Ra tay với đất có chủ bỏ hoang: Các chủ đất nói gì?

19/02/2011 22:34 GMT+7

Ngay sau khi đăng tải bài viết Ra tay với đất có chủ bỏ hoang, Thanh Niên nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc trong cả nước. Liên quan đến quyền lợi sử dụng đất, đã có không ít chủ đất lên tiếng băn khoăn, phản đối.

Một người, đề nghị giấu tên, hiện đang trú tại đường Hoàng Quốc Việt (Q.7, TP.HCM) có số điện thoại 09755xxx đang là chủ 4 lô liền kề trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), đoạn gần nhà hàng Phú Mỹ Thành, kiên quyết: “Tôi không đồng ý với cách làm này. Tôi đã mua đất, có giấy tờ pháp lý rõ ràng. Vì điều kiện cá nhân chưa xây nhà được nên để đất trống. Không có lý gì mà bắt chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc người ta đổ xà bần hay rác. Đó là trách nhiệm quản lý của địa phương”.

Làm sao tin số tiền phải trả là chính xác?

Anh B. ở Hà Nội, chủ một lô đất gần cầu Phú Lộc, phân vân: “Thực ra việc dọn dẹp vệ sinh đất là tốt, tôi không có ý kiến gì. Trong điều kiện tôi hiện tại ở xa nên không thể làm việc đó được. Nhưng tôi thực sự ngần ngại khi được biết chúng tôi phải trả tiền dọn vệ sinh. Không phải vì tiếc tiền nhưng làm sao chúng tôi tin số tiền mà địa phương bắt chúng tôi nộp là con số chính xác?”. Anh B. cũng chia sẻ thêm: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc địa phương mượn tạm đất của mình để làm việc khác, kể cả là trồng cây. Không có chuyện chúng tôi muốn sử dụng đất của mình thì phải thông báo các cơ quan liên quan trước một thời gian hay là phải bồi hoàn kinh phí mà địa phương đã bỏ ra để sửa sang, rào chắn. Tôi đâu có nhờ các anh ấy làm việc này”.

Nhẹ nhàng hơn, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (Đà Nẵng), chủ lô đất số hiệu B5.2, bày tỏ: “Tôi cũng đang định thuê người dọn vệ sinh chỗ đất của mình nên khi nghe tin thành phố sẽ dọn, tôi rất đồng tình. Đất sạch sẽ thì tốt, chúng tôi cũng dễ mua bán hơn. Nhưng tôi rất băn khoăn giá tiền dọn vệ sinh sẽ áp dụng theo giá nào, căn cứ vào đâu mà tính giá đó. Còn phường sử dụng đất sau khi đã được dọn tôi cũng không nhất trí. Bởi việc lấy lại đất sau này sẽ phiền phức lắm, qua nhiều nơi quá”.

Trách nhiệm của địa phương

Những băn khoăn trên thực ra cũng là nỗi băn khoăn của các cán bộ địa phương trong cuộc họp với UBND TP Đà Nẵng và Sở TN-MT để bàn về phương hướng thực hiện việc dọn dẹp, quản lý đất trống trước đó. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo Luật Đất đai thì UBND các phường, xã, thị trấn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương. Vấn đề còn lại ở đây là quản lý như thế nào cho hiệu quả, tránh việc đất đã được dọn dẹp sạch sẽ rồi sau một thời gian lại trở về tình trạng cũ.

Thực tế, các phường cho rằng việc quản lý vấn đề này nằm ngoài khả năng của họ. Bởi đổ xà bần và rác đều lén lút, thường tranh thủ lúc ban đêm. Nhiều lần, các phường đã phục kích bắt quả tang, xử phạt nặng nhưng bắt chỗ này, người ta lại đổ chỗ kia. “Gần đây, chúng tôi đã phát hiện 6 vụ đổ trộm xà bần bằng xe bò, xe rùa. Khi mang lên phường xử lý, có người bỏ luôn xe lại”, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Hà, Đinh Quang Tưởng nói. “Chúng tôi cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0511.3714644 cho người dân để tố cáo những hành vi đổ trộm, dù ít hay nhiều đều có thưởng nóng và sẽ bảo mật thông tin người tố cáo”, ông Tưởng cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh xử phạt, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản qui định mức thưởng 1 triệu đồng cho các cá nhân phát hiện việc đổ trộm. Nhưng dù đã có nhiều chế tài thì tình trạng đổ lén xà bần trên những lô đất trống vẫn tồn tại như những thách thức. Và con số 20 ngàn m3 xà bần dự kiến sẽ được dọn tại những lô đất có chủ nhưng để trống dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành là khó khăn lớn.  

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Quang Tưởng, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Hà (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), cho rằng: “Không lý gì mà lợi nhuận thì những chủ đất hưởng trong khi việc sử dụng không hợp lý của họ đã gây ra những hậu quả bắt xã hội phải gánh. Nếu có chủ đất phản ứng, địa phương sẽ nhờ sự can thiệp của các cấp trên”.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.