Nhiều thắc mắc tuyển sinh ĐH-CĐ tại Ninh Thuận

26/02/2011 17:44 GMT+7

(TNO) Hôm nay 26.2, học sinh (HS) tỉnh Ninh Thuận đã được các chuyên gia tư vấn của gần 30 trường ĐH, CĐ, TCCN giải đáp thắc mắc quanh những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, cũng như ngành nghề thí sinh (TS) quan tâm.

>> Báo Thanh Niên khai mạc chương trình "Tư vấn mùa thi"  /  Sôi nổi và thiết thực  /  Tư vấn mùa thi đến với học sinh các tỉnh

Sau TP.HCM, Ninh Thuận là điểm đến kế tiếp chương trình Tư vấn mùa thi 2011 của Báo Thanh Niên. Chương trình diễn ra tại Đài truyền hình Ninh Thuận và phát sóng trực tiếp trên toàn tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HS tiếp cận thông tin của buổi tư vấn, trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã gửi công văn yêu cầu các trường THPT trên địa bàn tỉnh bố trí cho học sinh nghỉ học để xem truyền hình trực tiếp buổi tư vấn này.

Chú ý khi làm hồ sơ đăng ký dự thi

Mở đầu buổi tư vấn, Th.S Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã nhắc nhở HS những lưu ý quan trọng trong kỳ thi năm nay: Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), các TS cần lưu ý mục số 2 và mục số 3. Nếu đăng ký NV1 vào trường có tổ chức thi thì ghi đầy đủ tên trường, mã trường, khối thi, mã ngành vào mục số 2, mục số 3 bỏ trống. Trường hợp các TS dự định xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào trường không tổ chức thi (thi nhờ) thì mục số 2 ghi tên trường dự định thi nhờ (chọn trường đúng khối xét tuyển NV1), ghi tên trường, mã trường, khối thi, không ghi mã ngành; còn mục số 3 ghi tên trường có tổ chức thi.

TS cũng phải ghi thật cẩn thận mục Đối tượng dự thi.

Bên cạnh đó, trên hồ sơ ĐKDT, các TS cố gắng ghi số điện thoại đang sử dụng để các trường liên lạc khi hồ sơ có sai sót.

Tất cả các trường đều có buổi tập trung TS trước ngày thi. Đây là ngày TS nên đến để biết địa điểm thi, phòng thi, nghe phổ biến quy chế, sửa đổi thông tin trong trường hợp có sai sót. TS cần lưu ý về quy chế thi vì nếu vi phạm, TS sẽ bị kỷ luật. Đặc biệt, TS không được mang điện thoại di động vào phòng thi vì có sử dụng hay không, TS cũng đều lập tức bị đình chỉ thi.


Đông đảo HS của tỉnh Ninh Thuận đến tham dự buổi tư vấn sáng 26.2 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

HS Đức Anh (trường THPT Tháp Chàm) thắc mắc về việc đăng ký xét tuyển NV2 như thế nào trong trường hợp TS rớt NV1.

Th.S Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Công tác Học sinh-Sinh viên, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, giải đáp: Sau khi có kết quả thi, chưa đủ điểm đạt NV1 thì TS sẽ nhận được hai giấy báo kết quả thi để nộp NV2 và NV3. TS phải chú ý theo dõi thông tin trường nào xét tuyển NV2 để nộp hồ sơ. Với ĐH không tổ chức thi, điểm xét NV2 thường từ điểm sàn. Ở nhiều trường, điểm NV2 cao hơn điểm NV1. TS nộp hồ sơ NV2 cần cân nhắc cẩn thận nhiều khía cạnh: điểm, khả năng, cơ sở vật chất, tài chính… sau khi tham khảo trên các phương tiện thông tin.

HS Lâm Phạm Anh Tùng (trường THPT Nguyễn Trãi) hỏi: Đề thi ĐH-CĐ có phần riêng (phần TS chọn 1 trong 2), nếu học ban cơ bản hoặc nâng cao thì khi đi thi ĐH, TS có được chọn đề khác khi học phổ thông không?

“Ở phần riêng của đề thi, có hai phần: phần chuẩn và phần nâng cao, các em có thể chọn bất cứ phần nào nhưng chỉ được làm một phần”, Th.S Cổ Tấn Anh Vũ giải thích.

 
HS ngồi nghe tư vấn chật kín trường quay của Đài Truyền hình Ninh Thuận - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bên cạnh đó, nhiều chế độ, chính sách ưu tiên khu vực cũng được các HS quan tâm. Với các vấn đề trên, Ban tư vấn thông tin: HS tỉnh Ninh Thuận học trong TP là ưu tiên khu vực 2; nếu học các huyện hưởng ưu tiên khu vực 2 nông thôn và khu vực 1. Vì vậy, để được hưởng các điểm ưu tiên này, HS nhớ ghi tên trường và mã trường chính xác. HS dân tộc Chăm còn được hưởng chế độ chính sách như quy định...

Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề được các bạn HS quan tâm cũng được Ban Tư vấn mùa thi tập trung giải thích.

Ngành có chính sách ưu đãi

Tiến sĩ Trần Văn Luyến, Trưởng Văn phòng đại diện tại Ninh Thuận, Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Hiện nay, cả nước có bảy trường đào tạo ngành hạt nhân (ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Bách Khoa TP.HCM, Viện Năng lượng nguyên tử VN, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội…). Bất cứ em nào học điện hạt nhân được học bổng, ra trường hệ số lương được cộng thêm 70%. TS thi bất cứ trường nào khối A có kết quả thi đạt từ 20 điểm trở lên sẽ được tuyển thẳng đi học nước ngoài như Nga, Nhật…

 
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh qua tài liệu do Ban tổ chức phát - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Với ngành sư phạm, tiến sĩ Lê Anh Duy, Trưởng ban Tuyển sinh trường ĐH Sài Gòn, phân tích: Sư phạm có nhiều trường đào tạo khác nhau. Ở TP.HCM có hai trường là ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn đào tạo các ngành sư phạm chung. Ngoài ra còn nhiều trường khác đào tạo chuyên sâu hơn. Riêng ĐH Sài Gòn có khoảng ¼ chỉ tiêu dành cho ngành sư phạm. SV ngành sư phạm không phải đóng học phí và có cơ hội được làm việc tại TP.HCM.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, TS có dị hình dị tật không được thi vào ngành sư phạm.

“Bao nhiêu điểm thì đậu ĐH?”, “Thi vào trường, ngành nào thì dễ đậu?”… là những băn khoăn mà HS tham gia buổi tư vấn liên tục đặt ra.

 
Đặt câu hỏi với Ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng: Mỗi năm, có 2 triệu TS tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Trong đó, chỉ có 30% các em đậu ĐH. Vì vậy, có một số em học giỏi nhưng nếu chọn trường cao quá thì cũng có thể rớt. HS cần thông minh chọn trường vừa phải, vừa sức mình thì cơ hội đậu sẽ cao.

Buổi chiều, các chuyên gia đã đến tư vấn tại từng lớp học (40 lớp) cho HS lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi, THPT Chu Văn An. Tại hai địa điểm trên, các trường ĐH, CĐ, TCCN cũng tổ chức gian hàng triển lãm giới thiệu về trường cho HS.

Lịch trình kế tiếp

Ngày 27.2: Đà Lạt. Chương trình Tư vấn mỗi lớp một chuyên gia tại: Trường THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt (đường Bùi Thị Xuân, P.2, TP Đà Lạt). Buổi chiều tư vấn cộng đồng và truyền hình trực tiếp tại trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt.

Ngày 5.3: tại Đắk Lắk. Chương trình Tư vấn lớp tại trường THPT Quang Trung (xã Hòa Đông, H.Krông Pắk) và trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phước An, H.Krông Pắk). Chiều cùng ngày là chương trình tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk (số 1 Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột).

Ngày 6.3: tại Gia Lai. Chương trình Tư vấn lớp tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (138 Nguyễn Chí Thanh, P.Chi Lăng, TP Pleiku) và trường THPT Phan Bội Châu (24 Hùng Vương, TP Pleiku). Buổi chiều tổ chức tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp tại Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Gia Lai (60 Hai Bà Trưng, TP Pleiku), có gian hàng triển lãm của các trường.

Cùng thời điểm này, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2011 diễn ra ở phía Bắc vào ngày 6.3 tại Thái Nguyên, 7.3 tại Quảng Ninh và 9.3 tại Nghệ An.

Ngày 8.3: tại Bình Định. Tư vấn lớp tại trường THPT Tuy Phước 1 (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định). Buổi chiều tổ chức gian hàng và tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp tại Nhà văn hóa tỉnh (2 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn).

Ngày 9.3: tại Quảng Ngãi. Tư vấn lớp tại trường THPT huyện Tư Nghĩa 1 (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Buổi chiều tổ chức gian hàng và tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh (167 Hùng Vương, TP Quảng Ngãi).

Ngày 10.3: tại Quảng Nam. Buổi sáng tư vấn cộng đồng và truyền hình trực tiếp tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thăng Bình (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam). Buổi chiều là chương trình tư vấn lớp tại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.

Ngày 11.3: tại Đà Nẵng. Buổi sáng tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp và tổ chức gian hàng tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (đường Vũ Văn Dũng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Buổi chiều là chương trình tư vấn lớp tại trường THPT Hòa Vang (101 Ông Ích Đường, Đà Nẵng).

Ngày 12.3: tại Huế. Chương trình tư vấn lớp vào buổi chiều tại trường THPT Phan Đăng Lưu (Phú Thượng, Phú Vang, TT-Huế). Sáng ngày 13.3 tổ chức tư vấn cộng đồng có truyền hình trực tiếp và tổ chức gian hàng tại Nhà văn hóa TP Huế (65 Trần Hưng Đạo).

Đăng Nguyên

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.