Thắt chặt tín dụng và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát

25/02/2011 00:42 GMT+7

Thông điệp này vừa được Chính phủ đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành sáng 24.2, nhằm triển khai Nghị quyết về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành hôm qua cho biết: “Tình hình kinh tế thế giới hiện đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao. Trong nước, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế giá thị trường buộc phải điều chỉnh tăng; mặt khác, chúng ta phải nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng tưởng kinh tế trong thời gian qua. Tình hình trên đây đã làm cho giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Vì vậy, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay”.

Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng; thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND tỉnh, thành... tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa. Giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để bảo đảm kiềm chế lạm phát.

Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân… bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý, bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá…

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý 2 năm nay trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7 - 8% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế…

Dứt khoát không thả nổi tỷ giá, không để thị trường chợ đen chi phối tỷ giá. Chúng ta đủ công cụ pháp luật, lực lượng để làm được việc này

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011; tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng…

Đồng thời giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP. Giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các DN, nhất là vay ngắn hạn. Thực hiện rà soát nợ Chính phủ, nợ quốc gia, hạn chế nợ dự phòng, không mở rộng đối tượng phạm vi bảo lãnh của Chính phủ. Bảo đảm dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn và an toàn tài chính quốc gia.

Bộ KH-ĐT không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ 2012 cho các dự án; Kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… kiến nghị Thủ tướng các biện pháp xử lý, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả đầu tư ra nước ngoài.

Chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, trừ các dự án phòng chống, khắc phục thiên tai cấp bách.

Thúc đẩy sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Chính phủ giao Bộ Công thương, trong quý 2 ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung - cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý, gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất, nhập khẩu; Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo hiệu quả, ổn định giá lương thực trong nước, bảo đảm an ninh lương thực; Chủ động có biện pháp chống đầu cơ, nâng giá. Xây dựng kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu, phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ đạo Tập đoàn điện lực VN, các công ty thành viên có kế hoạch huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, ưu tiên bảo đảm điện cho sản xuất.

Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu; nghiên cứu tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô.

NHNN đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng; hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích nhập…

Chủ trì hội nghị hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thời gian tới Chính phủ sẽ thông qua NHNN, Bộ Tài chính để huy động, sử dụng các nguồn lực kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định. “Dứt khoát không thả nổi tỷ giá, không để thị trường chợ đen chi phối tỷ giá. Chúng ta đủ công cụ pháp luật, lực lượng để làm được việc này”, Thủ tướng quả quyết, đồng thời yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng công an, các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt ngoại hối trên địa bàn, không để tình trạng hàng hóa niêm yết bằng USD tràn lan.

Điều chỉnh giá điện, xăng dầu, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội

Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường. Trong đó, Bộ Tài chính chủ động điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 84/2009 NĐ-CP, bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hộ nghèo sau khi điều chỉnh giá điện.

Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt; Tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương, hỗ trợ các hộ nghèo, địa phương nghèo xuất khẩu lao động; cho vay học sinh, sinh viên...

Việt Nam vào nhóm nước Khởi xướng Tăng trưởng toàn cầu

Tập đoàn tài chính quốc tế Citigroup vừa giới thiệu một khái niệm mới là nhóm những nước Khởi xướng Tăng trưởng toàn cầu (Global Growth Generators-3G). Tờ Business Standard hôm qua dẫn báo cáo của 2 chuyên gia Willem Buiter và Ebrahim Rahbari cho hay đây là nhóm những quốc gia có khả năng tăng trưởng mạnh trong 4 thập niên tới, đóng vai trò kích thích nền kinh tế thế giới từ nay cho đến năm 2050. Theo đánh giá của Citigroup, 11 nước 3G hiện nay theo thứ tự chữ cái là Ai Cập, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Iraq, Mông Cổ, Nigeria, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc và Việt Nam.

Nhóm 3G được lựa chọn dựa trên 6 động lực tăng trưởng, gồm tiết kiệm/đầu tư nội địa; viễn cảnh dân số; y tế; giáo dục; chất lượng các thiết chế và chính sách; cuối cùng là tình trạng mở cửa thương mại. Trong nhóm trên, Việt Nam là nước có chỉ số 3G cao nhất, đạt 0,86 điểm, kế đến là Trung Quốc 0,81 và Ấn Độ 0,71.

Giải thích lý do lập nhóm 3G, 2 chuyên gia của Citigroup cho rằng sự phân loại hiện nay giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang trỗi dậy không còn phù hợp nữa. ông Buiter nói sự phân nhóm như BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) hay BRICS (thêm Nam Phi) của Tập đoàn Goldman Sachs không còn hữu ích cho động lực phát triển của thế giới.

Đánh giá về các biện pháp thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ của Việt Nam, Tổ chức Xếp hạng tín dụng Fitch Ratings hôm qua nhận định đây là những bước đi cần thiết, có thể giúp Việt Nam quay lại tăng trưởng hiệu quả. Dow Jones Newswires dẫn lời ông Andrew Colquhoun, phụ trách bộ phận xếp hạng quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fitch Ratings, cho hay việc tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 10%, hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Việt Nam sắp áp dụng sẽ giúp đẩy mạnh viễn cảnh tốc độ tăng trưởng cao với lạm phát thấp, ổn định được giá trị tiền đồng và củng cố các nguồn tài chính bên ngoài.

Thụy Miên

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.