2.000 lao động Việt Nam đã thoát khỏi Libya

25/02/2011 00:47 GMT+7

Chiều qua 24.2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã có khoảng 2.000 lao động VN rời khỏi Libya và đang tạm trú tại các nước láng giềng. Dự kiến sáng nay 25.2, chuyến bay đầu tiên sẽ về tới sân bay Nội Bài.

Sau hàng chục cuộc điện thoại bất thành, PV Thanh Niên đã liên lạc được với anh Vương Đình Đô (Thạch Thất, Hà Nội) - công nhân xây dựng, hiện đang ở ngoại ô thủ đô Tripoli. Anh Đô cho biết tình hình tại thành phố này hết sức phức tạp. Để nương tựa lẫn nhau, những ngày qua, hàng trăm lao động VN đã tập trung lại chia sẻ, động viên nhau trong lúc khó khăn.

Theo anh Đô, vì ăn uống quá thiếu thốn nên sức khỏe mọi người đang rất yếu, song điều mà các lao động lo lắng hơn cả là làm cách nào để về nước lúc này. “Nguyện vọng của chúng tôi lúc này là mong thoát khỏi Libya càng sớm càng tốt, nhưng không biết đi bằng phương tiện gì đến bến tàu để di chuyển qua Ai Cập hoặc Hy Lạp. Anh em đã tính đến phương án thà rằng chấp nhận đi bộ 400 km đến bến tàu còn hơn ngồi lại chờ chết”, anh Đô nói.

7.000 lao động trong vùng nguy hiểm

Theo tổng hợp của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), trong tổng số hơn 10.000 lao động VN đang làm việc tại Libya, có tới 7.000 người đang làm việc trong khu vực nguy hiểm - nơi đã xảy ra các cuộc biểu tình, bạo động. Cụ thể, có khoảng 2.000 lao động làm việc tại Benghazi và 5.000 người làm việc tại thành phố Tripoli.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục QLLĐNN, cho biết chỉ vài ngày sau khi xảy ra tình trạng mất ổn định tại Libya, hầu hết công trường có lao động VN đã ngừng việc. Đa số lao động VN đều làm việc trong các công trình do các nhà thầu nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hy Lạp, Đức… và đã được các chủ sử dụng yêu cầu đến các khu nhà ở để đảm bảo an toàn. Tại một số khu nhà không đảm bảo, người lao động được đưa vào nhà thờ, trường học hoặc khách sạn...

Theo ông Quỳnh, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với các bộ ngành, liên quan gấp rút triển khai các phương án đảm bảo an toàn cũng như đưa lao động về nước, trong đó ưu tiên lao động đang trong vùng nguy hiểm. Do các sân bay của Libya hiện đã ngừng các chuyến bay thương mại nên việc đưa lao động chỉ thực hiện qua đường bộ, đường biển sang Ý, Manta, Ai Cập… để từ đó đưa về VN theo đường hàng không.

 “Từ chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành liên quan đang làm mọi cách để giúp người lao động. Các trường hợp không có hộ chiếu đã được các nhân viên các lãnh sự của VN tại các nước láng giềng của Libya đón sẵn để làm giấy thông hành, các thủ tục liên quan để được nhập cảnh. Ngoài ra, chúng ta còn phối hợp với các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ để cùng đưa lao động thoát ra khỏi vùng nóng”, ông Quỳnh cho biết.

Theo Cục QLLĐNN, trong sáng qua, các đối tác sử dụng lao động VN đã đưa một đoàn 105 lao động sang Dubai để từ đó về nước. Một chuyến khác cũng đã đưa được trên 4.000 người đến biên giới Ai Cập. “Tính cho đến tối ngày hôm qua, đã có khoảng 2.000 lao động VN được đưa qua các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia…”, ông Quỳnh cho hay.

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Công ty Sona, cho biết 15 giờ chiều qua, tính theo giờ VN (tức 10 giờ sáng - giờ địa phương) 100 lao động đầu tiên của công ty làm việc theo hợp đồng với Công ty Ozattin Insaat (Thổ Nhĩ Kỳ) đã rời khỏi Libya bằng ô tô, qua đường cửa khẩu Salloum để sang Ai Cập. Đại sứ quán VN tại Ai Cập cũng đã cử đoàn cán bộ đón số lao động này để cùng Công ty Ozattin Insaat của Thổ Nhĩ Kỳ đưa họ trở về VN. Được biết, sẽ có khoảng 250 lao động cũng sẽ được sơ tán khỏi Libya bằng đường bộ sang Ai Cập. Ngày hôm qua, Công ty Sona cũng đã phối hợp với đối tác thuê 2 chuyên cơ để đưa lao động về quá cảnh qua Thái Lan.

Đại diện Công ty Vinaconexmec, doanh nghiệp có gần 4.000 lao động tại Libya, cho biết sáng nay 25.2, 176 lao động từ Benghazi về tới sân bay Nội Bài.

Thu Hằng - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.