện báo về ông Nam sẽ thông báo cho các tàu khác đến ứng cứu, cũng như tìm thợ sửa tại đất liền, kêu gọi ra khơi hỗ trợ các phương tiện sửa chữa. Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng được ông Nam chấp hành, hỗ trợ ban chỉ huy thường xuyên thông qua máy Icom”.

Ngư dân Phạm Cầu (ở Gành Cả, xã Bình Châu, thuyền trưởng tàu QNg 90046) cho biết: “Đợt bão số 1 năm 2010 (bão Côn Sơn), nhờ nhận thông tin về hướng di chuyển, cường độ của bão từ ông Nguyễn Thanh Nam mà chiều hôm trước dù tàu đang cách đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) hơn 60 hải lý, nhưng tui đã cho tàu chạy suốt đêm, đến 7g sáng hôm sau thì tàu vào tới đảo để neo trú. Nếu không nhận được thông tin kịp thời chạy trú bão từ ông Nam, với gió giật trên cấp 12 quét qua vùng đang đánh bắt thì tính mạng của 13 ngư dân trên tàu đã nguy hiểm rồi. Cùng với tàu của tui, đội tàu gồm bảy chiếc cũng đã được ông Nam thông báo nên kịp vào đảo trước 1g đêm, khi cơn bão Côn Sơn vừa ập tới nên đã đảm bảo an toàn phương tiện, ra khơi đánh bắt trở lại ngay sau khi bão tan”.

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.