Chuyện vui về “đồng tiền giả”

20/02/2011 09:42 GMT+7

(TNTS) Hôm nọ, cô Joilie Tran từ ngoại quốc bay về Vinh để bưng khay quả cho đám hỏi của một người bạn gái. Người lớn bảo, gái chưa chồng mà bưng khay quả đám hỏi thì sẽ mất duyên, cô nghe cũng ngại, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô tự trấn an, mình lâu nay có duyên bao giờ đâu mà mất, thế là bưng.

Đám hỏi vui lắm, bà con hai họ rượu vào lời ra rất tưng bừng. Đến đoạn, bố cô gái tưng lên, đứng dậy hoa tay nói: “Thưa bà con, tui mừng quá, rứa là tiêu được đồng tiền giả!”. Bà con có mặt hoảng hồn, kiểu ni không khéo thì bể đám. Vì ăn hỏi xong người ta cũng có thể trả lễ vật như thường. Xét về pháp luật thì đôi trai gái không có chi ràng buộc, tức là đồng tiền giả đưa cho người ta nhưng người ta chưa bỏ vô túi. Ông nói ra, biết tiền giả, người ta trả lại thì sao?

May thay, bố chàng trai là người biết điều, thông cảm với ông sẽ là thông gia, bèn đứng dậy, tiếu lâm khỏa lấp: “Ông không có tiền mà là hàng, tui mua hàng đó bằng… đồng tiền giả. Tui mới là người tiêu được đồng tiền giả”. Bà con nghe thấy thán phục bố chàng trai lắm, ông đã cứu được một bàn thua trông thấy.

Nhưng bố cô gái đang tưng không chịu, lại đứng lên: “Rứa là ông dùng tiền giả mua hàng giả, ha ha…”.

Câu chuyện tự nhiên được hóa giải thành một chuyện vui trong chiếu rượu, chẳng ai bắt bẻ gì. Chỉ có cô Joilie Tran thì băn khoăn mãi, cô nghĩ, sao ở ta nay nhiều tiền giả và hàng giả quá. Định đợt ni về cua một anh ở quê, nhưng nghe chuyện thấy gay rồi, lỡ trúng phải đồng tiền giả thì sao?

Cô mang chuyện ni ra kể, nghe xong, tui nhớ đến chuyện xưa ở làng tui. Chuyện ni xưa lắm rồi và chỉ là một câu chuyện độc nhất vô nhị, kể lại cho vui:

Dân quê tôi gọi mụ không phải miệt thị như cách hiểu của các nơi khác. Mụ đơn giản chỉ là bà, thậm chí còn thân mật hơn.

Mụ Chẹp ở Sơn Thủy không ai không biết, nhưng người lạ vô làng hỏi, sau khi nhận được sự chỉ dẫn tận tình, thế nào cũng nhận được một nụ cười rất bí hiểm của người làng.

Mụ Chẹp 65 tuổi tóc đã bạc trắng như cước, răng nhuộm đen nhánh từ hồi còn thiếu nữ nhưng tuyệt nhiên không nhai trầu như mấy bà răng đen trong làng, mụ còn là người văn minh nhất, thời khốn khó, thiếu gì thì thiếu nhưng mụ không bao giờ để thiếu thuốc đánh răng.

Nhà mụ có ba người, mụ và hai người đàn ông, người 55, người 53 tuổi. Người ta nói cả hai đều là chồng của mụ. Nhà tuyệt nhiên không lời ra tiếng vào, êm như cái nhíp.

Ông Đờ và ông Tỏ đều là dân sơn tràng, ngày nay gọi là lâm tặc, đi rừng chặt gỗ về bán ở bến đò Sơn Thủy. Không hiểu sao lại về ở nhà mụ, ở miết.

Mụ gọi ông Đờ là mình, xưng lại là mình; mụ cũng gọi ông Tỏ là mình, xưng lại là mình. Ví dụ mụ hỏi ông Đờ: Mình ơi, mình có biết mình đi đâu không cho mình biết với. Nghĩa là ông Đờ ơi, có biết ông Tỏ đi đâu không cho mụ Chẹp biết với.

Lúc nào cũng mình mình mình mình, thắm thiết và lịch sự.

Người làng bịa chuyện, một hôm ông Tỏ gọi ông Đờ dậy đi rừng, ông Đờ lùng bùng trong màn, trả lời theo nhịp: Ông đi i trước, tui đang mài mài mài cái ái rìu ìu ìu... Ông Tỏ nghe chuyện phủi đít, biết mẹ chi nói, muốn ngủ bao giờ cũng đủ 3 mình mới ngủ, dốt!

Lúc ông Đờ 60, ông Tỏ 57 thì mụ Chẹp đã 70, tóc bạc, da đỏ, răng đen... Đi chợ gặp mấy anh bộ đội, mắt mụ long lanh óng ánh, má ửng hồng...

Người ác khẩu kêu mụ là yêu tinh thanh nữ đội lốt người. Mụ nghe nhưng kệ.

Năm mụ 71 tuổi, ông Đờ và ông Tỏ đi rừng bị lũ cuốn ở thác Cẩm Ly. Mụ khóc như mưa như gió... Nhưng chỉ sau trăm ngày thấy có một người đàn ông sống trong nhà mụ.

Người đàn ông đó là ông Cược, giám đốc một công ty thủy sản về hưu. Nghe đồn thời ông làm giám đốc, bao nhiêu nữ công nhân, kỹ sư đánh ghen nhau vì ông. 

Mình mình mình mình được đâu 3 tháng thì ông Cược biến mất. Mấy chị sồn sồn trong làng hỏi, anh Cược mô rồi, mụ Chẹp cười cười. Hỏi, anh Cược rát (khá) lắm à, mụ Chẹp cười cười. Hỏi răng ảnh đi rứa, mụ Chẹp cười cười... Hỏi rát một lúc, mụ Chẹp bực lên, quát: “Cái cha nớ, cứ tưởng mình tiêu được đồng tiền giả! Bở! Hic”.

Từ đó ông Cược có biệt danh “đồng tiền giả”.

*

Lại kể, Joilie Tran ở quê một tháng thì làm đám cưới với một anh bỏ vợ. Tui nói, rứa là người ta đã tiêu được đồng tiền giả rồi. Tran cười cười: “Hic hic, ba mẹ em mới là người tiêu được đồng tiền giả đó anh!”. Tui không biết nói sao bèn gãi đầu cười hì hì mà rằng, tiền giả mà tiêu được thì cũng giống… tiền thật cô Tran ha. Cô Tran đưa tay lên trời hô yes, yes!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.