Thủ đoạn tham nhũng ở Vifon

19/02/2011 23:09 GMT+7

Viện KSND tối cao vừa có cáo trạng, chuyển toàn bộ hồ sơ sang TAND TP.HCM để xét xử theo thẩm quyền đối với 5 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn...” xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là Vifon).

Cáo trạng của Viện KSND tối cao đã truy tố Nguyễn Bi (61 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vifon) về các tội “tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái…”.

“Cứ tưởng là tiền của mình”

Vifon được thành lập năm 1993, đến năm 2004 thì chuyển thành công ty cổ phần. Trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh với cương vị chủ tịch HĐQT, Nguyễn Bi đã có hàng loạt sai phạm. Cụ thể, khi chuẩn bị phương án cổ phần hóa, Nguyễn Bi chỉ đạo Nguyễn Thanh Huyền (lúc này là kế toán trưởng) lấy tiền công ty chuyển thành tiền tiết kiệm để sau này mua cổ phiếu cho Bi. Thực hiện chỉ đạo, ngày 31.12.2002 Huyền lấy hơn 400 triệu đồng từ quỹ khen thưởng của công ty gửi huy động vốn tiết kiệm cho Nguyễn Bi bằng cách lập chứng từ khống với nội dung chi tiền thưởng năm 2002. Đến tháng 12.2003, khi thực hiện cổ phần hóa, Nguyễn Bi tiếp tục chỉ đạo Huyền mua cho Bi 18.000 cổ phần, trị giá 1,8 tỉ đồng. Trong đó, Bi chỉ có hơn 3,4 triệu đồng, còn lại gần 1,8 tỉ đồng là tiền của Vifon.

Chia thưởng 290.000 USD

Cũng theo bản cáo trạng, Nguyễn Bi khai căn cứ vào kết quả đàm phán với các liên doanh, biết được nguồn thu từ việc chuyển nhượng vốn cho liên doanh để cổ phần hóa là rất lớn, chắc chắn sẽ được Bộ Công nghiệp cho thưởng nên Bi tự ý lập ra danh sách chia thưởng cho 7 người là lãnh đạo của công ty với tổng số tiền là 290.000 USD. Trong đó, Bi được 90.000 USD, Nguyễn Thanh Huyền được 65.000 USD, những người còn lại được 12.000 đến 50.000 USD. Thời điểm Vifon là công ty 100% vốn nhà nước, đúng ra số tiền thưởng này phải nhập vào quỹ khen thưởng phúc lợi phân chia cho toàn bộ cán bộ công nhân viên nhưng Bi lại dùng chia thưởng cho bản thân và một vài cán bộ. Cáo trạng kết luận việc làm này gây thất thoát cho Nhà nước và các cổ đông hơn 4,7 tỉ đồng…

Cáo trạng xác định, bằng cách chỉ đạo nhân viên lập chứng từ khống với nội dung thanh toán huy động vốn và trả cọc để rút của công ty hơn 1,3 tỉ đồng, cộng với số tiền gửi tiết kiệm và tiền lãi nói trên được gần 500 triệu đồng, Huyền đã giúp sức cho Bi lấy được gần 1,8 tỉ đồng của công ty để mua cổ phiếu. Hiện nay, số cổ phiếu này Bi đã bán hết.

Ngoài ra, vào thời điểm chuẩn bị nghỉ hưu (tháng 3.2006), nghe Huyền báo cáo còn tiền huy động vốn trong công ty, Bi chỉ đạo Huyền chuyển hết số tiền này vào tài khoản của con rể, tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng, rồi rút ra tiêu xài cá nhân. Tại cơ quan điều tra, Bi khai không biết số tiền này là tiền của công ty mà có một số lần Bi đem tiền vào đưa cho phòng kế toán gửi huy động vốn (không biết là bao nhiêu), nên cứ tưởng đây là tiền của mình. Sau khi cơ quan điều tra phát hiện sai phạm này, gia đình Bi đã nộp lại để khắc phục hậu quả.

Nhân viên cũng phải hầu tòa

Ngoài hành vi của Nguyễn Bi, bản cáo trạng còn đề cập đến nhiều cá nhân có liên quan. Nổi bật là Kế toán trưởng Nguyễn Thanh Huyền, sau này là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, rồi Phó tổng giám đốc thường trực. Huyền với vai trò “tổ chức thực hiện” đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, chỉ đạo hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lập chứng từ khống để chiếm đoạt hơn 9,8 tỉ đồng vốn nhà nước và hơn 1,3 tỉ đồng vốn tư nhân bỏ túi riêng. Huyền còn là đồng phạm giúp sức cho hành vi sai phạm của Nguyễn Bi như đã nêu trên. Vì vậy, Huyền bị truy tố về các tội “tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bên cạnh đó, các cá nhân như: Đàm Tú Liên (nguyên kế toán trưởng, trực tiếp theo dõi tài khoản huy động vốn), Dương Thị Mẫn (kế toán thanh toán), Ka Thị Thu Hồng (thủ quỹ) đều là thuộc cấp dưới quyền quản lý trực tiếp của Huyền. Biết việc chỉ đạo làm giả chứng từ thu chi, cân đối, chỉnh sửa tài khoản của Huyền là sai phạm nhưng vẫn thực hiện việc hạch toán sai nguồn vốn, lập và ký các chứng từ kế toán thu chi khống, các chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo quy định, tạo điều kiện cho Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền tham ô nên cũng bị truy tố về tội “cố ý làm trái…”.

Quá trình điều tra còn chứng minh Nguyễn Văn Bên (nguyên là Phó tổng giám đốc công ty, sau này là Tổng giám đốc) đã có hành vi ký các chứng từ chi hơn 400 triệu đồng mua cổ phần cho Nguyễn Bi, giả thu tiền huy động vốn, ký các phiếu thu khống…được chia thưởng trái nguyên tắc 50.000 USD. Tuy nhiên, Bên là người làm đơn tố giác, tích cực cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra, giúp thu hồi tài sản nhà nước nên không bị xử lý về hình sự.  

Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.