Rất cần thẩm định kỹ dự án

24/02/2011 09:30 GMT+7

Bài viết Cần hoãn việc quyết định xây đập Xayaburi trên sông Mê Kông đăng trên Thanh Niên ngày 23.2 đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.

Tội nghiệp Mê Kông!

Con sông xinh đẹp, giàu tiềm năng Mê Kông, niềm tự hào của người dân Đông Nam Á đang bị xà xẻo, bức tử từng ngày. Hết Trung Quốc xây dựng hàng loạt con đập, nay đến Lào và còn hàng loạt các dự án thủy điện khác của các nước có dòng sông đi qua. Vấn đề là chúng ta phải tính toán, cân nhắc giữa cái lợi chung và riêng. Trung Quốc không tham gia vào Ủy ban sông Mê Kông (MRC), nhưng Lào thì có tham gia và vì thế MRC có quyền đóng góp ý kiến, thậm chí phản bác dự án này nếu lợi ích chung bị xâm hại nghiêm trọng. Trần Hữu Thuận (Tam Bình, Vĩnh Long)

Nên đề xuất ngừng hẳn

Năm 2010 vừa qua, ĐBSCL đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi sông Mê Kông đang chết dần, báo chí trong nước đã lên tiếng. Nguyên nhân khiến Mê Kông chết dần là do tình trạng xây dựng đập thủy điện quá nhiều trên thượng nguồn. Thế mà nay Lào lại xây dựng thêm một con đập với sức chứa 5 tỉ m3 thì Mê Kông không còn là “chết dần” nữa mà có khi lại “chết ngay tức thì”.

Như vậy thì đời sống của người dân ĐBSCL sẽ ra sao? Phù sa, nguồn thủy sản cạn kiệt, dòng chảy thay đổi… ấy là chưa nói đến hậu quả xấu nhất khi các đập này bị vỡ, lúc ấy, thảm họa thật khó lường. Chính vì vậy, Việt Nam cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát là không ủng hộ việc xây dựng đập Xayaburi bằng những luận cứ khoa học có tính thuyết phục cao để hoặc là ngưng hẳn việc xây dựng đập hoặc là xây dựng có tính toán khoa học để không ảnh hưởng nặng nề đến vùng hạ lưu, không giết chết Mê Kông. Trần Thị Ngọc Hằng (Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Túi nước khổng lồ

Sau khi đập Xayaburi và nhiều con đập khác trên dòng Mê Kông được xây dựng thì người dân ĐBSCL sẽ sống dưới những túi nước khổng lồ. Điều gì sẽ xảy ra khi những túi nước bị vỡ và hiện tượng domino sẽ xảy đến đối với các túi nước này? Chắc chắn lúc đó, ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước, những công trình đê điều mà chúng ta xây dựng để ngăn mặn, chống lũ… sẽ tan thành mây khói, thiệt hại không thể nào tưởng tượng được.

Dù chúng ta muốn hay không thì vì lợi ích kinh tế, các nước dọc sông Mê Kông cũng sẽ xây dựng các công trình thủy điện trên đó. Vì vậy, Việt Nam nên có một động thái nào đó để có thể kiểm soát được độ an toàn cũng như có tiếng nói để các nước điều tiết việc xả lũ, ngăn nước... nhằm tránh tình trạng lũ lớn vào mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô, cũng như tránh được hậu quả khi có sự cố xảy ra. (vietnamdl99@yahoo.com)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.