Thắt lưng buộc bụng

28/02/2011 01:12 GMT+7

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Nghị quyết “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” vừa được Chính phủ ban hành là “Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước”.

Chính sách thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu công này là vô cùng quan trọng vì nó sẽ cắt được nguồn cơn gây ra tình trạng mất cân đối kép (lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại lớn) hiện nay. Tuy nhiên, việc đưa chính sách vào cuộc sống là điều hết sức khó khăn. Do vậy, để nó có thể  trở thành hiện thực, hai vấn đề sau cần phải chú ý.

Thứ nhất, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Thử tưởng tượng một gia đình, nếu cần cắt giảm chi tiêu thì những khoản cần được nghĩ đến đầu tiên chính là phần rượu thuốc của bố và trang điểm của mẹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc cắt giảm những khoản như vậy là rất khó khăn vì bố mẹ là người có quyền lực lớn nhất trong gia đình và có vô số lý do để duy trì các khoản chi tiêu của mình.

Người bố có thể lấy lý do rằng đây là các khoản chi tiêu mang tính ngoại giao, tôi không thể mất mặt với bạn bè được nên cần phải có các khoản này trong khi bản chất là người bố đang nghiện. Người mẹ có thể lý luận rằng tôi đẹp thì làm cho ông hãnh diện chứ tôi được gì đâu. Ai cũng cần cả sao mà bỏ được!

Do tính nhạy cảm của quan hệ trong gia đình, nếu ông bố không tự nguyện bỏ rượu hay người mẹ không tự giảm bớt một vài loại mỹ phẩm đắt tiền thì việc cắt giảm dường như không thể vì hai người nể nang nhau nên chẳng ai nói ra trong khi con cái thì không dám.

Những vấn đề của một gia đình cũng tương tự như không ít cơ quan nhà nước. Mấu chốt nằm ở những người đứng đầu từng cơ quan. Chủ trương “Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu...” là hoàn toàn đúng và chỉ có thể trở thành hiện thực nếu những người cao nhất trong mỗi cơ quan là người đi đầu.

Thứ hai, hạn chế lối suy nghĩ “đây là việc làm cần thiết, nhưng một ai đó phải làm chứ không phải là tôi”. Đây là lối tư duy khá phổ biến hiện tại, nhất là khi các lợi ích đan xen lẫn nhau. Việc tăng thêm các khoản chi tiêu thì rất dễ vì ít hay nhiều ai cũng có phần, nhưng khi cắt giảm chúng thì ít ai muốn. Tâm lý, tiết kiệm thì tiết kiệm chung, một vài khoản chi tiêu nhỏ nhoi của cơ quan hay liên quan đến quyền lợi cá nhân có đáng là bao. Điều này đã có những người khác, những đơn vị khác lo rồi. Với lại mình có chi tiêu chút đỉnh ai mà kiểm tra, mà có kiểm tra thì cũng có nhiều cách để giải trình. Đây chính là một trong những lý do làm cho việc tiết giảm các khoản chi tiêu công rất khó khả thi.

Việc thắt lưng buộc bụng đối với các khoản chi tiêu công là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này cần phải bắt đầu từ trên xuống chứ không thể theo cách từ dưới lên được như quá trình xé rào dẫn đến đổi mới cách đây hơn ba thập kỷ.

Huỳnh Thế Du

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.