Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Nên chọn phần đề riêng ngay từ khi ôn thi

23/02/2011 09:49 GMT+7

Bên lề buổi khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT) đã trả lời phỏng vấn về đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.

Thưa ông, thí sinh sẽ có lợi gì với quy định được chọn một trong hai phần riêng trong đề thi để làm bài? Nếu làm cả hai phần riêng thì sao?

Trong các trường phổ thông hiện nay, học sinh (HS) sẽ được đăng ký học theo một trong 3 ban: Cơ bản, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn. HS theo học ban Cơ bản sẽ được học tất cả các môn theo chương trình chuẩn và tự chọn một số môn theo chương trình nâng cao; ban Khoa học tự nhiên học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh theo chương trình nâng cao (các môn còn lại theo chương trình chuẩn); ban Khoa học xã hội và nhân văn học các môn Văn, Sử, Địa theo chương trình nâng cao (các môn còn lại theo chương trình chuẩn). Chính vì vậy, đề thi phải có phần chung là phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao và phần riêng (hay phần tự chọn) được ra theo từng chương trình.

 


Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho HS, sau một vài lần điều chỉnh quy chế thi, trong các năm gần đây, Bộ GD-ĐT đều cho phép HS có quyền chọn một trong 2 phần riêng để làm trong bài thi và vấn đề này đã được dư luận xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, người ra đề phải tính toán, cân nhắc sao cho mức độ khó giữa hai phần riêng tương đương nhau để khi vào phòng thi HS sẽ khó nhận ra được phần riêng nào dễ hơn.

 

Nội dung đề thi sẽ ra theo hướng nào, đề thi tốt nghiệp THPT khác so với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở những điểm cơ bản gì,  thưa ông?

Nội dung đề thi (cả đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ) sẽ bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và được ra theo hướng tăng cường đánh giá khả năng thông hiểu, vận dụng kiến thức, tránh học tủ, học vẹt. Theo chủ trương của lãnh đạo Bộ, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ dành khoảng 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Điểm khác cơ bản giữa đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ và thi tốt nghiệp THPT là đề thi tuyển sinh có tính phân hóa cao hơn.

Trước hết các em phải tập trung ôn thi tốt, và nên xác định sớm sẽ làm bài thi theo chương trình nào để khi vào phòng thi không mất thời gian cho việc xem xét, lựa chọn
Một số sinh viên (SV) năm thứ nhất, thứ hai ở các trường ĐH, CĐ nhưng lại có nguyện vọng muốn thi lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Vậy đối tượng này phải làm thủ tục gì trước khi đăng ký dự thi?

Một số sinh viên (SV) năm thứ nhất, thứ hai ở các trường ĐH, CĐ nhưng lại có nguyện vọng muốn thi lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Vậy đối tượng này phải làm thủ tục gì trước khi đăng ký dự thi?

 

SV năm thứ nhất, thứ hai của các trường ĐH, CĐ muốn thi lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì theo quy chế hiện hành để có thể tham dự được kỳ thi, ngoài điều kiện không nằm trong diện bị cấm thi thì các SV này phải được sự đồng ý của hiệu trưởng trường ĐH, CĐ mà các em đang học. Về vấn đề này, tôi cũng có lời khuyên với các em: ngoài lựa chọn thi lại, các em vẫn có thể có lựa chọn khác tốt hơn là học hết khóa học và sau đó học thêm khoảng 2 năm để lấy bằng 2 với nghề mình mong muốn. Với lựa chọn này, thời gian không nhiều hơn phương án thi lại mà các em chắc chắn học được ngành mong muốn, hơn thế lại được hai bằng ĐH.

Ông có lời khuyên nào đối với thí sinh về việc ôn tập, làm hồ sơ đăng ký và chuẩn bị tâm thế để dự thi?

Trước hết, các em phải tập trung ôn thi tốt, và nên xác định sớm sẽ làm bài thi theo chương trình nào để khi vào phòng thi không mất thời gian cho việc xem xét, lựa chọn. Về việc chọn ngành học, các em nên chọn ngành phù hợp với khả năng của mình, chọn ngành mà mình cảm thấy có thể học được tốt nhất. Những thông tin về khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường cũng hết sức quan trọng, tuy nhiên các em lưu ý rằng sau 4, 5 năm các thông tin này có thể bị thay đổi. Như vậy, vấn đề này phải xem xét đến xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và xu hướng hiện có ở các nước phát triển cũng là thông tin tham khảo tốt. Chúc các em ôn tập tốt để có được tâm thế vững vàng bước vào kỳ thi và đạt kết quả cao nhất.

 

2 lưu ý khi lựa chọn phần riêng

Thứ nhất, theo khả năng của mình, HS chọn một trong 2 chương trình để ôn tập. Khi vào thi nên chọn phần riêng theo chương trình đã ôn tập kỹ thì mới có thể đạt được kết quả cao. Thứ hai, chỉ được làm một trong hai phần riêng, nếu làm cả hai phần riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm phần riêng.

Thí sinh đang làm phần đề riêng này nhưng lại thay đổi và chuyển sang làm đề riêng còn lại thì các em phải xóa bỏ phần riêng đã làm trước đó (theo quy chế, để xóa phần nào đó, các em phải gạch chéo phần muốn xóa, không được dùng bút xóa).

 

Tuệ Nguyễn
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.