Trường bán trú vẫy vùng trong “bão giá”

03/03/2011 19:35 GMT+7

Giá thực phẩm tăng cao khiến các trường mẫu giáo, tiểu học có bữa ăn bán trú lúng túng giữa một bên là chế độ dinh dưỡng, một bên là tiền ăn của học sinh.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều trường đã phải tăng mức thu tiền ăn, dù không tăng quá nhiều. Theo đó, trường mầm non Phúc Đồng (Q.Long Biên, Hà Nội), từ đầu năm đã tăng từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng; trường tiểu học La Thành (Q.Đống Đa, Hà Nội) đã thông báo tăng suất ăn từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/học sinh (gồm một bữa chính và một bữa phụ). Cũng đặt suất ăn công nghiệp như trường La Thành, trường tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng tăng từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng/học sinh bắt đầu từ năm học này...

Tuy nhiên, vì áp dụng từ đầu năm học hoặc đầu năm 2011 nên nhiều trường cho rằng vẫn chưa theo kịp so với mức tăng của lương thực, thực phẩm và chất đốt ở thời điểm hiện tại. Nếu tiếp tục tăng thì sẽ đẩy phụ huynh vào thế bí, nếu không tăng thì khẩu phần của các cháu bị ảnh hưởng về chất lượng.


Bữa ăn bán trú đang bị ảnh hưởng vì giá cả tăng cao - Ảnh: Bích Ngọc

Bà Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Việt Triều cho hay: tiền ăn từ năm học này của trường đã tăng lên 2.000 đồng/cháu nhưng đến thời điểm này thì mức tăng này vẫn chưa thấm vào đâu so với trượt giá, nên nhà trường cố gắng xoay xở để tiết kiệm chi phí chứ không thu thêm của phụ huynh. Một số loại bánh, sữa đậu nành, sữa chua... phục vụ bữa phụ của trẻ trước đây đặt ở bên ngoài nay nhà trường tự làm cho tiết kiệm, một phần quỹ học phí có thể sẽ được trích để hỗ trợ tiền ăn cho học sinh để bữa ăn của các cháu không thay đổi cả về lượng và chất.

Bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng trường mầm non Ba Trại (H.Ba Vì, Hà Nội), một khu vực còn nhiều khó khăn thì ngậm ngùi cho biết: “Phải cân nhắc rất kỹ, năm nay chúng tôi mới dám tăng tiền ăn của các cháu từ 5.500 lên 6.500 đồng. Với một mức thu ít như vậy trong khi giá cả đắt đỏ như hiện nay thì chúng tôi cũng khó tự tin là sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho các cháu trong mỗi bữa ăn”. Với lợi thế là một trường ở khu vực miền núi nên nhà trường khuyến khích giáo viên và học sinh tự trồng rau ngay ở trong khuôn viên nhà trường, còn trứng thì đặt mua của các gia đình phụ huynh học sinh để có một mức giá “ưu ái” nhất.

Bà Liên cũng thẳng thắn cho biết, thực đơn hàng ngày của các cháu rất nghèo nàn, chủ yếu là rau, đậu phụ hoặc trứng, rất ít thịt, cá. Còn sữa, dù biết là thực phẩm rất cần thiết đối với trẻ nhưng cũng chưa thể có trong thực đơn của nhà trường. “Chúng tôi đành động viên phụ huynh cho các con ăn thêm thực phẩm nhiều chất đạm ở nhà”, hiệu trưởng Liên nói.

Được biết, mức tiền ăn của trẻ tại các trường mầm non không đều nhau, cả trong các trường mầm non tư thục lẫn các trường công lập. Hầu hết các trường công lập đang thu 12.000 - 15.000 đồng/học sinh nhưng cũng có những trường “điểm” ở khu vực nội thành thu tới 20.000 đồng. Ngược lại, có những trường ở vùng khó khăn chỉ có thể thu 6 - 7.000 đồng cho bữa ăn của trẻ. Với mức thu này, dù khéo vun vén đến mấy cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ. Trong khi theo quy định, bữa ăn bán trú phải đảm bảo đủ 55 - 60% nhu cầu năng lượng của trẻ trong một ngày.

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình nếu nhà trường tăng tiền ăn bán trú của con em mình để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, với những gia đình có thu nhập thấp, việc tăng thêm vài nghìn đồng tiền ăn của con mỗi ngày cũng sẽ làm họ khó khăn hơn.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.