Ngừng diễn chung để bếp đỏ lửa

16/02/2011 14:32 GMT+7

NSƯT Lân Bích - Minh Đức là cặp uyên ương hiếm hoi đã gắn bó với điện ảnh cách mạng Việt Nam từ những bộ phim đầu tiên và đến nay vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật ở tuổi gần 80.

Nên duyên nhờ Khói trắng

Năm 1950, Lân Bích tốt nghiệp thủ khoa trường m nhạc Việt Nam, cùng thế hệ với Trọng Bằng, Tân Huyền. Tháng 12.1953, chàng thanh niên tròn 20 tuổi Lân Bích được cử làm trưởng đoàn văn công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Ông đi suốt từ Yên Bái vào đến lòng chảo Điện Biên để cùng tham gia mở đường cho bộ đội chủ lực suốt 6 tháng ròng rã trong mưa bom, bão đạn, trong khó khăn thiếu thốn, cho đến khi chiến thắng. Rồi ông nhận quyết định ở lại tiếp tục phục vụ bộ đội tiêu diệt nhóm thổ phỉ tận núi rừng Tây Bắc. Chính thời điểm đó, ông bị tai nạn ô tô. Xe bị lật xuống đèo Hút gió (nằm giữa Hòa Bình và Mộc Châu), ông thoát chết nhưng bị trọng thương, gãy xương sườn và được đưa về Hà Nội điều trị nên có cơ hội gia nhập Xưởng phim Việt Nam.

Khi đã quyết tâm theo đuổi nghề diễn phải xác định đó là chặng đường phấn đấu, học hỏi cả đời chứ chẳng phải đôi ba năm rồi bị quên lãng - NSƯT Lân Bích

“Thời đó, chúng ta chỉ sản xuất phim tài liệu. Chung một dòng sông là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Tôi may mắn được tham gia phim này”, ông kể. Đó là năm 1959. Ông cho biết, để vào vai một sĩ quan cảnh sát Sài Gòn trong phim này, ông cùng diễn viên Trần Phương giả làm công an vũ trang ra tận Vĩnh Linh (Quảng Trị), thuộc vĩ tuyến 17. Ông phải cùng chơi bóng chuyền, thể thao với binh lính Sài Gòn nhằm tìm hiểu tâm lý nhân vật. Để đảm bảo tính mạng cho diễn viên, có những cảnh quay đoàn phim phải dựng những tấm pa-nô phản sáng dọc sông Bến Hải, diễn viên núp sẵn dưới hào khi nghe đạo diễn ra lệnh, cả đoàn đứng dậy vừa chạy vừa diễn. Cứ thế máy quay. “Cảm động và hào hùng lắm. Tôi còn nhớ các anh bộ đội chủ lực trấn an: Anh em nghệ sĩ cứ diễn, nếu địch khai hỏa, chúng tôi sẽ bắn trả, bảo vệ các anh chị”.

Năm 1960, nghệ sĩ Minh Đức trúng tuyển vào khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam chung lớp với Lâm Tới, Trà Giang… Nhiều bộ phim bà tham gia đến nay vẫn còn được khán giả thế hệ trước nhắc đến như: Khói trắng, Đường về quê mẹ, Người chiến sĩ trẻ… Bộ phim truyện đầu tiên mà đôi Lân Bích - Minh Đức đóng vai vợ chồng trên màn ảnh là Khói trắng của đạo diễn NSƯT Nguyễn Tiến Lợi quay năm 1960. “Đó là câu chuyện về Nhà máy xi măng Hải Phòng thời chống Mỹ. Lúc đó tôi và bà nhà chưa lấy nhau. Nhờ phim này se duyên chồng vợ đấy. Thời đó dù “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nên chúng tôi ngại ngùng lắm. Bạn bè cứ tạo điều kiện và nói mãi mới thành. Tình yêu cách đây nửa thế kỷ khác xa bây giờ nhiều lắm”, nghệ sĩ Lân Bích vừa cười vừa kể. Sau đó là hàng loạt vai diễn chung của đôi vợ chồng trên phim, kịch như vở Trong phòng trực chiến, Cách mạng… tại Đoàn kịch Điện ảnh vào thập niên 1960 -1970.

Không muốn làm vợ chồng trên phim nữa

Những năm gần đây, nhiều phim truyền hình có Lân Bích hoặc Minh Đức tham gia: Giao thời, Người đàn bà yếu đuối, Cô gái xấu xí, Đại gia đình, Phiên chợ số, Tóc rối, Vật chứng mong manh, Nghe trà… Lối diễn chân chất, thuần hậu, nhẹ nhàng của vợ chồng ông khi vào vai các ông bố, bà mẹ thật khó có người thay thế, bởi vậy ở tuổi đã gần 80 nhưng cả hai nghệ sĩ đều rất đắt sô.

Lân Bích cho biết năm 2010 nhiều tháng dài ông và vợ không có cơ hội ngồi với nhau trong ngôi nhà hiu quạnh để ăn chung một bữa cơm vì cả hai đều quay cuồng với lịch làm việc. Ông bà đều nói tuổi này đóng phim chẳng phải để kiếm tiền, cũng không mơ tìm danh, đơn giản chỉ là niềm vui sống, bởi con cái đều đã trưởng thành: con trai trưởng hiện là kỹ sư hạt nhân, con gái thứ 3 là giảng viên piano ở Mỹ và con trai út là phi công của Vietnam Airlines. “Chúng tôi mà không còn đứng trước máy quay thì thà chết còn sướng hơn”, NSƯT Minh Đức thổ lộ. Khó tưởng tượng nổi một “ông già” tuổi 78 như NSƯT Lân Bích lại dẻo dai đến thế: sáng làm cố vấn nội dung, nghệ thuật cho kênh truyền hình cáp SNTV do con gái thứ 2 Phương Thảo làm phó giám đốc, trưa chạy sang trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM giảng dạy, tối về qua tận Q.9 đóng phim…

Say nghề, nhưng ông bà cũng nhận thấy sự bất ổn khi để công việc cuốn đi làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Minh Đức cười thổ lộ: “Giờ chúng tôi hết dám đóng chung phim nữa vì luôn phải có người ở nhà trông nom. Bếp lửa lạnh tanh, trong khi chúng tôi thì mãi theo chân đoàn phim khiến cả hai không muốn đóng vai vợ chồng trên phim nữa. Sống với nhau ngoài đời quá đủ rồi”.

Nửa thế kỷ theo nghề, Lân Bích - Minh Đức luôn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Ông tâm sự: “Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi chưa ai có bất cứ xì-căng-đan nào. Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng khi đã quyết tâm theo đuổi nghề diễn phải xác định đó là chặng đường phấn đấu, học hỏi cả đời chứ chẳng phải đôi ba năm rồi bị quên lãng. Thời chúng tôi được đóng phim cứ như sắp lên đồng. Ăn ngủ cũng suy nghĩ về vai diễn, sống chết với nhân vật mới tạo nên sức mạnh, lay động cảm xúc khán giả được. Tiền bạc, danh vọng có thể đến nhanh trong đời nghệ sĩ nhưng cũng sẽ bất chợt phôi pha. Chỉ còn lại trong lòng người hâm mộ vai diễn, bộ phim, vở kịch hay ca khúc nào đó ghi dấu ấn của mình. Tất cả những điều đó có được chắc chắn không phải bằng những clip sex, bằng những vụ “lộ hàng” hay yêu đương buông thả”.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.