Tìm việc tại bến xe

21/02/2011 09:42 GMT+7

Hơn 1 tuần nay, tại hai Bến xe miền Đông và miền Tây (TP.HCM) xuất hiện hai điểm giới thiệu, cung ứng lao động miễn phí.

Vừa bước xuống xe buýt, hai cô bạn Tùng và Hương (quê Tiền Giang) đã tìm đến văn phòng Tiếp sức người lao động (NLĐ) đặt trong Bến xe miền Tây. Tùng cho biết ngay sau Tết Nguyên đán, hai cô đôn đáo tìm chỗ làm mới vì đã thôi việc ở công ty cũ. Ngày 12.2, họ đến một số cơ sở môi giới lao động tư nhân ở Q.6 (TP.HCM) và phải đóng mỗi người 70 ngàn đồng dù việc chưa thấy đâu. Nghe bác xe ôm mách trong Bến xe miền Tây mới có điểm giới thiệu việc làm miễn phí, hai cô nhanh chân tìm đến. Họ “chấm” ngay mã số 11571 - tuyển công nhân may nam/nữ với mức lương từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng.

“Tay không” tìm việc

Tuy nhiên, những người cẩn thận, mang nhiều bộ hồ sơ với đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết khi đi tìm việc như Tùng và Hương không quá phổ biến. Thơ (mới tốt nghiệp ngành Kế toán trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM) vừa bỏ công vừa tốn tiền bắt xe từ Q.Tân Phú đến Bến xe miền Đông tìm việc. Đáng tiếc cô lại không mang theo đủ hồ sơ bởi dịp tết về quê mải chơi, quên chứng nhận giấy tờ.

Một cán bộ Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (YES Center) cho biết: từ ngày bắt đầu (13.2) đến 20.2, tại hai bến xe miền Đông, miền Tây và tại trụ sở YES Center (4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1), chương trình Tiếp sức NLĐ đã tư vấn cho khoảng 2.500 NLĐ, cấp giấy giới thiệu và lưu lại hồ sơ 1.200 người. Song vị này trăn trở: “Phần lớn NLĐ chưa chuẩn bị tốt hồ sơ tìm việc, thậm chí có những người chỉ đến bằng hai bàn tay không!”.

Tham gia tuyển dụng tại Bến xe miền Tây, bà Huỳnh Thị Hoàng Yến - nhân viên Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực thuộc Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu nhận xét: “Nhiều NLĐ không mang theo hoặc chuẩn bị hồ sơ sơ sài, thiếu giấy tờ này nọ, chưa đầu tư cho phần phỏng vấn tại chỗ… nên chúng tôi chưa thể chọn ngay”.

Về phía NLĐ, họ cũng có một số góp ý cho ban tổ chức. Bạn Huỳnh Thị Cánh Sinh (quê ở H.Thăng Bình, Quảng Nam) nói: “Đa số lượng thông tin tuyển dụng chỉ tập trung vào LĐ phổ thông trong khi khối hành chính, nhân sự… còn ít”. Phan (quê ở Long An) cho hay bạn cần tìm một công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin tại những quận nội thành TP.HCM nhằm có điều kiện học liên thông ĐH, nhưng hai lần Phan đến Bến xe miền Đông đều thấy có mỗi thông tin tuyển nhân viên bảo trì mạng, song phải làm việc tận… Bình Chánh!

12 ngàn đầu việc chờ NLĐ

Trao đổi với PV Thanh Niên về phản ánh của NLĐ, Phó giám đốc YES Center - ông Nguyễn Văn Sang khẳng định các đầu việc rất đa dạng. Do đó, NLĐ cần xem kỹ những bảng thông tin tuyển dụng để không bỏ sót cơ hội. Theo ông Sang, tính đến hết tuần qua, vẫn còn 12 ngàn đầu việc đang chờ NLĐ. Và chỉ tiêu tuyển dụng này không ngừng gia tăng từng ngày. “Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình này dành những ưu đãi như lương thưởng cao, chỗ trọ miễn phí… cho ứng viên. Có điều không ít NLĐ chưa chú trọng để nắm bắt những cơ hội đó”, ông Sang bày tỏ.

Ông Trần Quốc Thịnh - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực thuộc KCN Long Hậu, nhìn nhận: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại VN cũng như những doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu hút, tuyển dụng NLĐ. Tại những KCN, tình hình khan hiếm lao động cũng đang diễn ra trầm trọng, trong đó có KCN Long Hậu”. Đó là lý do KCN Long Hậu tỏ ra rất “săn đón” các ứng viên. Tham gia chương trình Tiếp sức NLĐ, KCN này đăng tuyển hơn 2 ngàn NLĐ, trong đó chiếm 70% là LĐ phổ thông, còn lại là LĐ có tay nghề và quản lý. Trong tuần đầu tiên, đã có 3 chuyến xe đưa 19 ứng viên đạt yêu cầu về hồ sơ và phỏng vấn vòng đầu từ hai bến xe nói trên về KCN và có 15 ứng viên tìm được việc làm ngay. Số còn lại được bố trí chỗ ăn, ở trong thời gian chờ doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng. 

Chương trình Tiếp sức NLĐ do YES Center phối hợp với Đoàn Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Quận đoàn Bình Tân, Quận đoàn Bình Thạnh tổ chức, kéo dài từ đầu năm 2011 đến năm 2015. Mặc dù mang ý nghĩa xã hội thiết thực nhưng sau hơn 1 tuần triển khai, chương trình vẫn chưa thật sự lan tỏa mạnh mẽ đến những người thật sự cần tìm việc. NLĐ, nhất là LĐ nông thôn còn thiếu thông tin; nhiều tài xế, đơn vị vận chuyển vẫn chưa được phổ biến về chương trình để giới thiệu cho hành khách; một số tình nguyện viên còn thiếu kinh nghiệm, chưa lăn xả tiếp cận… là những nguyên nhân chính khiến chương trình chưa phát huy hiệu quả tối đa như mong đợi.

 

Mức lương cao nhất: 15 triệu đồng/tháng

Chương trình Tiếp sức NLĐ đang tuyển hơn 3.000 công nhân ngành điện tử, lương từ 2,78 triệu - 4,8 triệu đồng; 2.200 công nhân may công nghiệp, lương từ 2,5 triệu - 4 triệu đồng/tháng; 1.800 nhân viên bảo vệ, vệ sĩ, lương từ 1,7 triệu - 4,3 triệu đồng/tháng; 1.630 công nhân sản xuất - lương gần 3 triệu đồng/tháng; 590 nhân viên phục vụ, lương 1,3 triệu - 1,8 triệu đồng/tháng+ bao cơm; 5 giám đốc kinh doanh, 5 nhân viên PR - lương thỏa thuận; 15 giáo viên mầm non, lương thử việc 2 triệu -3 triệu đồng/tháng+bao ăn… Đặc biệt, có doanh nghiệp cần tuyển gấp 10 chuyên viên đào tạo, trình độ ĐH trở lên, ngành sư phạm, có 3 năm kinh nghiệm với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Hồ sơ gây ấn tượng tốt

Hồ sơ của bạn Phạm Thị Tuyết Mai (ngụ tại số 107 ấp 1, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) được ông Nguyễn Tánh Nhựt - nhân viên tuyển dụng thuộc KCN Long Hậu tại điểm Bến xe miền Đông - đánh giá là “có chuẩn bị chu đáo, gây ấn tượng tốt”. Mai tranh thủ tiếp thị bản thân một cách súc tích nhưng khá đầy đủ về khả năng chuyên môn, kinh nghiệm cũng như bày tỏ nguyện vọng đối với công việc… Bên cạnh đó, cách cô gái này trả lời phỏng vấn (vòng sơ tuyển) cũng rất tự tin, thuyết phục.

Ban tổ chức chương trình lưu ý NLĐ nên mang theo nhiều bộ hồ sơ tìm việc, gồm: đơn xin việc; sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương); sao y bản chính hộ khẩu, CMND, văn bằng chứng nhận có liên quan; giấy khám sức khỏe; tối thiểu 2 tấm ảnh mới nhất khổ 3x4.

 Nguyễn Như

 

 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.