Nước mắt Afghanistan (*)

18/02/2011 22:59 GMT+7

Có hai người đàn bà thuộc hai thế hệ mà cuộc đời họ như những giọt nước bé nhỏ phản chiếu cả số phận đất nước Afghanistan trong đó.

Mariam là đứa con không được thừa nhận, lớn lên trong ngôi nhà tạm bợ trên khu đất hoang, bên cạnh người mẹ đã bị cú đòn chí mạng của người cha thừa của cải nhưng thiếu dũng khí làm cho trọng thương. Ngoài sự giáo dục đầy định kiến của người mẹ, may mắn thay, cô còn được một giáo sĩ đầy hiểu biết cho cô một vốn văn hóa truyền thống đủ dùng trong cả cuộc đời. Thỉnh thoảng cô cũng được cha đến thăm. Và Mariam sẽ tiếp tục có một hạnh phúc đơn sơ như thế nếu cô không nhất quyết đi gặp cha, vào dịp sinh nhật thứ mười lăm.

Cô muốn biết, và cô đã biết được điều cần biết.

Rằng, không hề có chỗ cho cô trong ngôi nhà to mà những bà vợ chính thức và bầy con của cha cô đang sống. Hoàn toàn vỡ mộng, cô quay về nhà, và cái mà cô nhận được là, xác chết lủng lẳng của mẹ, bởi bà không chấp nhận nổi sự “phản bội” của con gái. Ngay sau đó, Mariam nhanh chóng bị cha ép gả cho Rasheed, một thợ giày lớn tuổi đã góa vợ ở thủ đô Kabul.

Trong khi đó, Laila xinh đẹp, tao nhã, lớn lên một cách hạnh phúc ở Kabul, với sự chăm chút của người cha vốn là một giáo viên, và Tariq - người bạn trai thời thơ ấu đầy thân ái, nếu không kể cả mẹ cô, trước khi bà trở nên trầm uất vì cái chết của hai con trai.

Đất nước Afghanistan bị xé toang vì những cuộc chiến tranh, cả ngoại xâm lẫn nội chiến, và người dân trở thành mục tiêu hủy diệt… Tariq phải cùng gia đình di tản, trong khi mẹ của Laila cương quyết ở lại chờ ngày chiến thắng, nhân danh sự hy sinh của các con trai.

Bà đã không thể thực hiện ước nguyện, bởi một trái rốc-két đã biến ngôi nhà trong đó có vợ chồng bà thành tro bụi, biến Laila thành một cô gái mồ côi tuyệt vọng, với cái thai trong bụng.

Mười bốn tuổi, Laila trở thành vợ của Rasheed, chia sẻ với Mariam sự thô lỗ và tính bạo ngược của người thợ giày, bởi được báo rằng Tariq - cha của con cô đã chết. Hai người đàn bà, hai quá khứ, được xếp đặt khác nhau dưới cùng một mái nhà, cuối cùng đã xích lại gần nhau, bởi họ đều là nạn nhân của những quan niệm hà khắc, đều bị chiến tranh nhân đôi sự bất hạnh, và bởi trong trái tim đầy thương tích của họ, vẫn giàu có tình thương yêu bao dung của người mẹ.

Cuộc chạy trốn khỏi nhà Rasheed bất thành, và cả hai phải trả giá đắt cho sự nổi loạn ấy,  ngay cả sau khi Laila đã sinh cho Rasheed một đứa con trai…

Tiểu thuyết gia gốc Afghanistan Khaled Hosseini hầu như không chú trọng nhiều đến kỹ thuật. Có lẽ bản thân câu chuyện đã tự quyết định giá trị nhân văn của nó. Cả nhân loại đã phải chú mục vào đất nước Afghanistan tơi tả suốt mấy mươi năm chiến tranh, nhất là sau khi Taliban nắm chính quyền và thực hiện Luật Hồi giáo Shari’a, cấm phụ nữ học hành,  làm việc...

Đầy rẫy những chi tiết phản ảnh xung đột giữa Mariam, Laila và Rasheed, dù bằng lời lẽ hay hành động, và từ cuộc đời vô vọng của Mariam đã vang lên lời kêu cứu khẩn thiết. “Đó là một cuộc sống không có tương lai. Quá khứ chỉ mang một thông điệp duy nhất: tình yêu là một sai lầm nguy hại, và đồng phạm của nó, hy vọng, là một ảo ảnh lừa dối”.

May mắn thay, tổng kết cay đắng của Mariam đã chuyển đổi, nhờ chính sự có mặt của Laila và con gái Aziza của Laila bên cạnh cô, hé mở cho cô lối thoát...

Cuộc nổi loạn cuối cùng của Mariam rốt cuộc đã thành công, bằng cái chết của Rasheed và bản án tử hình dành cho cô. Cô đã cứu Laila và các con, trả Laila lại cho Tariq, như điều an ủi cho một kẻ tử vì đạo.

Đoạn kết của tiểu thuyết như một khuyến cáo ngầm:  Ai cũng có thể bị áp đặt số phận, nếu họ không tìm cách tự thoát khỏi những bạo ngược phản nhân văn.

Ngô Thị Kim Cúc

(*) Đọc Ngàn mặt trời rực rỡ, tiểu thuyết của Khaled Hosseini, bản dịch của Nguyễn Thị Hương Thảo, NXB Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành, 2010.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.