Chàng sinh viên của các giải thưởng

02/03/2011 19:27 GMT+7

Lớn lên từ vùng quê nghèo xã An Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), Nguyễn Trọng Hải - chàng sinh viên lớp 09D1 khoa Điện, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã đạt nhiều kỳ tích trong sáng tạo khoa học trẻ.

Tuy hoàn cảnh gia đình Hải rất khó khăn nhưng “máu” đam mê khoa học của cậu học trò nghèo này không vì thế mà bị cản trở. Trong 3 năm liền (2006 - 2009), Hải đã rinh về 3 giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

 
Nguyễn Trọng Hải đoạt huy chương đồng Cuộc thi - Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cụ thể năm 2006, Hải đã làm nhiều bạn bè và thầy cô ở trường phổ thông ngạc nhiên khi tuyên bố đã sáng chế thành công chiếc máy tuốt lạc dành riêng cho bố mẹ. Sáng chế này sau đó được đông bảo bà con xã An Lộc đưa vào sử dụng. Rồi Hải tiếp tục mang sáng chế đến Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 3 và rinh về giải khuyến khích. Bên cạnh đó, các đề tài đoạt giải trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc như “Bộ thí nghiệm tĩnh điện” (giải khuyến khích) và đề tài “Thiết bị đo gia tốc rơi tự do” (giải nhì) của Hải cũng được áp dụng trong thí nghiệm bộ môn Vật lý.

Những giải thưởng từ cuộc thi khoa học trên đã dẫn dắt Hải tiếp tục bước sang “sân chơi” sáng tạo khoa học trẻ quốc tế. Đề tài “Bộ thí nghiệm tĩnh điện” của Hải được chọn là một trong 10 đề tài xuất sắc gửi tham dự Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tại Nigeria. Và tháng 12.2010 vừa qua, Hải đã vinh dự nhận huy chương đồng của Cuộc thi - Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 với đề tài “Thiết bị kiểm soát chuyển động đều, chuyển động thẳng biến đổi đều và nghiệm lại Định luật II Newton”, biến từ lý thuyết đến thực hành.

Mô hình này được Hải chế tạo trong vòng 10 ngày, giữa kỳ năm nhất đại học. Thiết bị được làm từ các vật liệu cũ, giá thành rẻ và có cấu tạo đơn giản nên dễ dàng trong việc chế tạo, sử dụng ngay cả ở vùng có kinh tế khó khăn, các trường học vùng sâu, vùng xa, nông thôn nghèo, do đó khả năng ứng dụng cao. Dụng cụ đơn giản gồm: ròng rọc, giá đỡ, hai khung trượt, hai quả nặng, bốn gia trọng, dây treo, hộp chân đế và các thiết bị bộ khung như: nam châm điện, máy đo thời gian và đầu cảm biến thu phát hồng ngoại. Đề tài trên cơ bản đã ứng dụng được 98%.

Đề tài thí nghiệm vật lý của Hải đơn giản chỉ để “kiểm soát lại thiết bị kiểm soát chuyển động đều, kiểm soát thiết bị chuyển động thẳng biến đổi đều” dựa trên Định luật II Newton, theo nguyên lý: Với một chân đế (H) để giữ cân bằng cho giá đỡ (G), rồi đặt đầu cảm biến Q1, Q2 ở một vị trí trên chiếc thước minlimet (bất kỳ). Sau đó, cắm phích điện của máy đo thời gian vào nguồn điện rồi bật công tắc. Tiếp đến thử cho một quả m1 (bất kỳ) chuyển động quanh đầu cảm biến Q1, Q2 đồng thời đặt một chiếc máy đo thời gian đồng hồ 1 và 2 trên chiếc máy để kiểm soát quá trình chuyển động đều trong mỗi lần đo để tính trung bình của bất kỳ vật chuyển động nào. Trên cơ sở đó, nghiệm lại Định luật II Newton lần cuối về nguyên lý hoạt động.

Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.