Báo Thanh Niên khai mạc chương trình "Tư vấn mùa thi"

21/02/2011 09:32 GMT+7

* Đề thi trong chương trình lớp 12 Sáng 20.2, Báo Thanh Niên đã khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với sự tham dự của đại diện 29 trường ĐH, CĐ và gần 2.000 học sinh THPT.

Tham gia chương trình có Bí thư T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi,  GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS Hoàng Thị Lan Phương - Phó vụ trưởng Vụ ĐH, TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT).

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông nói: “Đây là năm thứ 13 báo đồng hành cùng các thí sinh cả nước tiến tới cột mốc quan trọng trong cuộc đời con người - kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm nay, chương trình sẽ tiếp tục đến với hàng trăm nghìn thí sinh trong cả nước với nhiều thông tin bổ ích”.

Tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thí sinh 

Về thông tin mới nhất của kỳ thi tuyển sinh 2011, TS Hoàng Thị Lan Phương - Phó vụ trưởng Vụ ĐH, phát biểu: “Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì cách thức, quy chế và nội dung tuyển sinh của năm 2011 sẽ tiếp tục được thực hiện đúng như năm 2010. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét cân nhắc về việc sẽ kéo dài thời gian xét tuyển tạo thêm cơ hội cho thí sinh trong lựa chọn trường, ngành mình sẽ theo học”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Báo Thanh Niên đã chuyển tải thông tin chính xác của Bộ GD-ĐT đến HS

“Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên. Đây là một trong những chương trình tư vấn rất thiết thực, thu hút sự quan tâm đông đảo của các học sinh và phụ huynh trong cả nước. Thông qua chương trình, Báo Thanh Niên đã hỗ trợ tích cực Bộ GD-ĐT trong việc chuyển tải chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh hằng năm, góp phần đáng kể cho sự thành công chung của ngành. Tôi đề nghị các học viện, các trường ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT hợp tác chặt chẽ, tích cực, tham gia các hoạt động tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức để giúp các em HS có thể lựa chọn được ngành nghề và môi trường đào tạo phù hợp...”.

Một học sinh đến từ THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thắc mắc: “Thi vào trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) phải có trình độ tiếng Anh thế nào?”. PGS-TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Là trường ĐH công lập, tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên trường lại tổ chức giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên các em cần đạt được TOEFL tối thiểu 500 điểm khi học hoàn toàn chương trình chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chưa đạt trình độ trên mà trúng tuyển các em vẫn có thời gian để được bổ túc tiếng Anh thêm”.

Một HS của trường THPT Nguyễn Thị Diệu đặt câu hỏi: “Theo em biết thì ĐH Y Dược TP.HCM có 2 mức học phí, nếu trúng tuyển với kết quả cao thì học phí thấp và kết quả thấp thì học phí cao, có đúng không?”. PGS-TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, giải đáp ngay: “Học phí của trường hiện có 2 mức. Với diện trúng tuyển theo ngân sách nhà nước chỉ phải đóng 3,4 triệu đồng/năm học. Diện thứ hai là trúng tuyển ngoài ngân sách nhà nước đào tạo theo địa chỉ sử dụng của địa phương thì mức học phí có thể lên tới 17 - 20 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, số tiền này là do địa phương chi trả cho các em”.

Cũng liên quan vấn đề học phí, thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói thêm: “Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có 2 hệ đào tạo: sư phạm và ngoài sư phạm. Với hệ đào tạo sư phạm, nếu cam kết sau khi tốt nghiệp phục vụ cho ngành giáo dục thì sinh viên sẽ được miễn học phí. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp, trường sẽ có quyết định phân công các em về các sở GD-ĐT để được bố trí công việc. Còn với hệ ngoài sư phạm, sinh viên phải đóng học phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước”.

Đề thi không đánh đố

Tại buổi tư vấn, TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định: “Cơ bản cấu trúc đề thi không có sự thay đổi nhiều so với năm 2010, vẫn gồm 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Trong phần tự chọn, thí sinh cần lưu ý chỉ được chọn một trong hai phần để làm, nếu làm cả hai thì sẽ không được chấm điểm của phần đó”. Cũng theo TS Nghĩa: “Đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông mà chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi không đánh đố cũng không lắt léo. Nếu nắm chắc chương trình phổ thông, các em có thể làm tốt bài thi. Tuy nhiên, đề thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ có tính phân loại cao hơn, sẽ khó hơn một chút so với kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Trả lời câu hỏi về việc có nhiều HS phổ thông hay dự đoán đề thi mỗi năm sẽ bám sát vào các ngày lễ lớn của quốc gia, TS Nghĩa nói: “Việc ra đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ và kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có quy trình chặt chẽ. Đề thi của các môn được rút ra từ ngân hàng đề thi và mang tính ngẫu nhiên. Đề thi của các môn thuộc khối C, D cũng hoàn toàn không lệ thuộc vào các ngày lễ”.

Gần 500 câu hỏi qua điện thoại

Số điện thoại nóng của chương trình tại TP.HCM do VNPT hỗ trợ đã dồn dập nhận các cuộc gọi từ HS và phụ huynh. Ngay khi chương trình truyền hình trực tiếp bắt đầu, các tình nguyện viên trực số điện thoại nóng đã liên tục nhấc máy.

Có phụ huynh ở tận Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng theo dõi chương trình và đặt câu hỏi. Nhiều thí sinh ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nha Trang, Tiền Giang, Sóc Trăng... hồi hộp gọi đến và chờ đợi được tư vấn. Gần 500 câu hỏi đã được 7 tình nguyện viên trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai (ảnh) nghe và ghi lại.

Gần 2.000 HS được tư vấn tại các gian hàng

30 gian hàng các trường tham gia chương trình tại Nhà văn hóa Thanh niên đã tư vấn cả ngày cho gần 2.000 học sinh (HS) của các trường: THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lương Thế Vinh, THPT Nguyễn Thị Diệu, THPT dân lập Thanh Bình.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là các trường đã tạo nên sự tương tác rất cao với HS. Khoảnh sân của Nhà văn hóa Thanh niên hầu như lúc nào cũng đông người vây quanh các khu vực tư vấn. Có được điều này cũng nhờ vào sự năng động từ các trường, với những hoạt động thú vị nhằm thu hút HS.


Thí sinh tham quan gian hàng của các trường -  Ảnh: Đ.N.T

Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đem đến SV của ba ngành khá đặc thù là Thanh nhạc, Diễn viên kịch nói và điện ảnh, Thiết kế đồ họa. Những SV này hoặc khoác lên mình những bộ đồ hóa trang sặc sỡ, giao lưu với thí sinh; hoặc cất giọng hát truyền cảm, song ca cùng HS. Đặc biệt nhất là những SV mỹ thuật ngồi ký họa chân dung cho những HS đến tham quan. Tiết mục này thu hút được rất nhiều người tham gia, khiến cho các họa sĩ vẽ… mỏi cả tay, mồ hôi chảy ròng ròng mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều HS cũng đánh giá rất cao gian hàng tư vấn của trường ĐH Lạc Hồng. Trường có dựng một tấm bảng bao gồm hàng trăm hợp đồng lao động của SV với các doanh nghiệp ngay khi chưa ra trường. Theo thống kê, năm nay đã có hơn 80% SV chưa tốt nghiệp đã có việc làm. Con số này năm 2010 là hơn 90%.

Các trường tham gia gian hàng gồm: ĐH Lạc Hồng, ĐH Sài Gòn, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bình Dương, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Quốc tế TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, CĐ Bách Việt, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Văn hóa nghệ thuật, CĐ Viễn Đông, CĐ nghề Việt Mỹ, CĐ Kinh tế công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, CĐ Quốc tế Kent, Trung tâm Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Quốc tế ĐH Khoa học tự nhiên, Trung tâm Dạy nghề Nguyễn Hoàng, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia, Học viện CNTT Quốc tế NIIT, Trường đào tạo quản lý doanh nghiệp.

Đăng Nguyên

Hà Ánh - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.