Kinh nghiệm làm hồ sơ dự thi

19/02/2011 09:55 GMT+7

Chiều hôm qua, gần 500 học sinh trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được chuyên gia tư vấn của 14 trường ĐH, CĐ hướng dẫn tận tình cách thức ghi hồ sơ dự thi để tránh sai sót cũng như giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành nghề, kinh nghiệm thi cử.

1 hay 3 nguyện vọng?

Ngay từ đầu chương trình, một câu hỏi về nguyện vọng (NV) đã được gửi lên ban tư vấn. Học sinh thắc mắc: “Mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng (NV) nghĩa là thế nào?”. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý: “Thông thường, người ta thường nói đến chuyện mỗi thí sinh có 3 NV: 1, 2, 3. Nhưng các em cần cảnh giác với 3 NV đó vì khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thực chất mỗi em chỉ có 1 NV mà thôi. Chỉ khi các em thi rồi nhưng không đạt điểm vào trường nào đó, nhưng vẫn đủ điểm sàn của Bộ GD-ĐT thì lúc đó mới tính đến NV2 và NV3”.

Nhiều học sinh lo lắng về cách thức ghi hồ sơ ĐKDT, Nguyễn Thị Thanh Tuyền (lớp 12A2) đặt câu hỏi: “Xin hướng dẫn cách ghi mục 2 và 3 trong hồ sơ ĐKDT?”. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhấn mạnh: “Các em cần hết sức chú ý là nếu thi vào trường có tổ chức thi thì chỉ ghi mục 2 còn mục 3 bỏ trống. Thí sinh có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH sau khi ghi mục 2 phải ghi thêm mục 3”.

Ban tư vấn cũng chia sẻ rằng qua kinh nghiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thí sinh không nên ghi địa chỉ liên hệ tại trường THPT mà nên ghi địa chỉ gia đình, số điện thoại vì khi hồ sơ có vấn đề thì trường ĐH, CĐ dễ liên hệ hơn.

Việc làm sau khi ra trường

Khá nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến việc làm sau khi ra trường. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ: “Hiện nay Bộ Y tế có mong muốn là sau khi tốt nghiệp, nhân lực y tế rải ra vùng sâu vùng xa. Sinh viên của trường tốt nghiệp tự tìm việc làm. Tuy nhiên, trường có hệ đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội, điểm trúng tuyển thấp hơn 1 - 1,5 điểm so với hệ chính quy. Sinh viên hệ này tự đóng kinh phí đào tạo, nếu có cam kết với địa phương thì khi tốt nghiệp, các em quay về địa phương làm việc”.

Trong khi đó, một số trường ĐH có những cách trang bị kỹ năng để sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm. Thạc sĩ Lê Quang Phú, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (phía Nam), cho biết: “Khi vào học, trường luôn chuẩn bị cho các em kỹ năng về giao tiếp, văn bản, ngoại ngữ”. Còn thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin: “Ngoài việc được trang bị phương pháp giảng dạy, sinh viên còn thực tập vào năm thứ 3 với thời gian 1 tháng. Học kỳ 2 năm thứ 4 các em sẽ tiếp tục thực tập chuyên môn vấn đề giảng dạy”.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.