Đến lượt Djibouti đối mặt biểu tình

20/02/2011 00:32 GMT+7

Chính quyền nhiều nước châu Phi và Trung Đông vẫn chưa thể ngăn chặn làn sóng biểu tình chống đối, vốn vừa lan sang một quốc gia mới.

Thêm một quân domino bị sập vì làn sóng chống đối khởi phát từ Tunisia và Ai Cập. Hôm qua, ít nhất 2 người biểu tình ở Djibouti đã thiệt mạng trong các cuộc va chạm với cảnh sát đặc nhiệm. Cũng giống như tại các nước khác, người dân Djibouti xuống đường để đòi Tổng thống Ismael Omar Guelleh từ chức. Ông Guelleh, 63 tuổi, đã cầm quyền từ năm 1999 và vào năm ngoái Quốc hội thông qua việc sửa đổi Hiến pháp cho phép ông tiếp tục tranh cử trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào tháng 4.

Tuy có diện tích và dân số rất khiêm tốn nhưng Djibouti có vị trí địa lý chiến lược rất quan trọng. Nước này, cũng là thành viên của Liên đoàn Ả Rập, nằm ở khu vực Sừng châu Phi và kiểm soát eo biển phân chia biển Đỏ và vịnh Aden. Đây là nơi đặt căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại Lục địa đen và một căn cứ của Pháp, theo AFP. Vì thế, nó chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược chống khủng bố trong khu vực của phương Tây. Ngoài ra, do giáp với Somalia nên hải cảng của Djibouti là nơi neo đậu của tàu hải quân nhiều nước trong các chiến dịch chống hải tặc.

Trong khi đó, cảnh sát chống bạo động Libya hôm qua tấn công khu trại của người biểu tình, vốn bao gồm nhiều thẩm phán và luật sư, tại thành phố lớn thứ hai của nước này là Benghazi, theo AP. Trước đó, internet và điện tại nhiều khu vực đã bị cắt. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa thể dẹp yên làn sóng chống đối nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, người nắm quyền 42 năm qua và là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới Ả Rập, đang lan ra nhiều khu vực ở miền đông.

Theo BBC, một số binh sĩ đã gia nhập hàng ngũ chống đối. Hôm qua, đụng độ tiếp tục diễn ra và theo các tổ chức nhân quyền, số người thiệt mạng vì trúng đạn của cảnh sát đã lên tới 84 người. Trong khi đó, tờ Oea, thuộc sở hữu của một trong số các con trai của ông Gaddafi, đưa tin rằng người biểu tình đã giết 2 cảnh sát. Chính quyền cũng có một số động thái xoa dịu khi theo tờ Quryna, ông Gaddafi sẽ thay thế nhiều quan chức và tổ chức lại chính phủ.

Người biểu tình ở Bahrain thì lại đang “chơi trò cút bắt” với lực lượng an ninh. Chỉ vài giờ sau khi cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay giải tán đám đông tại Quảng trường Ngọc trai ở thủ đô Manama, hàng ngàn người lại kéo ra dựng lều ở đây, theo AFP. Trước đó, quân đội đã rút khỏi thủ đô nhằm thể hiện thiện chí đối thoại của chính phủ. Tuy nhiên, phe chống đối tuyên bố việc rút quân là chưa đủ và đòi chính phủ từ chức cũng như thành viên Hoàng tộc Al-Khalifa phải rút khỏi nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Chỉ khi đó, họ mới đồng ý đối thoại theo đề nghị của Thái tử Salman bin Hamad Al Khalifa, Phó tổng tư lệnh quân đội.

Lê Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.