Toàn cảnh tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2011

19/02/2011 01:06 GMT+7

* Thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN năm 2011 * Sẽ kéo dài thời gian xét tuyển * Công khai thông tin xét tuyển NV2

Sẽ kéo dài thời gian xét tuyển

Ngày 18.2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2011. Tại đây, Bộ đã lấy ý kiến đóng góp của các trường về quy chế tuyển sinh năm nay và chính thức quyết định một số vấn đề sẽ sửa đổi.

Vẫn thi 3 chung

 

Quế Anh (lớp 12A4) trường THPT Ngô Quyền (TP.HCM) đặt câu hỏi với chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức tại trường ngày 14.2.2011 - Ảnh: Đ.N.T

Tại hội nghị, hầu hết các trường đều đồng ý về chủ trương thi 3 chung của Bộ
GD-ĐT và đề nghị Bộ tiếp tục duy trì kỳ thi này. Theo đó, năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường. Giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH và trường CĐ sử dụng đề thi chung của Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh (TS) trúng tuyển.

Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT; các môn năng khiếu thi theo đề riêng của trường. Hiệu trưởng các trường tuyển sinh ngành năng khiếu chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển.

Công khai thông tin xét tuyển NV2

Điểm đáng lưu ý là năm nay thời gian xét tuyển NV2, NV3 sẽ được xem xét sửa đổi. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định cứng về thời gian công bố điểm chuẩn và xét tuyển NV2, NV3 sẽ gây khó khăn cho các trường và TS vì thời gian xét tuyển quá ngắn, có khi các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Các trường kiến nghị Bộ không nên quy định phải giữ bí mật thông tin về hồ sơ xét tuyển NV2 đến thời hạn kết thúc nhận hồ sơ mà phải công khai thông tin đó cho TS biết. Trả lời các kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cho biết: “Việc công khai hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 là cần thiết, làm giảm bớt tiêu cực vì có sự giám sát của xã hội”. Ông Luận cũng đồng ý với việc có thể kéo dài thời gian xét tuyển cho các trường vì nó cũng không ảnh hưởng đến thời gian đào tạo chung.

Giữ nguyên quy định điểm sàn

Tại hội nghị có ý kiến cho rằng Bộ cần xem lại quy định điểm sàn vì sẽ khống chế quyền được học của TS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Vẫn quy định về điểm sàn vì hiện ở Việt Nam, nhu cầu học thì quá lớn trong khi năng lực đào tạo của các trường có hạn”.

Những trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của TS cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển.

Tổ chức 3 đợt thi

Việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vẫn được thực hiện trong 3 đợt nhưng thời hạn có thể được kéo dài. Các đợt xét tuyển được quy định: TS nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ (đối với từng đối tượng và khu vực) sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ĐH có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. TS dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3.

Những TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường CĐ đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) được trường CĐ tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi CĐ, có đóng dấu đỏ của trường CĐ tổ chức thi. TS dùng giấy chứng nhận kết quả thi này để tham gia ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3) vào các trường CĐ khác còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của trường.

Nộp lệ phí tuyển sinh cùng với hồ sơ ĐKDT

Ngay khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải nộp luôn lệ phí tuyển sinh (tổng cộng 80.000 đồng/hồ sơ, gồm: 50.000 đồng phí ĐKDT và 30.000 đồng phí dự thi). Với những trường có sơ tuyển, có môn thi năng khiếu sẽ nộp mức lệ phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn), sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn). Lệ phí dự thi năng khiếu: 200.000 đồng/hồ sơ (với tất cả các môn).

Tổ chức 3 cụm thi

Năm 2011, ngoài các điểm thi của các trường tại Hà Nội, TP.HCM, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức 3 cụm thi quốc gia, gồm:

- Cụm thi tại TP Vinh: Dành cho TS thi vào trường ĐH Vinh và TS có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội.

- Cụm thi tại TP Quy Nhơn: Dành cho TS thi vào trường ĐH Quy Nhơn và TS có hộ khẩu thường trú tại Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

- Cụm thi tại TP Cần Thơ: Dành cho TS thi vào trường ĐH Cần Thơ và TS có hộ khẩu thường trú tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực TP.HCM.

Lịch thi tuyển sinh

Bắt đầu từ ngày 14.3 đến 17 giờ ngày 14.4, TS sẽ nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến của Sở GD-ĐT. Từ ngày 15.4 đến 17 giờ ngày 21.4 TS có thể nộp trực tiếp hồ sơ ĐKTD tại các trường ĐH, CĐ.

- Đợt 1: Ngày 4 và 5.7.2011, thi ĐH khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán và Lý sẽ thi tiếp năng khiếu Vẽ đến ngày 7.7.2011.

- Đợt 2: Ngày 9 và 10.7.2011, thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 13.7.

- Đợt 3: Dành riêng cho các trường CĐ tổ chức thi, thi trong hai ngày 15 và 16.7.2011 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22.7).

Hà Ánh
(tổng hợp)

Vũ Thơ

Kinh nghiệm làm hồ sơ dự thi

Chiều hôm qua, gần 500 học sinh trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được chuyên gia tư vấn của 14 trường ĐH, CĐ hướng dẫn tận tình cách thức ghi hồ sơ dự thi để tránh sai sót cũng như giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành nghề, kinh nghiệm thi cử.

1 hay 3 nguyện vọng?

 

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - hướng dẫn cách làm hồ sơ cho học sinh trường THPT Bình Chánh vào chiều hôm qua -  Ảnh: Đ.N.T

Ngay từ đầu chương trình, một câu hỏi về nguyện vọng (NV) đã được gửi lên ban tư vấn. Học sinh thắc mắc: “Mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng (NV) nghĩa là thế nào?”. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý: “Thông thường, người ta thường nói đến chuyện mỗi thí sinh có 3 NV: 1, 2, 3. Nhưng các em cần cảnh giác với 3 NV đó vì khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thực chất mỗi em chỉ có 1 NV mà thôi. Chỉ khi các em thi rồi nhưng không đạt điểm vào trường nào đó, nhưng vẫn đủ điểm sàn của Bộ GD-ĐT thì lúc đó mới tính đến NV2 và NV3”.

Nhiều học sinh lo lắng về cách thức ghi hồ sơ ĐKDT, Nguyễn Thị Thanh Tuyền (lớp 12A2) đặt câu hỏi: “Xin hướng dẫn cách ghi mục 2 và 3 trong hồ sơ ĐKDT?”. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhấn mạnh: “Các em cần hết sức chú ý là nếu thi vào trường có tổ chức thi thì chỉ ghi mục 2 còn mục 3 bỏ trống. Thí sinh có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH sau khi ghi mục 2 phải ghi thêm mục 3”.

Ban tư vấn cũng chia sẻ rằng qua kinh nghiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thí sinh không nên ghi địa chỉ liên hệ tại trường THPT mà nên ghi địa chỉ gia đình, số điện thoại vì khi hồ sơ có vấn đề thì trường ĐH, CĐ dễ liên hệ hơn.

15 trường ĐH, CĐ bị phạt do tuyển vượt chỉ tiêu

Trong năm 2010 có 15 trường ĐH, CĐ bị xử phạt vi phạm hành chính trong tuyển sinh do tuyển vượt chỉ tiêu. Trong đó, tuyển vượt cao nhất là trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội với 149%; trường CĐ Viễn Đông với 136,6%; trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với 132,4%; trường CĐ Giao thông vận tải II với 130,8%...

Bên cạnh đó còn có các trường: ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, ĐH Thăng Long, CĐ Xây dựng Nam Định, CĐ Bình Định, CĐ Y tế Bình Thuận, CĐ Hàng hải, CĐ Xây dựng số 2, CĐ Cộng đồng Hà Nội, CĐ Tài chính - Hải quan, CĐ Bách Việt, CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị tuyển sinh sáng 18.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Đây mới chỉ là danh sách các trường vi phạm tính đến thời điểm hiện nay. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện”.

Hà Ánh

Việc làm sau khi ra trường

Khá nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến việc làm sau khi ra trường. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ: “Hiện nay Bộ Y tế có mong muốn là sau khi tốt nghiệp, nhân lực y tế rải ra vùng sâu vùng xa. Sinh viên của trường tốt nghiệp tự tìm việc làm. Tuy nhiên, trường có hệ đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội, điểm trúng tuyển thấp hơn 1 - 1,5 điểm so với hệ chính quy. Sinh viên hệ này tự đóng kinh phí đào tạo, nếu có cam kết với địa phương thì khi tốt nghiệp, các em quay về địa phương làm việc”.

Trong khi đó, một số trường ĐH có những cách trang bị kỹ năng để sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm. Thạc sĩ Lê Quang Phú, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (phía Nam), cho biết: “Khi vào học, trường luôn chuẩn bị cho các em kỹ năng về giao tiếp, văn bản, ngoại ngữ”. Còn thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: “Ngoài việc được trang bị phương pháp giảng dạy, sinh viên còn thực tập vào năm thứ 3 với thời gian 1 tháng. Học kỳ 2 năm thứ 4 các em sẽ tiếp tục thực tập chuyên môn vấn đề giảng dạy”.

8 giờ 30 sáng mai, truyền hình trực tiếp Tư vấn mùa thi trên VTV9

8 giờ 30 sáng mai (20.2), chương trình Tư vấn mùa thi năm 2011 của Báo Thanh Niên sẽ chính thức khai mạc tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1), vào cổng tự do. Có GS.TS Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT và 27 trường ĐH, CĐ sẽ tham gia trả lời các câu hỏi của học sinh về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay theo các nhóm ngành sau: Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ và Kinh tế, Luật - Xã hội - Sư phạm - Y Dược.

Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các trường tại gian hàng tư vấn được tổ chức cả ngày tại đây.

Chương trình tư vấn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9, Đài truyền hình Việt Nam. Học sinh và phụ huynh có thể tham gia đặt câu hỏi cho chương trình qua số điện thoại nóng: 083.5210.121.

Các trường cùng tham gia gồm ĐH: Giao thông vận tải TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật, Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Y Dược TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Tài chính - Marketing, Sài Gòn, Hùng Vương, Công nghệ Sài Gòn, Lạc Hồng, FPT… Trường CĐ gồm: Nguyễn Tất Thành, Công nghệ Thủ Đức, Bách Việt, Kinh tế kỹ thuật miền Nam, Kinh tế công nghệ TP.HCM, Kinh tế kỹ thuật Vinatex, Công nghệ thông tin TP.HCM, Viễn Đông, Quốc tế Kent, Kinh tế TP.HCM, Tài nguyên và môi trường TP.HCM, nghề Việt - Mỹ (VATC)...

T.N

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.