Hội thảo khoa học bảo vệ rùa hồ Gươm: Khẩn cấp cứu cụ rùa

16/02/2011 14:29 GMT+7

Ngày 15.2, có tới 15 tham luận, ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia tại cuộc Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ rùa hồ Gươm”. Hầu hết đều cho rằng phải khẩn trương cứu chữa các vết thương cho cụ rùa.

Đại diện của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, ông Timothy McCormack phát biểu tại hội thảo cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ còn lại 4 cá thể giống loài rùa hồ Gươm. Trong đó, 2 cá thể rùa sống ở Tô Châu, Trung Quốc đã được ghép đôi, mỗi năm đẻ hơn 100 trứng, nhưng chưa ấp nở thành công được quả trứng nào. Còn 2 cá thể rùa sống ở VN, 1 ở hồ Gươm và 1 ở hồ Đồng Mô. Ông Timothy McCormack kiến nghị một số giải pháp sau: ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá trong hồ Gươm; ngăn chặn việc xả rác ra hồ; xem xét các đường ống đi qua hồ Gươm; tiếp tục chương trình làm sạch nước hồ, kiểm soát các vi khuẩn trong hồ; bổ sung nước vào mùa khô để giảm mức độ ô nhiễm của hồ; nếu sức khỏe của rùa hồ Gươm ngày càng biểu hiện xấu đi thì nên có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để cứu chữa.

 

Ông Timothy MCormack - đại diện Chương trình bảo tồn rùa châu Á  phát biểu tại hội thảo - Ảnh: V.C

“Nên xem xét chương trình phối hợp bảo tồn rùa hồ Gươm giữa VN và Trung Quốc. Với cá thể rùa đực ở hồ Đồng Mô có thể tiến hành ghép đôi sinh sản với cá thể cái ở Trung Quốc, 50% số cá thể rùa non nở thành công sẽ được đưa về VN mỗi năm và cá thể rùa đực Đồng Mô sẽ được trở lại hồ sau một số năm thực hiện ghép đôi. Đây có thể là hy vọng cuối cùng để cứu loài rùa này”, ông Timothy McCormack nói.

 Bản tham luận khá chi tiết của TS Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã đề cập tới các giải pháp trước mắt và dài hạn bảo vệ rùa hồ Gươm, gồm: đưa rùa lên cạn, cách ly vào bể lớn, đủ lượng nước sạch để tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của rùa; lấy mẫu từ các vết thương để tìm tác nhân vi khuẩn và nấm; quyết định chủng loại, liều lượng thuốc và thử trên ba ba trước khi dùng cho cụ rùa; làm sạch các vết thương và bôi thuốc; tiếp tục cách ly rùa một thời gian phù hợp với liệu trình thuốc. Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường sống an toàn cho rùa hồ Gươm, tạo điều kiện để duy trì nòi giống.

Đồng quan điểm với TS Vân, thạc sĩ Kim Văn Vạn ở ĐH Nông nghiệp cũng cho rằng biện pháp xử lý hiệu quả nhất là đưa cụ rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét đồng thời với xử lý môi trường trong hồ. Về xử lý các nguyên nhân dẫn đến tổn thương cho cụ rùa, ông Vạn đề nghị: làm nhẵn đáy hồ, di chuyển các vật sắc nhọn ở đáy hồ; xử lý các vi sinh vật gây bệnh ở đáy và mặt nước hồ; cấp nước sạch vào, ngăn chặn các nguồn nước thải, tạo mặt thoáng cho hồ để tăng cường ánh sáng; sử dụng chế phẩm vi sinh vật làm sạch nước và bùn đáy hồ.

PGS-TS Hà Đình Đức cho biết loài rùa hồ Gươm chưa có tên trong Sách đỏ, chưa có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP bảo vệ các loài động vật hoang dã cực kỳ quý hiếm của VN. Các Sách đỏ chỉ nhắc tới một loài giải thường bò lên Tháp Rùa, hồ Gươm chứ không hề có tên rùa hồ Gươm. Ông Tymothy McCormack, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cũng cho rằng: “Cần phải đưa rùa Hoàn Kiếm vào Nghị định 32, với hình phạt thích đáng cho bất cứ ai gây hại tới loài này”.

Sau khi đưa ra thông tin xác định hồ Gươm hiện có ít nhất 2 cụ rùa, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội đề xuất hai việc cần làm ngay: Thứ nhất, cần tạo một đài phun nước (nơi sâu nhất của hồ) để tạo oxy, tạo khu nước sạch, gắn camera theo dõi (chắc chắn cụ rùa sẽ về đây hóng nước mới) để xác định các vết thương trầy xước, mức độ thương tật. Tại khu này, thả một số thức ăn có trộn kháng sinh thảo dược và bột tam thất để làm mau lành vết thương và chống nấm. Thứ hai, cho thu dọn các chướng ngại vật dưới hồ, đặc biệt dọn sạch đá, mài nhẵn đường kè bê tông quanh khu Tháp Rùa, đổ cát vào các lối lên bãi tháp (đổ từ dưới nước lên nửa bãi).

"Chữa bệnh" cho cả hồ Gươm

Ngoài việc chữa trị, để giảm thiểu các nguy cơ đối với cụ rùa, TS Nguyễn Viết Vĩnh đề nghị cần tiến hành các giải pháp đồng bộ có tính bền vững như: giảm thiểu ô nhiễm, quản lý môi trường nước hồ, loại trừ các sinh vật ngoại lai xâm hại (đặc biệt là rùa tai đỏ), lắp hệ thống camera để quan trắc hồ và giám sát hồ, thành lập một tổ chức phi chính phủ nhằm tập hợp lực lượng và thu hút tài trợ để bảo tồn quỹ gien rùa hồ Gươm.

Đến từ Hồng Kông, TS-BS thú y cao cấp Nimal Femando Ocean Park nhấn mạnh: hồ Gươm đang ô nhiễm nghiêm trọng, do vậy, phải làm sạch môi trường hồ, di chuyển bùn, tăng hàm lượng ô-xy, đưa các chế phẩm sinh học vào hồ để tạo môi trường sống tốt cho rùa.

Đề xuất một số giải pháp cải tạo bền vững hồ Gươm và bảo vệ cụ rùa, kỹ sư Nguyễn Văn Thịnh, Công ty HTH trình bày một loạt các thiết bị bắt rùa hồ Gươm chuyên dụng, thiết bị chuyên dụng bắt rùa tai đỏ, thiết bị nạo vét các dị vật trong hồ, thiết bị hút và lọc tuần hoàn nước hồ, thiết bị làm giàu ô-xy.

Cuối hội thảo, PGS-TS Hà Đình Đức cho biết: “Tôi hơi bị choáng vì tại hội thảo này, các chuyên gia đưa ra quá nhiều các giải pháp đối với cụ rùa và môi trường hồ Gươm, nhưng các biện pháp thiết thực nhất để kịp thời cứu chữa ngay cho cụ rùa thì chưa được bàn kỹ”. Phát biểu kết luận, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP Hà Nội cho biết TP sẽ tiến hành các giải pháp môi trường, nạo vét hồ Gươm, thu dọn các chướng ngại vật dưới lòng hồ và sẽ tạo bãi cát ở Tháp Rùa để cụ rùa lên sưởi nắng. Ông Rao cũng đề nghị sau hội thảo này, sẽ tiến hành một cuộc họp với các nhà chuyên môn khoa học để bàn sâu hơn, cụ thể hơn các biện pháp cứu chữa cho cụ rùa hồ Gươm.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.