Bảo vệ công dân

01/03/2011 01:00 GMT+7

Rút kinh nghiệm thời chiến tranh ở Iraq, lao động VN khi rời được Iraq về tới VN đã trong tình trạng “tả tơi” và “chạy mất dép” theo nghĩa đen, lần này cuộc hồi hương bắt buộc hơn 10 nghìn lao động VN tại Libya đã được tổ chức bài bản và chu đáo hơn. Một “Sở chỉ huy tiền phương” do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đứng đầu đã được gấp rút thành lập và đặt trụ sở tại Tunisia - nơi gần thủ đô Libya là Tripoli nhất để giải quyết mọi vấn đề phát sinh khi đưa lao động VN về nước.

Đây là một cuộc di tản hết sức khó khăn trong hoàn cảnh Libya đang có nội chiến, và không chỉ có lao động VN là những người duy nhất cần được di tản.

Không ai mong muốn có chiến tranh hay loạn lạc ở nước người, nhất là khi người lao động VN đang làm việc với số lượng lớn tại đó. Nhưng khi xuất hiện tình hình không mong muốn đến mức phải di tản, thì lại rất cần sự tổ chức chi li đến tối đa để bảo vệ tính mạng công dân của nước mình.

Những lao động VN khi đến Libya làm việc hầu hết đều đã phải vay mượn trước ở ngân hàng VN một khoản tiền để làm các thủ tục ban đầu và chi trả trong thời gian mới tới Libya. Nay, chỉ với mấy bộ quần áo và một chiếc túi xách nhỏ, họ chỉ mong được nhanh chóng nhất rời khỏi Libya. Nhiều người không kịp lãnh lương, và công ty của họ cũng chưa kịp trả lương cho họ. Về tới được đất nước, thoát nạn là mừng lắm rồi! Nhưng khi nghĩ lại làm sao để trả nợ cho ngân hàng, những lao động VN ở Libya đều cảm thấy lo lắng. Việc này, chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để liên lạc trực tiếp với các công ty có lao động VN và yêu cầu họ thanh toán nợ lương công nhân và các khoản nợ khác theo hợp đồng. Phần còn lại, các ngân hàng VN cần hỗ trợ người lao động VN bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, và các công ty môi giới lao động tại VN phải cam kết hỗ trợ công nhân để trả nợ ngân hàng, có thể bằng cách thu xếp những hợp đồng lao động mới khác tại nước ngoài để người lao động tiếp tục đi làm việc. Kiên quyết không để người lao động VN tại Libya phải “mang công mắc nợ” do hoàn cảnh khách quan ngoài ý muốn.

Việc tổ chức di tản tốt người lao động VN tại Libya sẽ khiến mọi người lao động VN tại nước ngoài vững tin là dù xảy ra những tình huống phức tạp ngoài ý muốn nào, thì Tổ quốc luôn đứng bên cạnh họ, và luôn tìm mọi biện pháp tối ưu để cứu giúp họ. Điều đó cũng sẽ khiến tất cả người lao động VN đang làm việc tại nước ngoài yên tâm hơn, nhất là ở những nước có thể xảy ra tình hình “nhạy cảm”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.