Từ chuyện khai ấn đền Trần...

18/02/2011 15:25 GMT+7

Thế là xong, lễ khai ấn đền Trần đã kết thúc vào rạng sáng hôm qua 17.2. Ước tính, có gần 30 vạn khách hành hương ngồi cả đêm trong gần 1 km2 thuộc khu vực đền Trần và đền Bảo Lộc (Nam Định) để chờ tới dịp sở hữu một tấm “ấn” cho mình.

Vẫn có móc túi, có chuyện tự phát “bán lại” ấn để kinh doanh, có cảnh ngất lịm vì xô đẩy giẫm đạp - nghĩa là đủ cả những gì thường thấy tại lễ khai ấn trong vài năm qua. Nhưng, cũng khó mà nói hội khai ấn đền Trần không “thành công”, khi nhìn vào sự hoan hỉ với lá ấn trên tay của những người tự nguyện tham gia cuộc "hành xác" tập thể ấy.

Xin được tấm ấn thì hoạn lộ thênh thang, đó là niềm tin dẫn khách thập phương tới dự lễ khai ấn đền Trần. Và với điểm riêng ấy, bỗng dưng từ ba năm qua, lễ hội đền Trần vụt trở nên “sáng giá” trong vài trăm lễ hội lớn trên miền Bắc. Sáng giá tới mức, trước và sau hội, năm nào báo chí và dư luận cũng đều hì hục mổ xẻ, bàn cãi về chiếc ấn trong đền: ấn giả - ấn thật, ấn đời Trần - đời Nguyễn, ấn của vua hay của Đức thánh Trần? Rộng hơn, về tục phát ấn cho người xem, không ít lần các chuyên gia văn hóa cũng gắng sức chứng minh: nếu có, nghi thức ấy từ nửa thế kỷ trước vẫn chỉ thu hẹp trong phạm vi những làng quanh đền và mang tâm lý cầu an, lấy may chứ chẳng dính gì tới chuyện thăng quan tiến chức. Có nghĩa, không ai xác định được nguồn gốc của niềm tin rằng những tấm ấn đền Trần mang lại vận may trên đường quan lộ.

Chẳng phải ngẫu nhiên, ngành quản lý văn hóa đã hơn một lần rục rịch đưa ra những ý kiến đề nghị kiểm chứng về xuất xứ của tục phát ấn đền Trần. Để rồi, nâng lên đặt xuống vài lần, lễ hội đền Trần 2011 vẫn phải được tổ chức. Bởi, dù không gian của lễ khai ấn không còn phù hợp trước một biển người, niềm hy vọng về vận may trên đường quan lộ vẫn là nỗi ám ảnh của hàng chục vạn khách hành hương. Và thực tế, tại đền Trần năm nay, ban tổ chức phải tăng vọt số bàn phát ấn lên gấp 16 lần (75 so với 4) để phát “đại trà” hơn 10 vạn tấm ấn cho người đến dự.

Mỗi giai đoạn phát triển thường đánh dấu bằng những hiện tượng mang tính cột mốc. Nói theo cách ấy, vài năm qua, sự bùng nổ của du khách tại lễ khai ấn đền Trần, với niềm tin “thăng quan tiến chức” cũng là sự phản ánh một tâm thế xã hội phổ biến. Giống như trước đây người ta lần lượt mong chuyển từ xe đạp sang xe máy rồi tới xe hơi, sự tồn tại của niềm hy vọng về vận may trên đường quan lộ vẫn là một nhu cầu có thật và ngày càng lớn. Cũng như hiện tượng dúi tiền vào tay Phật, tay thánh ở các đền chùa, hòng mong được các đấng siêu nhiên "để ý" đến, chẳng qua cũng là một phóng chiếu từ thực tại vào lề thói tín ngưỡng. Nhà nghiên cứu văn hóa M.Bakhatin (Nga) từng viết rằng: “Thực chất lễ hội là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức tế lễ và trò diễn, đó là cuộc sống lao động, chiến đấu của cộng đồng cư dân”. Mà nếu vậy, từ những gì đang diễn ra trong mùa lễ hội năm nay (và cả những năm sau?), điều đáng nghĩ không chỉ còn là câu chuyện văn hóa, hay tâm linh...

Xuân Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.