EU ân hận vì từng bán vũ khí cho Libya?

26/02/2011 15:50 GMT+7

Trực thăng từ Ý, súng từ Malta và công nghệ liên lạc từ Đức… được bán cho Libya từ khi lệnh cấm vận giao thương vũ khí với Libya được dỡ bỏ năm 2004 đang trở thành công cụ để Tổng thống Libya Moammar Gadhafi dùng để chống lại người dân.

 

Triển lãm vũ khí tại thủ đô Tripoli tháng 11-2010 . Ảnh: Getty

Phát ngôn viên ngoại giao của Liên minh châu u (EU), bà Catherine Ashton, xác nhận bà nhận được thông tin các nước EU mới đây tạm dừng tất cả việc buôn bán, cấp giấy phép vũ khí với Libya.

Dùng vũ khí trấn áp biểu tình

Tuy các nước thành viên EU đã dừng xuất khẩu vũ khí sang Libya khi bạo lực leo thang giữa biển người nổi dậy tại đất nước Bắc Phi, Đại tá Moammar Gadhafi đã có đủ thời gian để tích trữ súng ống. Theo một báo cáo của EU, năm 2009, các thành viên EU bán cho chính quyền Gadhafi số lượng vũ khí trị giá 344 triệu euro.

Theo báo chí Đức, giới lãnh đạo EU có thể đang ân hận vì đã cho phép xuất khẩu vũ khí sang Libya từ năm 2004 vì ông Gadhafi đang dùng chính những vũ khí đó để chống lại người dân nổi dậy. Italy liên tục bán trực thăng và nhiều loại máy bay khác cho Libya. Năm 2009, số lượng máy bay bán cho Libya trị giá khoảng 108 triệu euro. Giờ đây, những người Libya tị nạn nói rằng, họ đang bị chính những máy bay đó tấn công.

Một số nước cũng đang bị nghi chuyển vũ khí sang Libya qua nước thứ ba. Một số chuyên gia cho rằng, lực lượng an ninh Libya có thể đang sử dụng vũ khí được chuyển qua Malta để chống lại người biểu tình.

Năm 2009, quốc đảo nhỏ này cung cấp vũ khí tự động và cỡ nhỏ cho Libya với tổng giá trị 80 triệu euro. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Malta, đây là những vũ khí của Ý được chuyển qua cảng của Malta. “Chúng tôi không có nhà máy sản xuất vũ khí nào cả,” phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Malta nói.

Chặn sóng di động

Theo báo chí Đức, vấn đề xuất khẩu của nước này rất phức tạp. Sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, quan hệ thương mại về vũ khí giữa Libya và Đức nhanh chóng phục hồi. Trị giá vũ khí Đức xuất sang Libya năm 2009 là 53 triệu euro, mức cao thứ ba ở châu u. Hơn 80% số lượng đó thuộc hạng ML11 (thiết bị điện tử quân sự) của EU.

“Có vẻ như Đức không xuất khẩu hệ thống vũ khí toàn diện nào từ những năm 1980”, Mark Bromley ở Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) nói.

Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của Đức vẫn bị nhiều người chỉ trích, vì hạng ML11 gồm các thiết bị làm nhiễu âm. Những thiết bị này đang được chính quyền Gadhafi dùng để thực hiện lệnh cấm dùng điện thoại di động và mạng lưới định vị toàn cầu (GPS) nhằm ngăn chặn người biểu tình liên lạc với nhau.

Công nghệ radar mà Đức bán cho Libya để nước này bảo đảm an ninh biên giới cũng đang bị nhiều người cho rằng chúng được sử dụng vì mục đích bảo vệ quyền lực phi dân chủ.

Năm 2010, EU đồng ý cung cấp 50 triệu euro để Libya ngăn người dân châu Phi tị nạn tới châu u, nhưng thỏa thuận này cũng gồm một số cam kết đang quay lại chống EU.

“Tình thế ở Libya nói lên vấn đề rất cơ bản rằng, những tác động lâu dài của việc chuyển nhượng vũ khí đã không được tính đến”, Bernhard Moltmann công tác tại Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Frankfurt (Đức), nói.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.