Nghi vấn quân đội Mỹ “thôi miên” nghị sĩ

26/02/2011 23:07 GMT+7

Một vị tướng cấp cao của Mỹ tại Afghanistan có thể sẽ gặp rắc rối khi bị cáo buộc dùng thủ đoạn "thôi miên" các chính khách nước này.

Danh sách đề cử hạng mục Phim hay nhất của giải Oscar năm nay có “siêu phẩm” Inception (từng chiếu ở Việt Nam với tựa đề Đánh cắp giấc mơ) qua sự góp mặt của ngôi sao Leonardo DiCaprio. Phim kể về một nhóm tội phạm công nghệ cao đột nhập vào tiềm thức của một đối tượng để “cấy” ý tưởng vào tâm trí người đó. Chuyện tưởng chừng như chỉ có trên màn ảnh này lại vừa gây chấn động giới chính khách và quân sự Mỹ sau bài báo của tác giả Michael Hastings đăng trên tạp chí Rolling Stone hôm 24.2.


Nghị sĩ John McCain (trái) là một trong những “nạn nhân” của tướng Caldwell (phải) - Ảnh: Flickr

Những tiết lộ của Hastings nếu đúng có thể góp phần tống tiễn một vị tướng đầy quyền lực của Mỹ tại Afghanistan. Đó là tướng 3 sao William Caldwell, người chịu trách nhiệm huấn luyện binh lính Afghanistan chống lại Taliban, một trong những ưu tiên trong chiến lược của Mỹ ở Nam Á. Bài báo nói trên dẫn lời một sĩ quan Mỹ cáo buộc tướng Caldwell ra lệnh một đơn vị tâm lý chiến tại Trại Eggers ở Kabul, có tên gọi Information operations (Các chiến dịch thông tin - viết tắt là IO), tìm cách “thao túng tâm trí” của các quan chức và nghị sĩ cao cấp đến thăm. Mục đích là nhằm “cấy” vào đầu những vị khách VIP này ý tưởng ủng hộ chuyện tăng quân và ngân sách cho chiến trường Afghanistan.

Tâm lý chiến chống người nhà

Theo định nghĩa của Bộ Quốc phòng Mỹ, tâm lý chiến là việc dùng các thủ đoạn tâm lý và phương pháp tuyên truyền để ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như hành vi của mục tiêu hay của kẻ địch. Biện pháp này chỉ được áp dụng đối với “các nhóm nước ngoài thù địch” và luật liên bang Mỹ cấm quân đội thực hiện tâm lý chiến đối với người nước này. Đồng thời, điều cơ bản mà các chuyên gia tâm lý chiến của Mỹ buộc phải học thuộc trong ngày đầu tiên là không được áp dụng với đồng bào.

Khi nhóm IO của trung tá Michael Holmes đến Afghanistan hồi tháng 11.2009, sứ mệnh của họ là đánh giá tác dụng của chiến dịch tuyên truyền đối với Taliban và người dân địa phương. Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, Holmes bắt đầu nhận được các chỉ thị từ những sĩ quan dưới quyền trung tướng Caldwell là phải chuyển sang mục tiêu mới: các nghị sĩ đến thăm Afghanistan, những người có khả năng tác động để Quốc hội Mỹ rót thêm tiền bạc và nhân lực vào cuộc chiến đang không có lối ra này.

Đầu tiên, đây chỉ là các mệnh lệnh miệng. Rolling Stone dẫn lời trung tá Holmes cho hay ông đã tham gia hơn một chục cuộc họp với chính tướng Caldwell để bàn bạc về chiến dịch tấn công vào giới nghị sĩ. Nội dung xoay quanh các câu hỏi như làm sao thu thập được thông tin cá nhân của họ, họ nhận được bao nhiêu phiếu ủng hộ; thích gì và ghét gì; những vấn đề mà họ quan tâm nhất.

Các đoàn nghị sĩ Quốc hội không xa lạ gì đối với giới tướng lĩnh ngoài mặt trận. Các nghị sĩ Mỹ thường đích thân đến những chiến trường như Iraq và Afghanistan để tạo ảnh hưởng, và ngược lại, đây cũng là dịp tướng tá nơi tiền tuyến có thể vận động giới lập pháp một cách không chính thức. Và trong trường hợp tướng Caldwell, đó là làm sao moi được càng nhiều ngân sách và binh sĩ càng tốt. “Tôi phải làm gì để “cấy” được ý đồ của mình vào đầu họ (nghị sĩ)?”, trung tá Holmes kể lại với nhà báo Hastings câu hỏi thường xuyên được tướng Caldwell đặt ra.

Chiến dịch 4 sao

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tình báo, việc yêu cầu một nhóm IO “tấn công” đầu óc các vị khách VIP cũng gây chấn động tương tự trường hợp một tổng thống Mỹ ra lệnh CIA thu thập tin tức tình báo đối với những nghị sĩ đối lập. Theo ước tính, chi phí để điều nhóm của trung tá Holmes đến Afghanistan phục vụ cho việc làm sai trái trên vào khoảng 6 triệu USD/năm. Trung tá Holmes cho biết đội của ông gọi đây là “chiến dịch 4 sao”. Chưa hài lòng với việc thao túng đầu óc nghị sĩ Mỹ, tướng Caldwell còn muốn IO thực hiện tâm lý chiến đối với các thành viên khác trong NATO, đồng thời muốn nhân rộng khả năng “đánh cắp giấc mơ” trong đội ngũ sĩ quan dưới quyền.

“Chiến dịch 4 sao” kéo dài khoảng 4 tháng vào năm 2010. Trong thời gian ngắn ngủi đó, danh sách nạn nhân đã dài dằng dặc. Theo các thành viên IO và tài liệu nội bộ do Rolling Stone thu thập được, các đối tượng nổi bật nhất có thể kể đến cựu ứng viên tổng thống John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Carl Levin, các thượng nghị sĩ Joe Lieberman, Jack Reed và Al Franken, hạ nghị sĩ Steve Israel của Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện. Thậm chí còn có “sếp lớn” của tướng Caldwell là Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mike Mullen cùng các quan chức CH Czech và Đức.

Trung tá Holmes khẳng định nhóm của ông đã cố gắng kháng cự hết mức có thể cho đến khi nhận được mệnh lệnh chính thức trên giấy tờ vào tháng 3.2010. Theo đó, IO buộc phải tiến hành chiến dịch tâm lý đối với “tất cả khách mời quan trọng”, và chỉ thị mới này phải được ưu tiên thực hiện. Theo đó, mọi biện pháp tác động tâm lý từ tỉ tê trò chuyện cho đến sử dụng những hình ảnh, âm thanh tưởng chừng như vô tình nhưng lại ẩn chứa “thông điệp” đều phải được áp dụng để đạt mục tiêu. Khi từ chối thực hiện, Holmes và nhóm IO trở thành mục tiêu trù dập của tướng Caldwell. Sau cuộc điều tra nội bộ, Holmes cùng một nhân viên dưới quyền bị khiển trách chính thức và bị thuyên chuyển công tác, theo Rolling Stone.

Vẫn chưa rõ các đòn tâm lý của tướng Caldwell có hiệu quả đến đâu, nhưng vào tháng 1.2011, Tổng tham mưu trưởng Mullen yêu cầu chính quyền Tổng thống Barack Obama chi thêm 2 tỉ USD cho việc huấn luyện 70.000 binh sĩ Afghanistan. Trong số những nghị sĩ ủng hộ mạnh mẽ chuyện chi thêm tiền cho tướng Caldwell là ông Carl Levin. Sau khi gặp viên tướng này ở Afghanistan hồi tháng 1.2010, ông Levin và nghị sĩ Al Franken bỗng thay đổi ý kiến về cuộc chiến của Mỹ. Theo báo điện tử Huffington Post, giới truyền thông đã ngỡ ngàng khi 2 nghị sĩ từng có thái độ hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch tại quốc gia Nam Á lại tuyên bố lạc quan về khả năng chiến thắng của Washington.

Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan là tướng David Petraeus hôm 25.2 khẳng định sẽ tổ chức điều tra về những cáo buộc từ Rolling Stone. Các nghị sĩ Levin và Jack Reed cũng kêu gọi nhanh chóng điều tra vụ việc. “Đây là những cáo buộc rất nghiêm trọng và cần phải được tìm hiểu kỹ càng”, ông Reed phát biểu trên đài MSNBC. Cả hai ông đều phủ nhận chuyện mình bị “thôi miên”. Giải thích cho động thái ủng hộ chuyện tăng ngân sách cho việc huấn luyện lực lượng Afghnistan, ông Levin nói: “Tôi luôn cho rằng chỉ có người Afghanistan mới có thể bảo đảm an ninh cho quốc gia của họ. Đó là niềm tin của tôi chứ không phải bị ai cấy vào đầu”.

Về phần mình, nhân vật chính của vụ việc là tướng Caldwell bác bỏ chuyện ông đã áp dụng tâm lý chiến một cách bất hợp pháp để lèo lái giới lập pháp ủng hộ cuộc chiến. Đơn vị NATO chịu trách nhiệm huấn luyện tại Afghanistan cũng khẳng định đó là chuyện đơm đặt, theo Fox News. 

Chiến dịch Ủng hộ thông tin quân sự

Chiến dịch tâm lý, hay còn gọi là tâm lý chiến, hiện đã được Mỹ đổi tên thành Chiến dịch Ủng hộ thông tin quân sự (MISO) để bớt gây cảnh giác. Dù cái tên có khác biệt, mục đích chính của nó vẫn là sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền và tâm lý để ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của đối tượng. Rolling Stone dẫn lời trung tá Michael Holmes nói: “Công việc của tôi là thao túng trí não người khác và khiến đối tượng hành xử theo cách chúng ta muốn”.

Theo tạp chí Slate, có thể hình dung MISO đơn giản qua ví dụ sau: quân Mỹ nhắm đối tượng là người nuôi gà ở Afghanistan, tìm hiểu nhu cầu của họ như thức ăn gia cầm, đối tượng khách hàng. Sau đó, các binh sĩ dùng loa phóng thanh, truyền đơn, truyền hình… và các thủ thuật “bí truyền” khác để khiến người nuôi gà “thấm” ý tưởng: không bán gà cho phiến quân.

Chiến thuật này đã được Mỹ áp dụng từ hồi Thế chiến 1 và 2, qua đến chiến tranh Triều Tiên, Guatemala, chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Bosnia và Kosovo. Hiện nay, MISO được áp dụng trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Đặc biệt, tâm lý chiến được Mỹ sử dụng triệt để trong chiến tranh Việt Nam từ tháng 8.1964, với đủ loại hình tuyên truyền từ chính thống đến bí mật, theo tài liệu của Lầu Năm Góc vào tháng 4.2005. Tuy nhiên, chiến thuật này đã thất bại hoàn toàn ở Việt Nam.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.