Tham nhũng lớn trong ngành đường sắt Trung Quốc

17/02/2011 22:42 GMT+7

Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân là quan chức cao cấp đầu tiên của nước này bị điều tra vì tham nhũng trong năm 2011.

Theo Tân Hoa xã ngày 12.2, ông Lưu Chí Quân - Bộ trưởng Đường sắt kiêm Bí thư Đảng ủy bộ này đã chính thức bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Theo thông báo chính thức của Bắc Kinh, vấn đề tham nhũng trong việc xây dựng mạng lưới tàu cao tốc rầm rộ khắp Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp khiến ông Lưu “sập hầm”. Có thông tin cho rằng số tiền tham nhũng lên đến 1 tỉ nhân dân tệ (gần 3 ngàn tỉ đồng). Thông báo tuyên bố ông Lưu bị cách chức Bí thư Đảng ủy nhưng không nói rõ ông có mất chức bộ trưởng hay chưa.

Theo website của Chính phủ Trung Quốc gov.cn, từ ngày 30.1 đến 8.2.2011, Lưu Chí Quân còn phụ trách kiểm tra tình hình đường sắt của các tỉnh và thành phố như Tây An, Thành Đô, Quảng Châu, Trịnh Châu, Vũ Hán, Nam Xương… và tình hình xây dựng một số công trình trọng điểm của ngành. Cùng đi với ông Lưu có các quan chức cao cấp, trong đó có Phó tổng giám đốc hạng mục tàu cao tốc kiêm Cục trưởng Cục Giao thông Bộ Đường sắt Trương Thự Quang. Ông này cũng đang bị giám sát và điều tra với cáo buộc tham gia đường dây “phù phép” các thông số kỹ thuật để tăng khống ngân sách phát triển mạng lưới tàu cao tốc. 

Lưu Chí Quân sinh năm 1953, người Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc. Ông từng làm Cục trưởng Cục Đường sắt TP Thẩm Dương và Thứ trưởng Đường sắt trước khi nhậm chức bộ trưởng vào tháng 3.2003. Ông còn là Ủy viên T.Ư Đảng khóa 16, 17, Bí thư Đảng ủy Bộ Đường sắt.

Người thay thế ông Lưu Chí Quân làm Bí thư Đảng ủy là ông Thịnh Quang Tổ, sinh năm 1949, Ủy viên T.Ư Đảng khóa 17. Ông Thịnh từng làm Chủ nhiệm Phòng Chính trị Bộ Đường sắt, Thứ trưởng Đường sắt, Bộ trưởng Hải quan.

Báo chí bị bịt miệng

Trước đây, báo chí Trung Quốc từng nhiều lần lên tiếng về tình trạng tham nhũng trong ngành đường sắt nhưng phần lớn đều bị bưng bít do tác động “từ trên”. Ba năm trước, tờ Thời báo Trung Quốc từng đăng bài về việc xây dựng tuyến đường tàu cao tốc Võ Quảng sử dụng than kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn. Sau khi bài báo được đăng, Bộ Đường sắt đã kiện Bộ Thông tin - Tuyên truyền về tội đưa tin sai sự thật và phóng viên viết bài đó đã bị đề nghị nghỉ việc vô thời hạn.

Cuối năm 2010, tờ Kinh tế thế kỷ 21 cũng cho đăng một bài về đề tài tương tự trong việc xây tàu cao tốc và bị Phòng Thông tin Quốc vụ viện TQ ra lệnh gỡ xuống. Nhà báo Doãn Mặc Tam của báo Tương Thanh tỉnh Hồ Nam đã đi sâu vào điều tra về vụ việc trên và phát hiện ra trong các tài liệu kỹ thuật của dự án xây dựng tuyến tàu cao tốc Hộ Côn có nhiều công ty giả mạo hoặc không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng vẫn trúng thầu. Nhà báo này đã báo cáo lên trên nhưng không được đăng. Báo này còn yêu cầu anh gỡ bỏ bài phóng sự điều tra trên blog cá nhân. Doãn Mặc Tam đã xin nghỉ việc vì không muốn xóa bỏ bài điều tra trên blog cá nhân và bài báo của anh đã gây chấn động dư luận trong nước.

Tháng 1.2011, tuần báo Thế kỷ mới cũng đăng bài về nữ doanh nhân Đinh Như Miêu và nghi vấn tham nhũng trong việc trúng thầu làm đường tàu cao tốc Kinh Hộ với tổng trị giá gói thầu lên tới 5 tỉ nhân dân tệ. Nhiều người cho biết bà Đinh có quan hệ mật thiết và phức tạp trong ngành đường sắt, có quen biết Bộ trưởng Lưu Chí Quân và có khả năng liên quan tới nhiều vụ việc rất lớn.

Trước đây website của Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia Trung Quốc từng đăng tin Ngành đường sắt tăng cường chống tham nhũng trong năm 2011 và ông Lưu Chí Quân với tư cách Bộ trưởng và Bí thư Đảng ủy từng tuyên bố sẽ yêu cầu tổng thể về việc “xây dựng liêm chính và công tác chống tham nhũng”. Trong đó ông Lưu hô hào: “Cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt phải tự giữ mình, không nên đụng tay vào những việc nhạy cảm, vững lòng trước những lời tỉ tê, thuyết phục...”. Tiếc thay những lời nói hùng hồn này lại không dành cho chính ông. Tuy Bộ Đường sắt Trung Quốc tuyên bố chỉ có “một con sâu” Lưu Chí Quân, nhưng việc mở rộng điều tra thêm nhiều quan chức cấp cao trong ngành là điều khó tránh khỏi.

“Chiều ngày 22.12.2010, tổng biên tập gọi điện la mắng tôi, bắt xóa nội dung trên blog. Thường ngày tổng biên tập rất hòa nhã điềm đạm, lần này bực bội như vậy vì cấp trên ép buộc, đành đổ hết vào tôi. Tôi chỉ muốn thông báo với mọi người rằng an toàn của tàu cao tốc liên quan tới tính mạng toàn dân. Các người không thể vì lợi ích riêng mà bắt nạt tổng biên tập của tôi. Cần phải điều tra kỹ vụ việc này, phải vì dân mà làm việc mới được lòng dân. Làm quan như vậy mới có ý nghĩa” - trích blog nhà báo Doãn Mặc Tam

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.