Lương y kiêm từ mẫu

25/02/2011 11:59 GMT+7

Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong các bệnh viện luôn phải đối mặt với vi trùng, máu mủ, bệnh tật... và những lo lắng, căng thẳng vì áp lực công việc.

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương dạo gần đây luôn bận rộn hơn bởi sự xuất hiện trở lại của dịch cúm A/H1N1 tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Từ lâu, nơi đây đã được coi là “trung tâm” của nhiều dịch bệnh như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp... 
 
Rất ngán dịch bệnh mới
 
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, với dịch bệnh mới xuất hiện lần đầu, chưa xác định được đường lây thì không chỉ người bệnh mà nhân viên y tế cũng rất lo lắng.
 
Các bác sĩ và y tá luôn là những người đầu tiên phải tiếp xúc với các nguy cơ khi có dịch bệnh mới nổi lên và nếu có phơi nhiễm bản thân họ cũng là những người rơi vào trạng thái căng thẳng, thấp thỏm vì khó để nói chắc chắn là dịch bệnh sẽ không “điểm” tên mình. Bởi thông thường, những dịch bệnh lây qua đường hô hấp rất dễ lây lan và khó phòng tránh hơn các dịch bệnh lây qua đường khác. 

“Hồi dịch SARS xâm nhập, chúng tôi rất hoang mang, lúc đó nơi đây cũng trở thành “ổ dịch” trong mắt nhiều người. Thậm chí nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở đây còn ngại ra ngoài vì sợ bị... kỳ thị” - bác sĩ Cấp nhớ lại.
 
Tuy mỗi người đều có ý thức phòng vệ cho mình nhưng đôi khi những tai nạn nghề nghiệp bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Sức khỏe của đội ngũ thầy thuốc luôn bị đe dọa bởi nguy cơ lây truyền cao các bệnh truyền nhiễm.
 
Hạnh phúc

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chia sẻ sự xúc động khi cầm trên tay lá thư với những dòng chữ nắn nót của bé Lê Thúy An (8 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) - một trong hai cháu bé dính liền được ê-kíp phẫu thuật do ông phụ trách tách rời thành công hồi cuối năm 2003. Bé An cho biết năm nay hai chị em đã cao 1,3 m; đều nặng 22 kg và đang là học sinh lớp 3, đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Tôi vẫn còn nhớ như in những cảm giác của cuộc phẫu thuật ngày nào. Nhanh thật. Giờ các cháu đã cắp sách tới trường, hồn nhiên và đầy ước mơ như bao trẻ em khác” - GS-TS Nguyễn Thanh Liêm bộc bạch và cho biết đây là một trong những món quà vô cùng ý nghĩa đối với cuộc đời ông.
 
“Có lần, khi điều trị cho một thanh niên dương tính với HIV, bệnh nhân này đã dọa bôi máu từ vết thương vào người bác sĩ. Nhưng với sự chăm sóc tận tình, các nhân viên ở đây đã giúp bệnh nhân vượt qua khủng hoảng” - bác sĩ Cấp kể.
 
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), nói: “Trong nghề y, không ai có thể khẳng định mình cẩn thận đến mức hoàn hảo. Vậy nên, khi làm việc phải luôn tập trung cao độ vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới bệnh nhân, đôi khi là chính bản thân”.
 
Vượt qua hiểm nguy
 
Một khi đã là “lương y kiêm từ mẫu”, tất cả hiểm nguy dường như không còn là điều đáng lo ngại với nhiều nhân viên y tế. Với các y, bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Nhi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì ngoài công việc chuyên môn, họ còn kiêm luôn nhiệm vụ của những người mẹ, người bạn của bệnh nhi.
 
Điều dưỡng Đỗ Thị Biên, Khoa Khám bệnh nhi, kể: “Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ nên việc chăm sóc, điều trị cũng khó khăn hơn nhiều. Nếu bệnh nhân là người lớn, bác sĩ có thể nhắc nhở ăn uống để có sức khỏe nhưng với trẻ con thì không đơn giản như vậy. Nhiều cháu bé vốn lười ăn, khi bị bệnh lại càng lười ăn nên không đủ sức chống đỡ bệnh tật. Các bác sĩ, y tá phải động viên, gần gũi để các em bé hợp tác cùng chữa bệnh”.
 
Một bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức cho biết đôi khi các thầy thuốc còn bị căng thẳng bởi niềm tin quá lớn hoặc thái độ thiếu cảm thông, thậm chí là xúc phạm từ phía thân nhân người bệnh. Có thời điểm dịch bệnh, nhiều bác sĩ ở lại trực tại bệnh viện mấy tuần liền không về nhà. Căng thẳng, vất vả nhưng tất cả đều vượt qua bởi họ hiểu rằng sinh mạng của nhiều người đang đặt trong tay họ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.